Cách nhìn mới về xây dựng “Trường học hạnh phúc tại Việt Nam”

GD&TĐ - Phòng GD&ĐT Ba Đình (Hà Nội) vừa phối hợp với Công ty Atlantic Five-Star English (Tập đoàn Giáo dục Atlantic) tổ chức “Hội thảo Trường học Hạnh phúc tại Việt Nam”.

Xây dựng "Trường học hạnh phúc" để học sinh trở thành trung tâm của thầy cô, nhà trường và cha mẹ quan tâm.
Xây dựng "Trường học hạnh phúc" để học sinh trở thành trung tâm của thầy cô, nhà trường và cha mẹ quan tâm.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện Học viện giáo dục Eurasia thuộc Hiệp hội giáo dục Eurasia-Thụy Sỹ; Ông Lê Đức Thuận, Trưởng Phòng GD&ĐT Ba Đình; các chuyên viên Phòng Giáo dục cùng 360 Hiệu trưởng/Hiệu phó/Chủ tịch Công đoàn và giáo viên Tiếng Anh các cấp học từ mầm non, tiểu học đến THCS.

Trong thời gian gần 3 giờ, các thầy cô đã được GS Hà Vĩnh Thọ - Chủ tịch Học viện Eaurasia về Hạnh phúc và An sinh - người phát triển chương trình “Trường học Hạnh phúc tại Việt Nam” chia sẻ sinh động về mối quan hệ của thầy với thầy, trò với trò và thầy với trò trong mối tương quan giao thoa về thế hệ để tạo nên một trường học Hạnh phúc;

Ông đã chỉ ra bản thân mỗi cha mẹ và thầy cô cần thấu hiểu một nguyên tắc: tất cả trẻ em đều có chung những nhu cầu cơ bản, nhưng mỗi nhu cầu, với từng cá nhân, sẽ ở mức độ khác nhau (Nhu cầu về an toàn cảm xúc; nhu cầu về cơ hội phát triển và nhu cầu về sự chấp nhận của xã hội…).

Hội thảo đã mang đến cho lãnh đạo Phòng GD&ĐT, chuyên viên, các nhà trường một cách nhìn mới, một mô hình mới về trường học Hạnh phúc để cùng nhau hiểu và hoạch định một hướng đi mới trong tương lai và phát triển nhiều trường học Hạnh phúc trên địa bàn Quận Ba Đình.

Hội thảo cũng đã chỉ ra để xây dựng nên một trường học Hạnh phúc, mỗi nhà trường và ngành Giáo dục cần hướng đến đảm bảo 6 yếu tố nền tảng quan trọng:

Xây dựng Một khung chương trình hướng tới sự an lạc của học sinh để học sinh được giảm bớt sự cạnh tranh, căng thẳng và tập trung quá nhiều vào thi cử hiện nay.

Hội thảo được tổ chức trực tuyến.
Hội thảo được tổ chức trực tuyến.

Giáo dục cần hướng đến tổng hạnh phúc quốc gia. Chương trình “Trường học xanh của em” là một hướng đi cải cách. Mục đích cao nhất của mô hình giáo dục Trường học xanh là đạt được sự hội nhập, hài hòa giữa cá nhân và xã hội, giúp xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Chương trình Giáo dục sự quan tâm để hướng đến giải quyết vấn đề giáo dục thiếu chú trọng vào việc nuôi dưỡng sự quan tâm. Trong khi đó, lý thuyết và nghiên cứu thừa nhận một nền giáo dục chất lượng cao không chỉ nuôi dưỡng trí năng mà cần nuôi dưỡng sự phát triển của những phẩm chất tích cực, nhân văn...

Chương trình Giáo dục Cảm xúc - Xã hội (SEL) - một phần tích hợp trong giáo dục và sự phát triển của con người. SEL là một quá trình mà thanh-thiếu niên và người trưởng thành tiếp thu và ứng dụng những kiến thức, kĩ năng, thái độ để hình thành một cá tính lành mạnh, có thể quản lý cảm xúc và đạt được những mục tiêu cá nhân và tập thể, cảm nhận và biểu hiện sự đồng cảm với người khác...

Giáo dục sự chú tâm trong trường học giúp mang lại các lợi ích như: Cải thiện sự chú ý; Điều tiết cảm xúc; Lòng trắc ẩn; Giảm thiểu Lo âu và Căng thẳng.

Giáo dục hướng đến sự phát triển bền vững; Hành động có tính chuyển hóa: Nền giáo dục hướng đến phát triển bền vững (ESD) cần chú trọng hơn vào sự chuyển hóa cá nhân của mỗi người và cách thức để sự chuyển hóa ấy diễn ra...

Cách nhìn mới về xây dựng “Trường học hạnh phúc tại Việt Nam” ảnh 2

Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT Ba Đình trao đổi: Thực hiện chiến lược phát triển GD&ĐT quận Ba Đình giai đoạn 2020 -2025 và tầm nhìn 2030, Phòng GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ năm học tại các nhà trường theo từng giai đoạn để phấn đấu đưa giáo dục trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu của thành phố về mọi mặt.

Trong những năm vừa qua, đặc biệt trong 2 năm trở lại đây, Ngành giáo dục Ba Đình đã có những bước tiến vượt bậc về chất để từng bước khẳng định vị thế của mình bằng kết quả.

Để tiếp tục phát huy tiềm năng vị thế địa chính trị của quận lõi trung tâm, khơi dậy niềm tự hào và sự quyết tâm đổi mới về tư duy, cách làm và con người, Phòng GD&ĐT đã tham mưu cho lãnh đạo Quận các giải pháp từ tổng thể đến chi tiết của từng lĩnh vực liên quan đến giáo dục trên địa bàn Quận.

Trong đó hướng đến mục tiêu xây dựng trường học Hạnh phúc - Văn minh để học sinh trở thành trung tâm được thầy/cô, nhà trường và cha mẹ nuôi dưỡng học tập & trưởng thành trong hạnh phúc trước bối cảnh toàn cầu hóa và kỷ nguyên công nghệ số đang diẽn ra vô cùng mạnh mẽ...

Mục tiêu của dự án Trường học hạnh phúc tại Việt Nam:

Hỗ trợ phát triển một khung lý thuyết rõ ràng cùng phương pháp thực hành thực tế cho chương trình đào tạo giáo viên, giúp giáo viên xây dựng Trường học Hạnh phúc từ bậc Mầm non đến THPT.

Xây dựng nhận thức Hạnh phúc thực sự có thể đạt được nếu học sinh được trao cơ hội để học tập và thực hành 3 thành tố của sự Quan tâm:

Tự quan tâm: Học cách phát triển toàn bộ tiềm năng, kiến thức, năng lực, kĩ năng, tài năng, sáng tạo.

Quan tâm đến người khác và xã hội: Học cách chung sống hòa thuận với người khác và thiết lập những mối quan hệ có ý nghĩa, trở thành công dân có trách nhiệm và đóng góp cho một xã hội hạnh phúc.

Quan tâm đến môi trường và hành tinh: Học cách tôn trọng và bảo vệ môi trường sống mong manh của chúng ta và sống chan hòa với tự nhiên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ