Mặc dù động cơ đẩy thích ứng thế hệ mới có thể được trang bị cho nhiều loại máy bay chiến đấu khác nhau, nhưng sự chậm trễ kéo dài 2 năm sẽ ảnh hưởng nặng nề đến quá trình phát triển tiêm kích F-47 thế hệ thứ sáu.
Theo thông báo, tiêm kích F-47 thuộc chương trình NGAD có thể sẽ phải bay mà không có động cơ đẩy thích ứng thế hệ mới (NGAP). Điều này là do sự chậm trễ trong quá trình phát triển kéo dài tới 2 năm, khiến thời điểm sẵn sàng của nguyên mẫu bị trì hoãn đến năm 2030.
Người phát ngôn của Không lực Hoa Kỳ (USAF) nói với tờ Breaking Defense rằng những thay đổi này là do vấn đề chuỗi cung ứng. General Electric - đơn vị chịu trách nhiệm phát triển cho biết công việc đang đúng tiến độ và có thể được đẩy nhanh nếu muốn.
Nhưng đây có thể là một cái cớ thương mại phổ biến của công ty, khi họ không muốn cung cấp chi tiết về tình hình. Theo ngân sách mới, ngày sẵn sàng của động cơ mới theo chương trình NGAP đã bị hoãn từ quý IV năm 2027 sang quý II năm 2030.
Tuy nhiên đó không phải là tất cả những gì có thể tìm thấy trong các tài liệu. Ví dụ như 330,3 triệu đô la sẽ được phân bổ để tài trợ cho chương trình vào năm 2026, ít hơn đáng kể so với 439,9 triệu đô la vào năm 2025.
Không lực Hoa Kỳ cho rằng việc cắt giảm 100 triệu đô la ngân sách là do dự án chuyển từ thiết kế và tạo mẫu sang sản xuất và phát triển hệ thống. Mặc dù vậy nhìn từ bên ngoài, đây có vẻ là một cách khác để tối ưu hóa chi phí.
Điều này được chứng minh qua bối cảnh của các dự án gần đây đã bị đóng cửa, chẳng hạn như E-7 Wedgetail và Freedom Lifter, cũng như cú sốc đối với việc phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới cho hải quân, khiến giới chuyên môn phải hỏi liệu việc cắt giảm ngân sách có gây ra sự chậm trễ trong dự án NGAP hay không?

Cho dù động cơ thế hệ mới có thể được lắp đặt trên nhiều loại máy bay chiến đấu khác nhau, nhưng nó chủ yếu sẽ được sử dụng trên NGAD, hiện được gọi là F-47. Điều này bất chấp việc Lầu Năm Góc muốn thực hiện chuyến bay đầu tiên trong vòng 4 năm tới.
Với thời hạn gấp rút như vậy, có rất nhiều câu hỏi về việc trì hoãn một bộ phận quan trọng như động cơ. Tất nhiên có thể sử dụng các giải pháp cũ khi chưa có sản phẩm mới, như cách Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện trên trên Su-57 và KAAN, nhưng điều này sẽ dẫn đến thêm chi phí và phức tạp cho các nhà phát triển trong tương lai.
Cần nhắc lại, dự án NGAP dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2032, nhưng do thời hạn chế tạo nguyên mẫu bị hoãn, tiến độ có thể phải lùi lại thêm đối với một chương trình vốn đã nhiều vấn đề. Đây là yêu cầu nghiêm túc, xét đến việc đối thủ cạnh tranh Tempest của Anh - Ý - Nhật Bản trong dự án GCAP sẽ bay vào năm 2030.