Trung Quốc lần đầu tiên ghi lại hình ảnh một hệ thống tên lửa phòng không tầm trung (SAM) chưa từng được biết đến trước đây, khi nó di chuyển qua một khu vực đô thị.
Hình ảnh được đăng tải vào ngày 19 tháng 7 năm 2025 cho thấy một bệ phóng trên khung gầm bánh lốp 8 x 8 được trang bị 12 tên lửa đánh chặn.
Theo Bulgarian Military, họ suy đoán rằng hệ thống này có thể là phiên bản cải tiến của HQ-16, dựa trên công nghệ từ Buk (SA-11 Gadfly) của Nga.
Đây là lần đầu tiên hệ thống này xuất hiện trước công chúng, mục đích và khả năng sẵn sàng chiến đấu của nó vẫn còn là một dấu hỏi, điều này làm gia tăng sự quan tâm đến các sản phẩm quân sự của Trung Quốc.
Hệ thống HQ-16, do Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Hàng không Vũ trụ Trường Chinh (ALIT) phát triển, là một thành phần chủ chốt trong mạng lưới phòng không đa tầng của Trung Quốc, có khả năng đánh chặn máy bay, tên lửa hành trình và UAV ở tầm bắn lên đến 40 km đối với phiên bản cơ sở, hoặc 75 km ở biến thể nâng cấp HQ-16B.
Hệ thống sử dụng cơ chế dẫn đường kết hợp: quán tính với hiệu chỉnh vô tuyến trong giai đoạn đầu và đầu dò radar bán chủ động ở giai đoạn cuối.
Tổ hợp mới này có cơ số đạn tăng lên - 12 tên lửa thay vì 6 quả tiêu chuẩn trên bệ phóng HQ-16, cùng với khung gầm Taian TA5350 hiện đại 8 x 8 với động cơ diesel Deutz BF6M1015 công suất 250 mã lực, giúp tăng khả năng cơ động trên địa hình hiểm trở.

Các nhà phân tích được Defense Post phỏng vấn cho biết số lượng tên lửa tăng lên cho thấy hệ thống này được thiết kế để chống lại các cuộc tấn công đường không quy mô lớn, bao gồm bầy đàn máy bay không người lái và tên lửa hành trình.
Cấu hình 12 tên lửa đánh chặn gợi nhớ đến S-350 Vityaz của Nga, cũng được thiết kế để tiêu diệt nhiều mục tiêu ở tầm trung. S-350, được đưa vào sử dụng năm 2020, có thể mang theo tối đa 12 tên lửa trên một bệ phóng và bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 60 km, trở thành đối thủ cạnh tranh với vũ khí mới của Trung Quốc.
Các chuyên gia cho rằng hệ thống mới này có thể là phản ứng của Trung Quốc trước những diễn biến mới, tăng cường khả năng phòng thủ trước các mối đe dọa hiện đại như tên lửa siêu thanh và UAV.
Sự xuất hiện của hệ thống bí ẩn trên đã làm dấy lên đồn đoán về tiềm năng xuất khẩu của nó. Trung Quốc đã tích cực tiếp thị các hệ thống tên lửa đất đối không, bao gồm HQ-16 (tên xuất khẩu LY-80), tới các nước châu Á, châu Phi và Trung Đông.
Theo missilery.info, Pakistan đã thử nghiệm LY-80 với radar IBIS-150AD vào năm 2012, cân nhắc khả năng sản xuất theo giấy phép. Hệ thống mới này cũng có khả năng được chào bán cho mục đích xuất khẩu, xét đến thành công của Trung Quốc trong việc bán HQ-9 và HQ-17.
Hình ảnh được ghi tại một khu vực đô thị, cho thấy hệ thống có lẽ đang đi đến địa điểm thử nghiệm hoặc triển khai. Theo tờ South China Morning Post, Trung Quốc đã đẩy mạnh thử nghiệm các hệ thống phòng không mới vào năm 2025 nhằm ứng phó với căng thẳng gia tăng ở Eo biển Đài Loan (Trung Quốc) và hoạt động của Mỹ trong khu vực.
Việc thiếu bình luận chính thức từ chính quyền Trung Quốc và tập đoàn nhà nước CASC đã làm dấy lên đồn đoán về thông số kỹ thuật của hệ thống, bao gồm tầm bắn có thể lên tới 80 - 100 km và khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo.