Trót nghe câu chuyện này, gái ế quyết chia tay bạn trai "soái ca" trước Tết

Cuối tuần gặp nhau, nhân không khí nhà nhà người người chuẩn bị thu xếp công việc về quê đón Tết, chàng với nàng cũng bàn đến chuyện tương lai sau này liên quan tới cái vụ Tết nhất này luôn…

Trót nghe câu chuyện này, gái ế quyết chia tay bạn trai "soái ca" trước Tết

Chàng 31 tuổi, đàn ông tuổi này đang phong độ ngời ngời đây, không hề già hay ế nhé. Công việc chàng ổn định, thu nhập khá. Chàng lại ưa nhìn, tính cách tốt. Đấy, đốt đèn đi đâu để tìm được đối tượng ngon lành cành đào như thế ở cái tuổi sắp băm như nàng?

Yêu nhau được 4 tháng, cũng là áp Tết tới nơi, chàng bàn với nàng ra giêng đám cưới. Vì đôi bên đều chả còn trẻ nữa, xây dựng gia đình rồi sinh con là vừa. Nàng e thẹn gật đầu, trong bụng thì mừng lắm.

Quả này về khoe mẹ, mẹ thể nào cũng phát khóc lên cho mà xem. Tống được quả bom nổ chậm, lại gả cho chàng rể tuyệt vời thế chứ!

Cuối tuần gặp nhau, nhân không khí nhà nhà người người chuẩn bị thu xếp công việc về quê đón Tết, chàng với nàng cũng bàn đến chuyện tương lai sau này liên quan tới cái vụ Tết nhất này luôn.

Nàng chưa kịp nói gì thì chàng đã tuôn một mớ: "Phụ nữ lấy chồng rồi thì phải theo chồng, Tết là ăn Tết nhà chồng, chứ làm gì có chuyện năm bên nội năm bên ngoại. Con gái là con người ta, các cụ nói rồi em ạ. Nhà nội mới là nhà mình, là hiện tại và tương lai của người phụ nữ. Còn nhà ngoại chỉ là quá khứ, khi mẹ em gả con gái đi nghĩa là nhà ngoại đã không phải nhà em nữa, hàng năm em chỉ về thăm thôi".

Nàng hóa đá, quá bất ngờ với quan điểm của một người đàn ông học cao hiểu rộng, làm ở công ty nước ngoài như chàng.

Rồi chàng vin vào cái cớ, con cái đẻ ra theo họ bố chứ đâu theo họ mẹ. Rồi nếu con dâu về nhà chồng ở phải chuyển khẩu về nhà chồng, con cái sau này cũng nhập khẩu nhà chồng còn gì.

Nàng gượng gạo lên tiếng: "Nhưng mà… bây giờ nam nữ bình đẳng, ông bà nội cũng như ông bà ngoại vì ai cũng phải vất vả nuôi nấng chúng ta lớn khôn…".

"Anh biết phụ nữ bây giờ là giỏi đòi bình đẳng lắm, gì mà nội ngoại như nhau, nhưng đâu phải cái gì cũng chia đều được. Em nên học cách chấp nhận đi là vừa. Tóm lại sau khi lấy chồng em phải coi nhà chồng như nhà mình mà vun đắp, chăm sóc.

Còn nếu em muốn thường xuyên về với mẹ, Tết cũng về ăn Tết với mẹ, thì tốt nhất đừng lấy chồng nữa", chàng chốt hạ vấn đề khiến nàng lặng câm không biết phản bác thế nào.

Đêm ấy nàng mất ngủ suy nghĩ về những điều chàng nói. Bố mẹ nàng chỉ có 2 cô con gái, giờ bố nàng đã mất, nếu 2 chị em nàng đều lấy chồng rồi thành con nhà người ta, thì mẹ nàng sẽ ra sao? Cực nhọc sinh con, nuôi con lớn khôn để rồi mất con ư? Sao sự đời lại bất công đến vậy?

Nam nữ dựng vợ gả chồng là để cùng nhau xây dựng gia đình riêng, vun đắp cho tổ ấm ấy, cùng hiếu kính bố mẹ hai bên. Bởi con dâu coi bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ, mà con rể cũng gọi bố mẹ vợ là bố mẹ đấy chứ đâu.

Nàng luôn nghĩ như thế, và sẽ thực hiện đúng như thế. Còn bảo nàng theo chồng là "cạch" luôn nhà đẻ thì nàng chịu chả làm được. Công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, sao có thể coi nhẹ? Để mẹ tuổi già lầm lũi 1 mình những khi trái gió trở trời, nàng làm con sao có thể thanh thản? Nàng như thế còn dạy bảo được con cái mình hay sao?.

Cho dù nàng có "ngon" cỡ nào, thì với tư tưởng phân biệt nội ngoại, và kế hoạch về những cái Tết trong tương lai như thế, nàng cũng xin kiếu chẳng dám theo chàng về dinh.

Thôi thì đã không hợp, chi bằng dứt khoát trước Tết. Sang năm là một năm mới, hai người sẽ tìm được một nửa khác hợp với mình hơn.

Theo afamily.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ