Trăn trở với ngành giáo dục
Chia sẻ với báo GD&TĐ, nhà báo Lưu Thị Hường (Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội) cho biết, sau 2 năm đồng hành cùng thầy Ngô Xuân Hiếu trong hành trình truyền cảm hứng miễn phí “Xây dựng trường học hạnh phúc” tại nhiều vùng miền của Tổ Quốc, loạt phóng sự 4 kỳ: Thầy giáo truyền cảm hứng vì trường học hạnh phúc của chúng tôi lần lượt ra đời
Nhà báo Lưu Thị Hương chia sẻ, bản thân luôn quan tâm đến những trăn trở của ngành giáo dục nước nhà trong việc xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh. Nơi đó không có bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo và học sinh.
“Nơi mà thầy và trò nhà trường được thấu hiểu, được yêu thương, được tôn trọng và được có giá trị. Bởi trên thực tế, ở đâu đó trên đất nước ta, vẫn còn những Ngôi trường chưa thực sự hạnh phúc…”, nhà báo Lưu Hường nói.
Là một phụ huynh của 2 học sinh, nhà báo Hường cảm nhận sâu sắc những nỗi niềm trăn trở đó. Và với tư cách là một phóng viên của Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội, nhà báo Lưu Hường luôn mong muốn có thể góp 1 chút sức lực nhỏ bé của mình để chung tay xây dựng nền giáo dục nước nhà, thông qua những phóng sự, những chuyên đề phát trên sóng phát thanh và truyền hình.
Nhà báo Lưu Hường cũng cho biết, những suy nghĩ và mong mỏi đúng vào thời điểm giáo dục nước nhà có nhiều sự thay đổi từ chủ trương, chính sách cho đến nhận thức của cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ giáo viên và toàn xã hội.
Trong đó, việc xây dựng trường học hạnh phúc là một trong những mong muốn của toàn ngành giáo dục nói riêng và của xã hội nói chung.
“Khi Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã ban hành kế hoạch số 103 về triển khai nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới;
Đến ngày 22/4/2019, người đứng đầu ngành Giáo dục đã phát động phong trào "Triển khai kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một môi trường hạnh phúc”.
Đúng vào thời điểm đó thì chúng tôi được biết Tiến sĩ Ngô Xuân Hiếu- Giảng viên của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã chọn chuyên đề về Xây dựng trường học hạnh phúc để truyền cảm hứng đến các trường trên nhiều vùng miền của Tổ quốc, thầy Hiếu làm việc này hoàn toàn miễn phí…”, Nhà báo Lưu Hường nhớ lại.
Thấy việc làm của thầy Hiếu vô cùng ý nghĩa và mang lại nhiều điều tích cực cho giáo viên các nhà trường, nhà báo Lưu Hương và đồng nghiệp đã quyết định thực hiện một loạt phóng sự nhiều kỳ để phát trên sóng phát thanh của Đài PTTH Hà Nội.
“Xuất phát từ trách nhiệm và nghĩa vụ của một phóng viên, phải tuyên truyền và truyền thông thật tốt về những chủ trương của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước, chung tay lan tỏa và nhân rộng những giá trị tốt đẹp đến mọi người trong xã hội, vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam…”, nhà báo Lưu Hường chia sẻ về lý do chọn đề tài.
Tri ân thầy cô giáo
Nhà báo Lưu Hường kể, ban đầu chỉ biết là thầy Hiếu có tham gia dạy chuyên đề “Xây dựng trường học hạnh phúc” và thấy thầy hầu như cuối tuần nào cũng đi. Dõi theo trang cá nhân Facebook và Zalo của thầy thì mới thấy mật độ thầy Hiếu đi ngày càng nhiều và có sự phản hồi tích cực từ các thầy cô, nhà trường và xã hội.
“Tôi bắt đầu quan tâm và đề nghị thầy cho tôi đi theo để ghi nhận tình hình thực tế. Sau vài lần đi theo thầy, trực tiếp tham dự các bài giảng của thầy, bản thân tôi bắt đầu cảm nhận được sự trân quý về những việc làm của thầy, thật sự ý nghĩa cho xã hội, cho nền giáo dục nước nhà.
Tôi cũng nhìn thấy rõ những cảm xúc của các thầy cô trong và sau các buổi tập huấn của thầy. Các chuyến đi truyền cảm hứng miễn phí “Xây dựng trường học hạnh phúc” của thầy không chỉ đến với các trường ở Thủ đô mà Thầy còn đến với các tỉnh vùng cao, các tỉnh miền trung. Có lúc thầy đi cá nhân, cũng có lúc có thêm các thành viên trong Ekip đi theo hỗ trợ thầy. Và đặc biệt trong đợt 3 và đợt 4 dịch covid 19, thầy cũng tập huấn online cho các nhà trường của nhiều tỉnh thành về chương trình này…”, nhà báo Lưu Hường nhớ lại.
Vì thời gian công việc, tuy không theo được hết các buổi dạy của thầy Hiếu, nhưng nhà báo Lưu Hường luôn xin lịch đi truyền cảm hứng của thầy, có thể sắp xếp được thì tôi đi cùng, nếu không đi cùng được thì lại lên trang cá nhân của thầy để xem các bài đăng và cảm nhận những tương tác của các thầy cô qua comment.
Đồng thời, nhà báo Lưu Hường cũng vào website của các nhà trường mà thầy đến chia sẻ để đọc các bài mà nhà trường đưa lên sau buổi tập huấn của Thầy.
“Thật sự, khi đọc được các bài viết của nhà trường, tôi lại càng muốn làm loạt phóng sự về hành trình đi truyền cảm hứng của thầy về xây dựng trường học hạnh phúc để lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho xã hội.
Sau 2 năm đồng hành cùng thầy Hiếu trong hành trình truyền cảm hứng miễn phí xây dựng trường học hạnh phúc tại nhiều vùng miền của tổ quốc, loạt phóng sự 4 kỳ của chúng tôi lần lượt ra đời…”, nhà báo Lưu Hường chia sẻ.
Để triển khai đề tài trên, nhà báo Lưu Hường cùng đồng nghiệp đã dùng 3 kênh để thực hiện loạt phóng sự của mình: Trực tiếp đến các trường cùng thầy theo lịch của thầy; Đọc các bài viết trên trang của các nhà trường về thầy sau các buổi tập huấn; Những trường không đến được, tôi gọi điện phỏng vấn các thầy cô qua điện thoại.
Nhà báo Lưu Hường chia sẻ, lần nào cũng cảm nhận được sự trân quý và những cảm xúc đong đầy từ các thầy cô nhà trường dành cho thầy sau những buổi tập huấn “Xây dựng trường học hạnh phúc”.
Nhà báo Lưu Hường cũng chia sẻ: Cuộc thi “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” là sân chơi dành cho các phóng viên cả nước, đặc biệt là những phóng viên phụ trách mảng Giáo dục.
“Qua đây cũng là cơ hội để những người làm báo thể hiện tình yêu báo chí, có trách nhiệm với ngành Giáo dục nước nhà. Đặc biệt tri ân thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam đang đến gần…”, nhà báo Lưu Hường nhấn mạnh.
Chung tay vì trường học hạnh phúc
Nói đến đề xuất các biện pháp và cơ chế để cho giáo dục phát triển, nhà báo Lưu Hường bày tỏ, cần tuyên truyền rộng rãi và truyền thông mạnh hơn nữa để nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ nhà giáo về tầm quan trọng của việc xây dựng trường học hạnh phúc. Bên cạnh đó, cần tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra và đánh giá thường xuyên việc xây dựng trường học hạnh phúc.
Ngoài ra, cần tạo không gian, sắp xếp thời gian và bố trí kinh phí tập huấn về xây dựng trường học hạnh phúc trong các nhà trường.
“Qua thực tế 2 năm tham gia các buổi tập huấn miễn phí “Xây dựng trường học hạnh phúc” của thầy Hiếu trên các vùng miền của tổ quốc. Chúng tôi nhận thức rõ ràng rằng, rất nhiều nhà trường mong muốn được tổ chức các buổi tập huấn, giao lưu, học hỏi để xây dựng ngày càng tốt hơn các trường học hạnh phúc, nhưng vì kinh phí không cho phép nên không thể tổ chức được.
Nếu thầy Hiếu không thực hiện tập huấn miễn phí chuyên đề này, thì nhiều trường trên các vùng miền của tổ quốc sẽ khó tiếp cận được. Đồng thời, việc đi đến các trường ở mọi miền của tổ quốc để tập huấn miễn phí suốt nhiều năm về chuyên đề xây dựng trường học hạnh phúc như thầy Hiếu đã làm thì không phải thầy cô nào cũng có thể thực hiện được, nếu thiếu kinh phí…”, nhà báo Lưu Hương trăn trở.