Ôn thi thời Covid-19 của thầy, trò vùng cao Thanh Hóa: Căng mình ôn luyện

GD&TĐ - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2020 - 2021 đã cận kề. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid, việc ôn thi của học trò ở trường vùng cao Thanh Hóa gặp nhiều khó khăn.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) ôn luyện môn Lịch sử tại trường.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) ôn luyện môn Lịch sử tại trường.

Vừa ôn thi vừa phòng dịch

So với các trường ở miền xuôi, vùng có điều kiện kinh tế phát triển, việc ôn thi của học sinh khối 12 của các trường miền núi khá vất vả. Để tổ chức ôn tập cho học sinh, các trường phải vận dụng nhiều cách phù hợp và an toàn nhằm phòng, chống dịch Covid-19.

Thầy Vũ Ngọc Liêm – Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Lặc (huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) cho biết: Để tổ chức ôn thi trong điều kiện dịch bệnh phức tạp như hiện nay, nhà trường đã kích hoạt hệ thống phòng dịch. Theo đó, nhà trường bố trí khẩu trang cho học sinh, phòng có em nào quên đeo khi đến lớp. Cách 2 – 3 ngày, nhà trường tổ chức phun hóa chất khử khuẩn toàn bộ phòng học, khuôn viên trường. Bên cạnh đó, Ban giám hiệu yêu cầu giáo viên giám sát học sinh rửa tay bằng xà phòng, sát khuẩn tay bằng dung dịch khử khuẩn, kiểm tra thân nhiệt cho các em.

Theo thầy Liêm, sau khi kết thúc năm học, nhà trường tổ chức ôn thi trực tuyến cho học sinh, để tránh việc đi lại, tập trung đông người. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc ôn thi bằng hình thức trực tuyến của nhà trường không hiệu quả. Nhiều học sinh không có điều kiện, trang thiết bị để tham gia học. Bên cạnh đó, tinh thần tự giác học tập của một số em cũng chưa cao, hay bỏ giờ ôn luyện. Một số học sinh dù có phương tiện, máy móc để học trực tuyến, nhưng khi đến giờ học, các em cũng bật máy, kết nối với giáo viên để điểm danh, nhưng sau đó không tương tác. Tỷ lệ học sinh tham gia ôn thi trực tuyến chỉ đạt 170 em/385 học sinh.

“Trước tình trạng đó, nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn thống kê, lập danh sách những học sinh không có điều kiện học trực tuyến, để hỗ trợ các em. Sau khi có danh sách, thầy, cô giáo ra đề, in sẵn rồi gửi về tận nhà cho học sinh làm bài tập, sau đó nộp lại cho giáo viên. Thế nhưng, những cách làm nêu trên đều không hiệu quả. Vì thế, nhà trường phải tổ chức ôn thi trực tiếp ở trường trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh nghiêm ngặt. Kỳ khảo sát vừa qua, tỷ lệ học sinh của nhà trường đạt điểm trên mức trung bình khá cao (xếp thứ 37/88 trường trong toàn tỉnh). Hy vọng, năm nay số học sinh đăng ký thi đại học sẽ đạt được nguyện vọng”, thầy Liêm thông tin.

Tạo điều kiện tốt nhất cho trò

Trường THPT Quan Sơn (huyện biên giới Quan Sơn, Thanh Hóa) có 220 học sinh lớp 12 tham gia ôn tập. Ngoài ra, có 20 học sinh tự do đăng ký hồ sơ dự thi tại trường, và một số em cũng xin tham gia ôn thi tại trường.

Thầy Nguyễn Minh Đạo – Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Chúng tôi chia thành các nhóm sau khi có điểm thi khảo sát, để giáo viên dạy ôn tập cho học sinh đạt hiệu quả. Theo đó, nhóm học sinh còn yếu, giáo viên tập trung dạy ôn theo phương án riêng, để các em tiếp thu bài tốt hơn. Còn nhóm học sinh đã đăng ký thi đại học (có 59 em) thì ôn tập nâng cao.

Ban giám hiệu chọn đội ngũ giáo viên cốt cán để tập trung ôn thi tốt nghiệp. Trong đó,  môn Toán, Văn, Ngoại ngữ mỗi môn có 2 giáo viên. Còn các môn Lý, Hóa, Sinh, Giáo dục Công dân, Địa lý và Lịch sử, mỗi môn 1 giáo viên. “Đối với nhóm học sinh học lực yếu, giáo viên phải đến tận gia đình động viên các em đến lớp để ôn tập. Bởi lẽ, nhiều em trong nhóm này chưa có tinh thần tự giác trong học tập”, thầy Đạo cho hay.

Em Hà Thị Dịu, lớp 12A1, Trường THPT Quan Sơn tâm sự: Em ở xã Trung Hạ cách trường khá xa, nên được thầy cô tạo điều kiện cho ở trong ký túc xá miễn phí. Hàng ngày, sau buổi ôn trên lớp, em xuống căng tin của trường ăn cơm, rất thuận tiện. Năm nay, em đăng ký thi để xét tuyển đại học, nên được thầy, cô giáo tập trung ôn tập kỹ càng. Em sẽ cố gắng ôn tập để đạt được nguyện vọng của mình trong kỳ thi sắp tới.

Cô Phạm Thị Hằng, dạy bộ môn Lịch sử, chia sẻ: Nhóm học sinh đăng ký thi ĐH chăm chỉ, có ý thức tự giác, tự học cao, mạnh dạn hỏi ý kiến cô giáo chứ không rụt rè. Những điều đó đã tạo sự phấn chấn cho giáo viên ôn tập trong giai đoạn vất vả này.

“Nhà trường tạo điều kiện tốt nhất có thể cho các em ôn luyện. Đồng thời, đề phòng xảy ra tình huống xấu liên quan đến dịch bệnh Covid-19, chúng tôi quán triệt học sinh tuyệt đối không rời khỏi địa phương cho đến khi hoàn thành kỳ thi”, thầy Đạo thông tin.
Ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.