Thứ trưởng nhìn nhận, đây là chủ đề đang được dư luận và xã hội quan tâm. Thời gian qua, Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo quyết liệt về việc mở cửa trường học, đón học sinh trở lại học trực tiếp.
Sau chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã chủ trì và phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo trực tuyến về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp, đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, đại diện Bộ Y tế, đại diện các địa phương đã phân tích các điều kiện cần thiết cho việc mở cửa trường học, đồng thời thống nhất việc mở cửa trường học là yêu cầu cấp thiết tại thời điểm hiện tại và phải được làm sớm nhất ngay sau Tết Nguyên đán
Thứ trưởng cho hay, Tổ chức Y tế thế gới và UNICEF đã đưa ra 8 khuyến nghị; trong đó có khuyến nghị: trường học phải là cơ sở đầu tiên mở cửa và là cơ sở cuối cùng đóng cửa.
Cách tốt nhất để bảo vệ trẻ em khi đi học trở lại là những gì Chính phủ Việt Nam đã thực hiện. Đó là tiếp tục thực hiện 5K và đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho người lớn liên quan đến trẻ em.
Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn hướng dẫn các địa phương nhanh chóng có biện pháp để sớm đưa học sinh trở lại trường học tập sau Tết Nguyên đán (trước ngày 14/2).
Bộ GD&ĐT đã đề nghị địa phương hoàn trả cơ sở vật chất đã trưng dụng cho phòng, chống dịch để nhà trường chuẩn bị đón học sinh, sinh viên trở lại học tập. Hiện, 91% số trường cao đẳng, đại học đã có kế hoạch đưa sinh viên trở lại trường vào ngày 7/2.
63 tỉnh, thành phố lên kế hoạch đón học sinh trở lại. Cụ thể: Khối Mầm non có 51/63 tỉnh, thành phố; Khối Tiểu học có 53/63 tỉnh, thành phố; Khối THCS có 57/63 tỉnh, thành phố; Khối THPT có 63/63 tỉnh/TP có kế hoạch mở cửa trường học, đón học sinh trở lại học tập trực tiếp.
Thứ trưởng thông tin thêm: Sau Tết, cùng với việc Bộ Y tế sẽ thông tin về độ tuổi học sinh rủi ro thấp hơn với Covid-19, thì các địa phương sẽ mạnh dạn hơn trong mở cửa trường học.
Về phương án mở cửa trường học, Thứ trưởng trao đổi: Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, Bộ đã có hướng dẫn các địa phương về việc này. Theo đó các địa bàn có nguy cơ thấp hoặc trung bình (cấp độ 1, cấp độ 2) cho học sinh tới trường học trực tiếp, thực hiện nghiêm túc các quy định, tiêu chí đảm bảo an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh đã được ban hành của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế; đồng thời tiếp tục củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin để sẵn sàng chuyển trạng thái sang các hình thức học trực tuyến kết hợp truyền hình khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các địa phương rà soát, sắp xếp, bổ sung nguồn lực cho công tác y tế trường học; đảm bảo mỗi cơ sở giáo dục có đầu mối y tế trường học thường trực để triển khai các nhiệm vụ phối hợp với ngành Y tế trong công tác phòng chống dịch, tổ chức tiêm vắc-xin cho học sinh.