Đảm bảo tốt nhất các điều kiện đón học sinh trở lại trường
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, Sở đã chỉ đạo các đơn vị, trường học tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh, học viên lớp 9 và 12 trong thời gian qua, khắc phục ngay các công việc còn hạn chế (phương án bố trí thời gian học, số lượng học sinh, học viên trong từng buổi; phương án phòng, chống Covid-19…). Phân công cán bộ, giáo viên, người lao động thực hiện các công việc chuẩn bị để đảm bảo tốt nhất các điều kiện cần thiết đón toàn bộ học sinh, học viên trở lại trường học.
Theo ông Bùi Quý Khiêm, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Đồng Tháp, Sở lưu ý khi tổ chức dạy học trực tiếp các cơ sở giáo dục chỉ được tổ chức dạy học trực tiếp khi bảo đảm đủ các điều kiện như: Địa phương (xã, phường, thị trấn) được đánh giá cấp độ dịch mức độ 1 và 2; Được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh.
Phải bảo đảm an toàn cho trẻ mầm non, học sinh, học viên, giáo viên, gồm: trước khi nhập học, khi vào lớp học, về nhà; Trong mỗi công đoạn, dự báo các tình huống phát sinh, đồng thời có phương án xử lý đối với từng tình huống cụ thể. Học mỗi ngày 1 buổi và học tất cả các ngày trong tuần theo quy định.
Trước mắt, chưa tổ chức các hoạt động tập trung đông học sinh, học viên (chào cờ đầu tuần, sinh hoạt tập thể, hoạt động trải nghiệm…) cho đến khi có thông báo mới. Kết hợp dạy học trực tuyến đối với các hoạt động ôn tập, củng cố, giao nhiệm vụ học tập.
Các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp với ngành Y tế triển khai các phương án phòng, chống dịch và xử lý các tình huống có thể xảy theo các văn bản chỉ đạo đã ban hành. Trước mắt, chưa cho phép căng tin hoạt động cho đến khi có thông báo mới. Đối với những học sinh, học viên chưa đến trường do cha mẹ chưa đồng ý vẫn tổ chức dạy học trực tuyến, giao nhiệm vụ học tập cho các em.
Học sinh tỉnh Tiền Giang từ khối 7 đến khối 12 cũng trở lại trường từ ngày 7/2. Theo ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, các cơ sở giáo dục mở cửa đón học sinh trở lại phải đạt mức an toàn rất cao theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trường học đã công bố trước đó và phải có kế hoạch, phương án chống dịch được Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 cấp huyện phê duyệt.
Từ nay đến ngày mở cửa trường học (tức mùng 7 tết, nhằm ngày 7/2), các đơn vị cần hết sức linh hoạt, chủ động trong việc chuẩn bị phương án, các điều kiện về cơ sở vật chất để có thể đón học sinh trở lại trường một cách an toàn và thuận lợi nhất.
Theo dõi sát tình hình phòng, chống dịch trong trường học
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long, từ ngày 7/2, học sinh khối 9 và khối 12 sẽ trở lại trường học trực tiếp. Học sinh các khối 5, 6, 10, 11 cũng sẽ đến trường học trực tiếp từ ngày 14/2. Đến ngày 28/2, toàn bộ học sinh phổ thông và trẻ mẫu giáo trở lại trường học trực tiếp.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long giao Giám đốc Sở GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với Giám đốc Sở Y tế để xây dựng và thực hiện phương án dạy học thích ứng, linh hoạt, phù hợp với tình hình từng cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh; bảo đảm tuyệt đối an toàn và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT trong quá trình tổ chức dạy và học; theo dõi sát tình hình phòng, chống dịch bệnh trong trường học, báo cáo kịp thời cho Sở Y tế.
Đón học sinh trở lại sau kỳ nghỉ Tết, để đảm bảo an toàn phòng dịch, đảm bảo các mục tiêu giáo dục cho học sinh, Sở GD&ÐT TP Cần Thơ đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các trường của 9 quận, huyện.
Các trường học ở Cần Thơ đã thực hiện vệ sinh, bố trí các phòng cách ly; chuẩn bị các phương án để đón học sinh đến trường. Tất cả nhà trường tiến hành tổng vệ sinh môi trường xung quanh, vệ sinh khử khuẩn bằng cách lau Cloramin B tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, lan can, bàn ghế, dụng cụ học tập; đồng thời bố trí và đảm bảo nơi rửa tay có đủ xà phòng và nước sạch, trang bị khẩu trang, máy đo thân nhiệt… Các trường còn cập nhật thường xuyên các trường hợp học sinh F0, F1 để báo cáo kịp thời về Sở.
Theo thầy Ðào Phúc Thịnh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Ngọc Hiển (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), khi phát hiện học sinh hay cán bộ, giáo viên, nhân viên có những biểu hiện sốt, ho, khó thở… trường sẽ thực hiện theo hướng xử lý cụ thể. Trường đưa người nghi ngờ nhiễm bệnh đến khu cách ly riêng, phòng cách ly y tế, tránh tiếp xúc gần với những người khác. Cán bộ y tế phải đeo khẩu trang y tế, găng tay, sử dụng trang phục y tế, cung cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn cho người nghi ngờ nhiễm bệnh; cuối cùng thông báo kịp thời cho cơ quan y tế địa phương để hỗ trợ xử lý.
Theo ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ÐT TP Cần Thơ), hiện tỷ lệ giáo viên của ngành được tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 đạt trên 98% và đang tiêm mũi 3; gần 100% học sinh từ 12 - 18 tuổi được tiêm vắc xin.
Việc học sinh đi học trực tiếp là cần thiết, nhằm củng cố kiến thức cho các em sau nhiều tháng học trực tuyến. Sở đã kiểm tra và nắm lại toàn bộ nội dung về công tác phòng, chống dịch, việc thành lập Ban chỉ đạo, Tổ Covid-19; thiết bị hỗ trợ phòng, chống dịch; cơ sở vật chất phòng học; hiệu quả nhà trường đạt được trong công tác dạy học trực tuyến. Qua đó, Sở tiếp tục điều chỉnh và có kế hoạch hướng dẫn chi tiết nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh trở lại trường.
Ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ÐT TP Cần Thơ).