Nghiên cứu khoa học: Nơi tài năng trẻ thỏa sức dấn thân

GD&TĐ - Mỗi người một mục tiêu khác nhau song họ đều có chung khát vọng chinh phục đỉnh cao tri thức từ học tập và nghiên cứu khoa học. Dấn thân vào đam mê, các tài năng trẻ đã đạt thành tựu rực rỡ với nhiều công trình

TS Bùi Hùng Thắng (bên trái) trao đổi sáng chế nghiên cứu Mô-đun đèn LED.
TS Bùi Hùng Thắng (bên trái) trao đổi sáng chế nghiên cứu Mô-đun đèn LED.

Hành trình dài

Sở hữu 3 bằng độc quyền sáng chế được Cục Sở hữu trí tuệ cấp, 8 đơn đăng ký sáng chế được chấp nhận, 4 bài báo trên tạp chí thuộc danh mục ISI và Scopus, TS Bùi Hùng Thắng - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Triển khai Công nghệ, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chia sẻ: Thành quả có được từ niềm đam mê và kiên trì. Với tôi, trong bất kỳ lĩnh vực nào đều không có kết quả tốt nếu như không có sự đam mê, hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) cũng không ngoại lệ. 

TS Bùi Hùng Thắng bộc bạch: Bản thân tôi từ khi học phổ thông đã đam mê với các môn học tự nhiên và luôn có mơ ước trở thành nhà khoa học. Trong quá trình học tập và NCKH, tôi từng gặp nhiều khó khăn. Đó là lúc cuộc sống khó khăn với mức lương thấp, tôi nhận được nhiều lời đề nghị về làm việc ở cơ quan khác với mức lương cao hơn. Tuy nhiên, tôi đã từ chối vì vẫn đam mê và quyết tâm theo đuổi việc nghiên cứu của mình. Đối với tôi, niềm vui là được làm khoa học, có những kết quả nghiên cứu mới, công trình công bố hay sáng tạo mới. 

Những nghiên cứu của TS Bùi Hùng Thắng chủ yếu tập trung nhiều vào giải pháp tản nhiệt cho linh kiện và thiết bị điện tử trong đó có đèn LED. Nhà khoa học trẻ phân tích: Đèn LED ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong chiếu sáng nói chung và chiếu sáng công cộng nói riêng. Bởi so với đèn compact và các loại đèn truyền thống, nó giúp tiết kiệm điện năng, đạt hiệu quả chiếu sáng cao hơn, lại thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, trong chiếu sáng công cộng, khi nâng cấp đèn đường lên đèn LED, chúng ta phải bỏ đi toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng theo công nghệ cũ nên chi phí sẽ tăng, đồng thời gây ra lãng phí.

TS Thắng chia sẻ: Chúng tôi đã nghiên cứu chế tạo sản phẩm Mô-đun đèn LED để có thể lắp một cách linh hoạt vào các bộ đèn cũ để nâng cấp thành đèn LED. Mô-đun trên có khả năng đưa toàn bộ nhiệt lượng từ chip LED ra ngoài bằng chất lỏng chứa thành phần nano, giúp nâng cao tuổi thọ và hiệu suất phát quang cho đèn LED. Về hiệu quả kinh tế, sản phẩm tận dụng được bộ đèn chiếu sáng cũ nên giảm chi phí đầu tư so với việc thay thế cả bộ bóng đèn cũ bằng đèn LED mới. Sản phẩm này được bảo hộ bởi bằng độc quyền sáng chế “Mô-đun đèn LED tản nhiệt bằng chất lỏng” và hiện được Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Minh Quang và Nhà máy nhôm Đông Anh ứng dụng trong sản xuất thử nghiệm và được áp dụng chiếu sáng tại một số địa điểm.

Thủ khoa Sư phạm Phạm Việt Dũng.
Thủ khoa Sư phạm Phạm Việt Dũng.

Bên cạnh đó, TS Thắng và các cộng sự đã nghiên cứu phát triển sản phẩm kem tản nhiệt nano được bảo hộ theo bằng độc quyền sáng chế “Quy trình chế tạo kem tản nhiệt nền silicon chứa thành phần Graphene”. Với hiệu quả tản nhiệt tốt, giúp giảm nhiệt độ, nâng cao độ bền, tuổi thọ và sự ổn định cho đèn LED. Sản phẩm được nhiều doanh nghiệp ứng dụng để chế tạo và thương mại hóa sản phẩm đèn LED.

Cũng như vậy, Ngô Minh Khoa - SV Trường Đại học Dược Hà Nội, thủ khoa xuất sắc các trường ĐH - CĐ Hà Nội năm 2020 cho rằng: NCKH ở trường ĐH là cơ hội để SV vận dụng các kiến thức chuyên môn học được từ những giờ học lý thuyết vào thực tiễn. Điều đó không chỉ giúp SV hiểu thêm kiến thức đã học mà còn là cơ hội để quan sát sự khác biệt giữa thực tiễn và lý thuyết. Đặc biệt, với khối ngành kỹ thuật và sức khỏe, việc tham gia NCKH sẽ giúp SV được trải nghiệm gần với công việc sau này hơn. 

Theo thủ khoa Trường Dược, con đường nghiên cứu không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn mà còn yêu cầu sự kiên trì. Với những bạn có đam mê với định hướng nghiên cứu, được tham gia NCKH khi đang học đại học sẽ là bài học quý, “liều thuốc” thử cho bản thân cho sự lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. 

Tích cực NCKH, Ngô Minh Khoa đã đoạt giải Ba “Hội nghị Khoa học công nghệ tuổi trẻ Trường Đại học Dược Hà Nội lần thứ XX” (2020) với đề tài: “Ứng dụng một số phương pháp thống kê hiện đại trong nghiên cứu tối ưu hóa chiết xuất flavonoid từ vỏ củ hành ta” do PGS. TS Nguyễn Thu Hằng và ThS Nguyễn Văn Phương hướng dẫn.

Em còn tham gia thực hiện đề tài NCKH cấp Bộ Y tế: “Nghiên cứu quy trình sản xuất sản phẩm phòng và điều trị bệnh gout từ hạt cây cần tây” do PGS. TS Nguyễn Thu Hằng chủ nhiệm; Là đồng tác giả của bài báo “Sàng lọc in silico các hợp chất flavonoid tiềm năng có tác dụng ức chế UGM” đăng trên tạp chí Nghiên cứu Dược và Thông tin thuốc năm 2018… Cũng từ nguyên liệu củ hành ta, Ngô Minh Khoa đã bảo vệ xuất sắc khóa luận tốt nghiệp dược sĩ đại học với đề tài “Nghiên cứu tối ưu hóa chiết xuất flavonoid từ vỏ củ hành ta”.

Khoa bày tỏ: Em rất vui vì những kết quả nghiên cứu của mình đem lại hiệu quả. Hiện nay, để sản xuất các thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe có nguồn gốc từ tự nhiên đều trải qua giai đoạn quan trọng quyết định trực tiếp tới chất lượng sản phẩm là chiết xuất hoạt chất. Những kết quả từ để tài của em có thể giúp cho quá trình chiết xuất hoạt chất hiệu quả hơn, từ đó sản phẩm cuối cùng có chất lượng và hiệu quả điều trị tốt hơn.

Thủ khoa Trường Dược Ngô Minh Khoa.
Thủ khoa Trường Dược Ngô Minh Khoa. 

Mọi khó khăn đều có cách giải quyết

TS Bùi Hùng Thắng chia sẻ: Trong hoạt động NCKH luôn luôn gặp nhiều khó khăn, không khó khăn nào giống khó khăn nào. Tuy nhiên trong những lúc đó, bản thân tôi luôn tự nhủ và tin tưởng rằng, không có khó khăn nào là không có cách giải quyết. Do vậy, điều quan trọng là tiếp tục kiên trì, suy nghĩ để tìm cách giải quyết những vấn đề khoa học đang gặp phải. Việc cố gắng để tìm kiếm, suy nghĩ những cách này cách kia để tiếp cận giải quyết vấn đề chính là điều kiện và cơ hội tốt để phát huy hơn nữa những ý tưởng sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Thực tế, việc ứng dụng sản phẩm từ đề tài của một nghiên cứu đến sản xuất để phục vụ nhu cầu thị trường không phải là chuyện dễ dàng. Thế nhưng, TS Bùi Hùng Thắng và các cộng sự đã thuyết phục được các doanh nghiệp hợp tác sản xuất một loạt sản phẩm. TS bày tỏ: Phương châm của chúng tôi là để có thể ứng dụng các kết quả NCKH cần phải có sự kết hợp tốt giữa nhà khoa học với các doanh nghiệp. Do vậy, chúng tôi không theo phương án đợi doanh nghiệp tìm đến nhà khoa học, mà theo cách các nhà khoa học phải chủ động hơn trong việc tìm kiếm, trao đổi và hợp tác với doanh nghiệp. 

“Việc nhà khoa học chủ động kết hợp với doanh nghiệp sẽ giúp mở rộng thêm nhiều mối quan hệ hợp tác, nắm bắt các thông tin, nhu cầu thị trường, qua đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác để triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu”, TS Thắng nhận định. 

Được thành phố Hà Nội ghi danh bảng vàng thủ khoa năm 2020, Phạm Việt Dũng – SV Khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: Em tham gia NCKH từ rất sớm. NCKH giúp sinh viên quen dần với cách tư duy, phương pháp luận để phục vụ tốt hơn cho công việc làm khoa học sau này. Đây cũng là những kinh nghiệm quý để các thầy cô có thể hướng dẫn cho học sinh của mình bước đầu NCKH kỹ thuật, truyền niềm đam mê cũng như phát triển năng lực của học sinh, chuẩn bị cho việc nghiên cứu sâu khi bước chân vào đại học. 

“NCKH không phải việc dễ làm, dễ thực hiện. Nếu không đam mê và kiên trì theo đuổi sẽ khó thành công và tìm được đích đến của vấn đề muốn nghiên cứu. Thế nhưng, nếu dấn thân và nỗ lực nghiên cứu, vượt qua khó khăn, sinh viên thu được nhiều thành quả. Trong đó, việc có những nghiên cứu, giải thưởng NCKH từ sớm là lợi thế lớn khi các bạn nộp hồ sơ vào các trường đại học danh giá hay các công ty, tổ chức sau này khi ra trường” - Phạm Việt Dũng trao đổi. 

Đánh giá cao việc học sinh, sinh viên chủ động trong hoạt động NCKH, TS Bùi Hùng Thắng nêu quan điểm: Với các bạn sinh viên, môi trường nghiên cứu có nhiều thuận lợi do hầu hết trường đại học đều gắn liền với các hoạt động NCKH. Tuy nhiên, với bạn học sinh còn nhiều khó khăn. Ngoài một số trường THPT trực thuộc trường đại học và có điều kiện cơ sở vật chất tốt, hầu hết các trường phổ thông còn thiếu cơ sở vật chất cũng như tiềm lực để học sinh có thể chủ động thực hiện các hoạt động NCKH.

Vì vậy, theo TS Bùi Hùng Thắng, điều quan trọng đầu tiên là tạo ra cơ chế hợp tác để có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các trường THPT với viện/trường đại học để học sinh có điều kiện trong việc tham gia vào hoạt động nghiên cứu, từ đó rèn kỹ năng người NCKH cần có.

NCKH là con đường rất dài, vì các bạn trẻ phải học nhiều hơn và lâu hơn so với đa số những ngành nghề khác. Do vậy, các bạn hãy coi NCKH là một hành trình. Hãy kiên định và thật yêu quý hành trình đó. Các bạn cũng luôn luôn tự tin vào bản thân mình để vượt qua khó khăn, đưa ra nhiều ý tưởng sáng tạo mới, có giá trị ứng dụng vào cuộc sống. - TS Bùi Hùng Thắng 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ