Với những địa phương né tránh, sợ hoặc đùn đẩy trách nhiệm, cần có biện pháp xử lý.
Quyết tâm mở cửa trường học an toàn
Dựa trên kết quả nghiên cứu hơn 20.000 học sinh trên toàn quốc khi các em trải qua 6 tháng học trực tuyến, TS Hoàng Trung học - Trưởng khoa Tâm lý - giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục đã công bố số liệu đánh giá quan trọng về mức độ ảnh hưởng tâm lý do dịch bệnh và học online.
Theo đó, tỷ lệ học sinh có biểu hiện stress, lo âu, trầm cảm trong thời gian học trực tuyến do Covid-19 rất đáng quan ngại. Cụ thể: 65,1% học sinh có biểu hiện stress theo nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ, trung bình, đến nặng và rất nặng. Trong số này, có 32,9% học sinh ở tình trạng stress nặng và rất nặng.
41,8% học sinh có biểu hiện rối loạn lo âu ở các mức độ khác nhau, trong đó có 14,3% ở mức nặng và rất rặng. 34,4% học sinh có biểu hiện rối loạn trầm cảm ở các mức độ khác nhau, trong đó có 8,3% ở mức nặng và rất rặng.
TS Hoàng Trung học cho rằng, mức độ stress, lo âu, trầm cảm xuất phát từ việc không đến trường của học sinh đã đến mức báo động. Do đó, một trong những giải pháp hữu hiệu là, hoc sinh cần sớm được trả về môi trường học đường.
Trẻ chỉ bình thường khi được điều hòa hoạt động. Cần mạnh dạn cho trẻ đi học trực tiếp. Tuy nhiên, nhà trường nên dành tuần đầu tiên để giúp trẻ thích ứng; đồng thời tập trung hỗ trợ các vấn đề cảm xúc, hành vi của trẻ trong giai đoạn đầu. “Ngoài ra, gia đình chuẩn bị tâm thế, thói quen đi học cho con em mình” - TS Hoàng Trung Học khuyến cáo.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (Đoàn Quảng Trị) – nhấn mạnh: Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã có cơ chế về việc mở cửa trường học sau Tết Nguyên đán, đón học sinh học trở lại trực tiếp. Vì thế, việc còn lại các địa phương cần có phương án triển khai thực hiện.
Theo đại biểu, thời gian qua nhiều địa phương còn ngập ngừng mở cửa trường học dù nhiều nơi đã thuộc vùng vàng, thậm chí là vùng xanh. “Thiết nghĩ, sau Tết Nguyên đán, các địa phương cần nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GD&ĐT, quyết tâm mở cửa trường học an toàn. Địa phương nào đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm cần có chế tài xử lý” – đại biểu Hồ Thị Minh nhấn mạnh.
Gắn trách nhiệm của người đứng đầu
GS.TSKH Phạm Tất Dong – nguyên Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam – cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải chấp nhận sống chung với Covid-19 và phải thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Do đó, các địa phương không nên chần chừ việc mở cửa trường học mà cần có biện pháp để thích ứng an toàn. Bởi trẻ không được đến trường ngày nào là thiệt thòi ngày đó.
Hiện, Chính phủ, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế đã có hướng dẫn mở cửa trường học để thầy – trò được dạy – học trực tiếp. Vì thế, nếu địa phương nào còn “rón rén” hoặc né tránh và sợ trách nhiệm cần nghiêm túc kiểm điểm.
Bởi nếu chúng ta sợ thì sẽ không bao giờ chiến thắng được Covid-19. Cần phải giữ vững tinh thần, kiên quyết kiểm tra, kiểm soát được dịch bệnh bằng các biện pháp như: 5K và vắc-xin...
“Nếu các trường, địa phương không mạnh dạn mở cửa trường học hoặc thấy khó mà không làm thì có thể sang năm diễn biến dịch còn phức tạp hơn thì sao? Thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế cần trao đổi, phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tổ chức, kiểm tra, khảo sát và giám sát để việc mở cửa trường học được thực hiện an toàn” - GS.TSKH Phạm Tất Dong đặt vấn đề, đồng thời nhấn mạnh:
Các địa phương phải cam kết thực hiện hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi khi đã được “bật đèn xanh” để thực hiện mà vẫn không dám triển khai thì cần phải xem lại năng lực và trách nhiệm.
Do đó, cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu về việc này và chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục trong năm học. Cứ né tránh, sợ trách nhiệm thì không làm được, cuối cùng học sinh là người chịu thiệt thòi.
Ngoài ra, địa phương cần có hướng dẫn cụ thể cho các cơ sở giáo dục về việc mở cửa trường học. Thay bằng “chỉ tay 5 ngón”, cần có sự đồng cảm, sẻ chia để cùng làm, cùng chung tay với nhà trường trong việc thực hiện các giải pháp mở cửa trường học an toàn.