Trung Quốc thắt chặt kiểm soát tài nguyên đất hiếm

GD&TĐ -Trung Quốc thông qua quy định về quản lý đất hiếm nhằm đảm bảo an ninh tài nguyên quốc gia và an ninh công nghiệp.

Trung Quốc sẽ quản lý chặt khai thác và chế biến đất hiếm.
Trung Quốc sẽ quản lý chặt khai thác và chế biến đất hiếm.

Chính phủ Trung Quốc vừa ban hành quy định liên quan đến việc quản lý các tài nguyên đất hiếm của nước này, nhằm bảo vệ và kiểm soát các nguồn tài nguyên quý giá, Sputnik thông tin.

Theo tài liệu được đăng tải chính thức trên trang điện tử Chính phủ Trung Quốc, "tài nguyên đất hiếm thuộc sở hữu nhà nước, không tổ chức, cá nhân nào được chiếm đoạt, tiêu hủy".

Nhà nước sẽ tăng cường bảo vệ tài nguyên đất hiếm theo quy định của pháp luật.

Các công ty được phép khai thác và chế biến đất hiếm sẽ do các cơ quan có liên quan của Quốc vụ viện chỉ định. Thông tin về các công ty này sẽ được công khai.

Các ban ngành liên quan của Quốc vụ viện cũng sẽ xây dựng hệ thống thông tin chuyên ngành về nguyên tố đất hiếm, tăng cường kiểm soát toàn bộ quá trình khai thác, chế biến và xuất khẩu nguồn tài nguyên này.

Quy định mới được thông qua bởi Hội đồng Nhà nước Trung Quốc sẽ có hiệu lực vào ngày 1/10/2024.

Vào tháng 12 năm 2023, chính quyền Trung Quốc đã áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với một số công nghệ liên quan đến khai thác và chế biến các nguyên tố đất hiếm.

Nguyên tố đất hiếm là nhóm gồm 17 kim loại được sử dụng rộng rãi trong các thiết bị công nghệ cao, bao gồm máy tính, tivi, điện thoại thông minh và công nghệ quốc phòng như tên lửa, tia laser, hệ thống vận tải và thiết bị liên lạc quân sự.

Trong những thập kỷ gần đây, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào khai thác và chế biến các nguyên tố đất hiếm và đứng đầu chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo Tổng cục Hải quan Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, vào năm 2023, Trung Quốc đã xuất khẩu hơn 114.000 tấn các nguyên tố và sản phẩm đất hiếm với giá trị 4,4 tỷ USD.

Trước lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng đất hiếm làm "vũ khí thương mại", chính quyền Mỹ dưới thời ông Donald Trump đã "đi trước một bước" khi cấm ngành công nghiệp quốc phòng sử dụng các thành phần quan trọng được sản xuất tại Trung Quốc.

Ví dụ, lệnh cấm sử dụng cái gọi là nam châm đất hiếm sản xuất tại Trung Quốc trong các thiết bị quân sự của Mỹ. Các nam châm cực mạnh, được sản xuất từ các kim loại kỳ lạ như neodymium, europium và yttri, được đánh giá cao về sức mạnh của chúng và được sử dụng trong mọi thứ, từ máy bay không người lái và tàu ngầm hạt nhân đến máy bay phản lực F-35 và hệ thống dẫn đường tên lửa.

Nhưng phần lớn trong số chúng được sản xuất tại Trung Quốc và vẫn còn nhiều nguyên liệu được khai thác hoặc chế biến tại nước này.

Đạo luật của ông Trump cấm ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ sử dụng tất cả các nam châm như vậy vào năm 2027, khiến các nhà sản xuất vũ khí không có đủ nguồn cung toàn cầu để đáp ứng nhu cầu hiện tại.

James Litinsky, Giám đốc điều hành của công ty MP Materials, cho biết: “Chúng ta đang nói về một chuỗi cung ứng của thế giới phương Tây về cơ bản không tồn tại."

Một công ty Đức ước tính nam châm của họ sẽ đắt hơn 50% so với các sản phẩm tương tự của Trung Quốc. Chi phí này có thể buộc quân đội Mỹ phải chấp nhận ít máy bay phản lực, tàu ngầm và hệ thống vũ khí hơn mức họ muốn mua.

Hiện nay, Mỹ đang gấp rút triển khai chương trình tự nghiên cứu và khai thác, sử dụng đất hiếm của chính mình. Các quy định môi trường và xả thải từ các ngành công nghiệp khai thác là vấn đề chính khiến đất hiếm khó có thể được bóc tách ở Mỹ cho một nguyên liệu mang tính thương mại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ