Nhiệm vụ chung của toàn xã hội
Trường Tiểu học Tân Dân, TP. Việt Trì là đơn vị đi đầu trong công tác triển khai xây dựng Trường học hạnh phúc tại Phú Thọ. Trao đổi với Báo GD&TĐ, cô giáo Nguyễn Thị Minh Thịnh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để xây dựng Trường học hạnh phúc đáp ứng mục tiêu giáo dục, thời gian qua, nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tích cực huy động các nguồn lực xã hội để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đảm bảo điều kiện dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục an toàn, chất lượng, hiệu quả; phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, gia đình và xã hội với các giá trị cốt lõi gồm yêu thương, an toàn và tôn trọng.
Bên cạnh đó, nhà trường đã xây dựng các nội quy, quy định và quy tắc ứng xử của cán bộ giáo viên (CBGV), học sinh (HS) trong và ngoài nhà trường. Theo đó, quy tắc trong nhà trường là ứng xử của cán bộ, giáo viên, nhân viên với đồng nghiệp, phụ huynh, nhân dân và học sinh. Đối với HS là ứng xử với thầy cô giáo, ông bà, cha mẹ, bạn bè… Ngoài ra, nhà trường cũng xây dựng một số các qui định khác như: Đoàn kết, sẻ chia, yêu thương, nhân ái, thân thiện... Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, an toàn, xanh, sạch, đẹp.
“Để xây dựng thành công Trường học hạnh phúc, người cán bộ quản lý phải là người không ngừng tư duy, đổi mới, sáng tạo trong mọi hoạt động. Gương mẫu, đi đầu trong công việc, quyết tâm trong hành động. Đặc biệt phải là người khơi gợi, người truyền cảm hứng, nhiệt huyết cho đội ngũ CBGV. Tạo điều kiện để GV được học tập, bồi dưỡng. Tổ chức các hoạt động giáo dục để giáo viên có điều kiện được thể hiện bản thân, được tìm tòi, sáng tạo để khẳng định mình.
Ngoài ra, vai trò của phụ huynh cũng rất quan trọng. Trường học hạnh phúc phải là nơi thầy, cô giáo, các em HS cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học. Phụ huynh tạo điều kiện cho nhà trường về cơ chế, chính sách để nhà trường thực hiện mục tiêu giáo dục và phát triển. Có nhiều ưu đãi cho CBGV, HS đạt thành tích cao trong dạy và học.
Do vậy, phụ huynh cần phối hợp tốt với nhà trường trong việc rèn luyện và giáo dục các con đáp ứng mục tiêu giáo dục của nhà trường. Cần sự tôn trọng nhiều hơn nữa của xã hội và các bậc phụ huynh đối với đội ngũ các thầy cô và những người làm công tác giáo dục. Mỗi gia đình cần xây dựng một qui tắc ứng xử phù hợp để tạo nên những điều tốt đẹp cho xã hội” - cô Nguyễn Thị Minh Thịnh khẳng định.
Tâm thế người có hoài bão hạnh phúc
Vui vẻ, an toàn, tôn trọng, yêu thương, phát huy hết năng lực của bản thân… là những nội dung mà tập thể Ban giám hiệu Hiệu trưởng Trường THCS Sa Đéc, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ đang nỗ lực tạo ra và lan tỏa mạnh mẽ đến học sinh, hướng đến một môi trường sư phạm văn minh, thân thiện, một mô hình trường học hạnh phúc.
Cô giáo Phùng Thị Cẩm Giang - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển của Trường THCS Sa Đéc cho thấy, việc xây dựng môi trường học tập thân thiện và hạnh phúc luôn được nhà trường quan tâm và các thế hệ cán bộ, giáo viên luôn có ý thức xây dựng. Đội ngũ giáo viên trong nhà trường đã nắm bắt với tư duy tích cực, xác định cần thay đổi từ nhận thức tới hành động để kiến tạo nên ngôi trường hạnh phúc.
Đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường đã tích cực thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục. Trường cũng triển khai thực hiện hiệu quả Cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; động viên giáo viên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và ủng hộ những phương pháp dạy học mới. Đồng thời, ghi nhận ý kiến đóng góp của giáo viên, học sinh để xây dựng môi trường học tập tốt nhất.
Đối với vai trò của giáo viên trong việc xây dựng Trường học hạnh phúc, cô giáo Phùng Thị Cẩm Giang - Hiệu trưởng trường THCS Sa Đéc cho rằng, mỗi giáo viên cần thấy rõ nhiệm vụ của mình, không phải chỉ đơn thuần là lên lớp với những bài giảng trong sách vở và vận dụng thực tế, mà có nhiệm vụ giúp HS thấy được ngôi trường mình là nơi an toàn cho mọi hoạt động của thầy, trò, không có hành vi bạo lực, không có hành vi phi đạo đức. Các thầy cô giáo phải thay đổi chính bản thân mình. Các thầy cô giáo phải rèn luyện và có tâm thế của người có hoãi bão hạnh phúc và sẵn sàng dấn thân vì trường học hạnh phúc