Trọn vẹn 'sứ mệnh' trồng người nơi vùng cao biên giới

GD&TĐ -  Hơn 30 năm gắn bó với nghề, cô giáo Điêu Thị Vân Oanh luôn không ngừng học tập để làm tấm gương sáng cho đồng nghiệp noi theo.

Cô Vân Oanh (áo tím) thăm hỏi, động viên và vận động học sinh khuyết tật đến lớp.
Cô Vân Oanh (áo tím) thăm hỏi, động viên và vận động học sinh khuyết tật đến lớp.

30 năm một chặng đường...

Hơn 30 năm gắn bó với nghề, nhà giáo Điêu Thị Vân Oanh - Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công Đoàn trường PTDT Bán trú Tiểu học Trần Văn Thọ (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) đã không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu. Cô là người gương mẫu, trách nhiệm, được đồng nghiệp tin yêu; luôn đề cao tính dân chủ, khuyến khích sự chủ động, sáng tạo của cán bộ, giáo viên, công nhân viên chức và người lao động.

Cô giáo Điêu Thị Vân Oanh (Sn 1972), sinh ra và lớn lên trên quê hương Lai Châu anh hùng. Mặc dù gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhưng cô vẫn luôn giữ vững ý chí, nghị lực vượt lên trên hoàn cảnh. Cô sống tích cực, lạc quan, hy sinh và cống hiến, luôn tận tâm với nghề, có nhiều việc làm đổi mới, sáng tạo, góp phần đưa chất lượng giáo dục ở xã vùng cao Mường Nhé ngày càng phát triển toàn diện.

Là một nhà giáo tràn đầy nhiệt huyết với nghề, nghị lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh khó khăn, cô giáo Điêu Thị Vân Oanh đã có nhiều năm cống hiến trong Ngành Giáo dục, với bề dày kinh nghiệm, trải qua nhiều nhiệm vụ được giao từ giáo viên, tổ trưởng, phó hiệu trưởng và Chủ tịch Công đoàn. Dù ở cương vị nào, đảm nhận trọng trách nào cô cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Năm 1990, rời mái trường sư phạm, cô giáo trẻ - thiếu nữ dân tộc Thái tình nguyện về Mường Lay - Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên) công tác. Ngày ấy, Trường PTCS Mường Tùng (thị xã Mường Lay) chỉ là một ngôi trường tranh tre vách nứa, chỉ vài chục học sinh. Giáo viên phải ăn rau rừng, cơm độn khoai sắn, thường xuyên bị sốt rét hành hạ... Ngoài giờ lên lớp phải đến từng nhà để vận động phụ huynh cho con đi học,...

Tháng 9 năm 2007, cô được điều động về công tác tại Trường Tiểu học Mường Nhé số 1 - thuộc huyện vùng cao Mường Nhé (Nay là trường PTDT bán trú Tiểu học Trần Văn Thọ), là một trong những ngôi trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn và nghèo nhất cả nước. Dù công tác ở ngôi trường nào, cô cũng luôn tâm huyết, trách nhiệm xây dựng tập thể nhà trường đoàn kết, thống nhất, là một tấm gương điển hình tiêu biểu về tinh thần vượt khó, vươn lên. Gương mẫu thực hiện tốt việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua của Ngành; tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện để giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Trong những ngày tháng khó khăn ấy, cô giáo Điêu Thị Vân Oanh vẫn luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Nhiều lần, cô đã trích số tiền lương ít ỏi của mình mua cho các em cuốn vở, cây bút hay vài chiếc kẹo để các em thấy vui khi đến trường. Bằng sự ân cần của mình, cô đã gieo vào tâm hồn học sinh nghèo vùng cao nhiều ước mơ cho tương lai. Nhiều thế hệ học sinh của cô đã tiếp tục học lên cao, trở thành thầy giáo, cô giáo, cán bộ về phục vụ bản làng và quê hương.

Những nỗ lực của cô đã được ghi nhận, đến tháng 8 năm 2011, cô được bổ nhiệm là Phó hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn; trên cương vị mới nhưng cô vẫn luôn chân tình, cởi mở với đồng nghiệp và nếp sống giản dị, dễ mến. Các chế độ, quyền lợi của cán bộ, công đoàn viên đều được cô chú ý thực hiện đầy đủ, kịp thời và công khai.

Chân dung cô giáo Điêu Thị Vân Oanh.

Chân dung cô giáo Điêu Thị Vân Oanh.

Cần mẫn trong từng bài giảng...

Với tinh thần nêu gương của người cán bộ quản lý, cô luôn hăng hái, tiên phong để đồng nghiệp học hỏi, cùng nhau khắc phục những khó khăn. Luôn đi sớm về muộn lo toan cho công việc của nhà trường và đời sống tinh thần cho cán bộ, giáo viên, nhân viên; cần mẫn cho từng bài dạy của giáo viên, góp ý từng chút để bài dạy đạt hiệu quả cao nhất.

Cô luôn là tấm gương sáng để giáo viên, nhân viên trong nhà trường noi theo; luôn động viên chia sẻ, gắn bó với từng hoạt động của nhà trường. Không ngại khó, ngại khổ. Những bữa trưa, những buổi cuối chiều cô quên cả thời gian dành cho bản thân, gia đình để ngồi một mình trong phòng làm việc chăm chút, nghiên cứu và lo toan cho công việc nhà trường và lĩnh vực được phân công phụ trách. Khi nhìn thấy cô từng giọt mồ hôi lăn trên gò má, những nếp nhăn trên trán, thấm qua từng lời nói, rơi trên bàn tay trong những buổi lao động của cán bộ, giáo viên trong nhà trường mới cảm nhận và biết được cô thật sự tâm huyết với ngôi trường Trần Văn Thọ như thế nào.

Với những tâm huyết của mình, cô đã luôn đồng hành cùng Ban giám hiệu và các thầy cô giáo mang mùa xuân đến mọi nơi, như một “con tàu hành trình” để dìu dắt những thế hệ “đàn em” đến với khung trời mới, nơi đó có sự cần cù, học hỏi và dám nghĩ dám làm trong mọi khó khăn thách thức.

Là người cán bộ quản lý, cô luôn đưa ra những sáng kiến hữu ích để kịp thời xây dựng ngôi trường Trần Văn Thọ ngày một phát triển. Trong công tác có nhiều sáng kiến xây dựng cảnh quan nhà trường "Xanh, sạch, đẹp"; tổ chức tốt các hoạt động trải nghiệm, vui chơi thu hút được sự tham gia nhiệt tình của học sinh, giáo viên và phụ huynh; làm tốt công tác phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nhà trường để vận động sự ủng hộ của cha mẹ học sinh trong công tác cải tạo, xây dựng khuôn viên, trường lớp, xây dựng khu vui chơi cho học sinh bằng các phế liệu; tạo cảnh quan, khuôn viên nhà trường thân thiện, khang trang, sạch đẹp.

Luôn chủ động tham mưu, cùng với Ban giám hiệu khuyến khích đội ngũ giáo viên sáng tạo trong giảng dạy, tạo hứng thú cho học sinh trong mỗi tiết học. Cô tổ chức các buổi dự giờ để nâng cao chất lượng chuyên môn, trau dồi kiến thức nâng cao chất lượng dạy và học. Nhờ đó, Trường PTDT Bán trú Tiểu học Trần Văn Thọ đã vươn lên trở thành một trong những điểm sáng về giáo dục của huyện, được ngành Giáo dục huyện chọn là trường điểm thực hiện nề nếp bán trú học sinh, được công nhận là đơn vị xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Với những nỗ lực, sự cống hiến của mình, nhiều năm liền cô đạt danh hiệu Giáo viên Dạy giỏi cấp huyện; được tặng thưởng nhiều Giấy khen, Bằng khen của các cấp.

Cô giáo Điêu Thị Vân Oanh là một trong những nhà giáo, cán bộ quản lý có uy tín, mẫu mực về sự tận tụy trong công tác quản lý. Là một trong những “con chim đầu đàn” trong việc xây dựng tập thể sự phạm đoàn kết; Chi bộ; Ban giám hiệu, Công đoàn nhà trường liên tục đạt trong sạch vững mạnh, xuất sắc.

Hơn 30 năm miệt mài “cõng chữ” “gieo mầm xanh” trên mảnh đất biên cương heo hút gió ngàn, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, cô Vân Oanh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Những thành công mà cô đạt được trong những năm qua đã góp phần đem lại sự khởi sắc cho ngôi trường nơi vùng cao biên giới, phên dậu của tổ quốc. Cô xứng đáng là tấm gương tiêu biểu về trí tuệ và nhiệt huyết trong Ngành giáo dục để tập thể giáo viên tin yêu, tự hào và noi theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.