Trường học hạnh phúc: Xây dựng ngôi nhà thứ hai cho học sinh

GD&TĐ - Tại Trường Mầm non xã Trác Văn, thầy cô phấn đấu đưa trường học trở thành ngôi nhà thứ hai của trẻ. Còn phương châm của Trường THPT Đức Hợp là "trường như nhà, thầy cô như cha mẹ, bạn bè như anh em ruột thịt".

Trường Mầm non xã Trác Văn quyết tâm trở thành ngôi nhà thứ hai của trẻ.
Trường Mầm non xã Trác Văn quyết tâm trở thành ngôi nhà thứ hai của trẻ.

Phối hợp giữa gia đình và nhà trường

Cô giáo Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Trác Văn, tỉnh Hà Nam, bày tỏ: Với phương châm xây dựng trường học hạnh phúc, cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường quyết tâm xây dựng Trường Mầm non xã Trác Văn trở thành ngôi nhà thứ hai của trẻ.

Hiểu rằng đội ngũ giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục nhà trường, công tác bồi dưỡng giáo viên nhằm nâng cao đạo đức nhà giáo, trách nhiệm nghề nghiệp luôn được quan tâm. Ngoài ra, giáo viên được khuyến khích tự học, khai thác nguồn tài liệu, học liệu hữu ích trên Internet để đội ngũ giáo viên thật sự “sáng về tâm đức, giỏi về chuyên môn, vững về tay nghề”.

Giáo viên nhà trường linh hoạt vận dụng nhiều phương pháp giáo dục quốc tế như Montessori, STEM… Hàng năm nhà trường thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách đối với nhà giáo theo quy định hiện hành. Phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực và đảm bảo sự công bằng cho cán bộ giáo viên toàn trường nhằm tạo động lực cho mọi cán bộ giáo viên nhà trường phát huy và nêu cao ý thức trách nhiệm của từng thành viên.

Nhờ đó, giáo viên đã nâng cao kỹ năng thiết kế hoạt động dạy học, chú trọng lấy trẻ làm trung tâm và tạo cơ hội cho các bé được trải nghiệm; đồng thời, quan tâm đến những trẻ thiếu hụt, trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh môi trường vật chất là môi trường xã hội. Môi trường này vừa mang tính chất sư phạm vừa mang tính chất gia đình. Điều này vô cùng cần thiết trong quá trình giáo dục trẻ. Ở đó, có sự cởi mở, thân thiết giữa cô và trẻ, giữa trẻ và trẻ, giữa trẻ với môi trường, tạo cơ hội để các bé được chia sẻ, được đề xuất nguyện vọng, mong ước với giáo viên, bạn bè. Nhờ vậy, cô hiểu trẻ hơn, trẻ hiểu nhau hơn.

“Hướng đến mô hình trường học hạnh phúc, giáo viên tích cực huy động sự tham gia của cha mẹ vào hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ trong nhà trường. Từ đó, duy trì sự kết nối giữa phụ huynh và giáo viên, giữa trẻ em với nhà trường. Đơn cử trong các ngày hội, ngày lễ như Hội Chợ xuân, Trải nghiệm gói bánh trưng tết, Tết Trung thu, giáo viên mời phụ huynh đến trường cùng tham gia các hoạt động với con cái”, cô Hằng bày tỏ.

Theo cô Hằng, trong thời gian dịch Covid-19 khiến trường học phải đóng cửa, nhà trường vẫn duy trì trao đổi với trẻ em, phụ huynh. Trẻ em cảm nhận được sự ấm áp, quan tâm từ thầy cô.

Nhà trường đã phát động phong trào làm video bài giảng gửi phụ huynh. Các video có nội dung tuyên truyền công tác phòng dịch, kỹ năng chăm sóc sức khoẻ bản thân và chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1.

"Cây điều ước" tại Trường THPT Đức Hợp, tỉnh Hưng Yên.
"Cây điều ước" tại Trường THPT Đức Hợp, tỉnh Hưng Yên.

Tâm thế của người hạnh phúc

Tại Trường THPT Đức Hợp, tỉnh Hưng Yên, xây dựng trường học hạnh phúc gắn liền với phương châm “trường như nhà, thầy cô như cha mẹ, bạn bè như anh em ruột thịt”.

Thời gian qua, nhà trường đã xây dựng mô hình “Cây điều ước”. Mỗi học sinh, trong ngày đầu nhập học, sẽ viết ước mơ của mình vào những dải ruy băng rồi buộc lên cây điều ước. Từ đó, tiếp thêm động lực gắn bó, yêu thương ngôi trường của mình.

Thầy giáo Hà Quang Vinh, Hiệu trưởng nhà trường, cho rằng hiệu trưởng và giáo viên là những nhân tố quan trọng, là người truyền cảm hứng và cũng là người cầm lái “con tàu” trường học hạnh phúc. Do đó, thầy cô phải xây dựng tâm thế của người hạnh phúc và sẵn sàng chấp nhận là người chưa được hạnh phúc. Giáo viên cần được lắng nghe, được chia sẻ những áp lực, căng thẳng và nhận về những hành động phản hồi để xây dựng hạnh phúc.

Trong khi đó, quan tâm, chăm lo cho sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần của học sinh, giáo viên, nhân viên là một trong những điều kiện quan trọng để Trường THCS Xuân Quan, tỉnh Hưng Yên, xây dựng môi trường hạnh phúc.

Cô giáo Nguyễn Thị Tố Uyên, hiệu trưởng nhà trường, cho biết thầy cô thành lập tổ, nhóm hoạt động thể thao như đội bóng đá, bóng chuyền... Các thầy cô thường xuyên tổ chức giao lưu thể thao trong nhà trường hoặc giữa các trường học trên địa bàn.

Với học sinh, ngoài tiết học Thể dục, các em được khuyến khích rèn luyện thể thao, tham gia các hoạt động thể thao trong và ngoài nhà trường. Cuối giờ, học sinh chơi bóng đá, cầu lông... trong khuôn viên trường. Bài học về cảm xúc tích cực, kiểm soát cảm xúc... được lồng ghép trong giờ dạy giúp học sinh hình thành kỹ năng quản lý cảm xúc và quan tâm đến sức khoẻ tinh thần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoạt động trải nghiệm “Theo dấu chân người chiến sĩ Điện Biên” tại Tượng đài kéo pháo. Ảnh: NTCC

Hành trình theo 'địa chỉ đỏ'

GD&TĐ - Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Điện Biên có chất lượng dạy và học đứng đầu trong khối các trường THPT không chuyên của địa phương...
Bạn có thể tận hưởng sự gắn kết thể xác với bạn tình và có một mối quan hệ yêu đương, nhưng vì lý do nào đó, bạn trở nên ít hứng thú với tình dục. (Ảnh: ITN)

Khi nàng rối loạn ham muốn 'yêu'

GD&TĐ - Rối loạn ham muốn ở phụ nữ là một loại rối loạn chức năng tình dục khiến người trong cuộc có rất ít hoặc không có hứng thú với chuyện ấy.