Mười năm cõng bạn tới trường

GD&TĐ - Thông tin về đôi bạn mười năm cõng nhau đến trường đạt điểm cao trong kỳ thi vừa qua khiến nhiều người cảm phục. Người ta cảm phục đôi bạn này về ý chí, nghị lực và tình bạn keo sơn.

Ngô Văn Hiếu cõng Nguyễn Tất Minh tới trường.
Ngô Văn Hiếu cõng Nguyễn Tất Minh tới trường.

Ý chí và nghị lực

Hai chàng trai Ngô Văn Hiếu, Nguyễn Tất Minh, cùng trú tại thôn 1, xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) được người dân địa phương, thầy cô, bạn bè ví như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường trong suốt mười năm qua.

Lúc mới chào đời, Nguyễn Tất Minh không được may mắn như người khác. Đôi chân và cánh tay phải của Minh bị di tật bẩm sinh. Càng lớn, đôi chân và cánh tay càng teo tóp, co quắp lại. Nhiều năm liền, bố mẹ của Minh đưa em đi khám, chữa trị nhiều nơi, nhưng không được. Cũng do dị tật, nên thân hình Minh nhỏ thó. Tuy nhiên, khi đến tuổi đi học, Minh vẫn quyết tâm đến trường.

Năm Minh vào lớp 1, vợ chồng ông Mây vẫn kiên nhẫn đưa con đến trường, mặc dù cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn. Khi Minh lên lớp 2, do thu nhập không đủ để trang trải hàng ngày,vợ chồng ông Mây phải rời quê, đi làm thuê. Cậu bé Nguyễn Tất Minh được bố, mẹ gửi lại cho bà nội. Bố mẹ xa quê, nhưng Minh vẫn nằng nặc đòi bà nội cõng đến trường hàng ngày. 

Là người ở cùng xóm, thấy ngày nào bà nội của Minh cũng cõng bạn đến lớp, Hiếu đã xin phép bố mẹ được đưa đón Minh đến trường. Thấy con còn nhỏ, mà có lòng thương người, bố mẹ Hiếu đã đồng ý. Kể từ đó, đều đặn mỗi sáng, dù trời mưa hay nắng, rét mướt hay mưa phùn, Hiếu vẫn xách cặp qua nhà cõng Minh đến lớp cùng học, cùng chơi.

Khi hai em lên lớp 3, Ngô Văn Hiếu tập đi xe đạp rồi chở Minh đến lớp hàng ngày. Với sự tiếp sức của Hiếu, Minh tự nhủ phải nỗ lực học tập. Minh bảo: “Nếu không có bạn Hiếu, có lẽ con đường tới trường của em không thành hiện thực. Vào trường đại học, em và Hiếu mỗi người một nơi. Chắc chắn, cuộc sống, sinh hoạt của em hàng ngày sẽ khó khăn. Nhưng dù sao, em vẫn phải cố gắng, phấn đấu học thật tốt để không phụ lòng mọi người và phụ lòng bạn Hiếu”.

Bộc bạch từ đáy lòng mình, Ngô Văn Hiếu,tâm sự: “Kỳ thi vừa qua, em đăng ký xét tuyển vào học tại Trường Đại học Y Hà Nội. Còn bạn Minh đăng ký xét tuyển vào Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Chúng em đăng ký vào hai trường ấy, nhưng đến nay nhà trường chưa công bố kết quả xét tuyển. Tuy nhiên, cả hai chúng em mong muốn khi ra Hà Nội học, không ở được cùng sẽ ở gần để có thể động viên nhau thường xuyên hơn. Minh là người cứng rắn, bạn ấy sẽ học tập tốt để không phụ lòng bố mẹ, thầy cô. Đôi khi, thấy nghị lực của Minh, em cũng tự bảo mình phải cố gắng hơn”.

Lối rẽ của đôi bạn

Kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020, em Nguyễn Tất Minh đạt  28,1 điểm với 3 môn khối A, gồm: Môn Toán 9,60, Lý 9,25, Hóa 9,25 điểm. Còn em Ngô Văn Hiếu đạt tổng điểm 28,15 với 3 môn khối B, gồm: môn Toán 9,4, Hóa 9,75, Sinh 9 điểm. 

Đứng trước ngưỡng cửa đại học, đôi bạn Hiếu và Minh sẽ không còn đi chung một con đường. Minh sẽ rời xa bờ vai, xa đôi chân của Hiếu, để mỗi người một lối rẽ. Hành trình 10 năm đưa bạn đến trường, sẽ mãi là câu chuyện đẹp của đôi bạn  và trong mắt mọi người.

Bà Hoàng Thị Lý – mẹ của em Nguyễn Tất Minh chia sẻ: “Khi biết Minh đạt số điểm cao, cả gia đình đều vui và tự hào về cháu. Thế nhưng, vợ chồng tôi cũng lo lắng vì tới đây, cháu sẽ phải đi xa gia đình. Đôi chân của cháu chưa một lần được đi dép từ khi chào đời”.

Ngồi bên mẹ, Minh tâm sự: “Số phận em không may mắn như người khác. Đôi chân và cánh tay phải của em bị dị tật. Cũng may, em còn một cánh tay trái, nên có thể cầm bút và tự lo chuyện sinh hoạt cá nhân cho mình được.Với tình trạng sức khỏe của em, chỉ có ngành Công nghệ thông tin là phù hợp. Vì thế, em thi vào Khoa Công nghệ thông tin của Trường Đại học Bách khoa và sẽ cố gắng trở thành một kỹ sư công nghệ, để lo cho tương lai của mình”.

Còn bà Đinh Thị Thủy, mẹ của Ngô Văn Hiếu, cho biết: Hoàn cảnh gia đình cũng không thuộc diện khá giả. Chồng bà làm nông nghiệp và đi phụ hồ, còn bà làm công nhân. Lúc Hiếu đăng ký thi đại học, vợ chồng mong muốn con thi vào trường quân đội hoặc công an gì đó, để không quá lo lắng về chi phí học tập. Sau này ra trường, áp lực lo công ăn, việc làm cũng không quá nặng. “Lúc đầu, vợ chồng tôi cũng khuyên nhủ và phân tích cho cháu. Thế nhưng, Hiếu nhất định không đồng ý, mà chọn học ngành Y bằng được. Cháu bảo  muốn học Y, để sau này chữa chân cho Minh”,  bà Thủy kể.

Thầy Nguyễn Đình Tuấn - giáo viên chủ nhiệm 3 năm THPT của Hiếu và Minh, cho hay: Tình bạn của Hiếu - Minh rất đặc biệt, hiếm hoi trong cuộc sống bộn bề ngày nay.“Dù cả hai gia đình đều làm nông nghiệp, kinh tế khó khăn, nhưng suốt 3 năm học THPT, Hiếu và Minh đều là những học sinh giỏi của trường. Khi nhận được thông tin về kết quả kỳ thi của đôi bạn, thầy cô giáo và bạn bè lại càng khâm phục hơn. Là những người thầy của học trò như vậy, tôi chỉ mong sao con đường phía trước hai em sẽ bớt khó khăn, vất vả”, thầy Tuấn nói.
Thầy Nguyễn Tài Quyển - Hiệu trưởng Trường THPT Triệu Sơn thông tin: Khi thi vào lớp 10, Minh thuộc diện được đặc cách vào trường, nhưng em không đồng ý và muốn thi như các bạn. Năm đó, Nguyễn Tất Minh nằm trong nhóm 20 học sinh đạt điểm cao của trường.

Dù vui mừng với những gì học trò đạt được, thầy Quyển vẫn trăn trở bởi khi bước vào trường đại học, Minh sẽ xoay sở ra sao. “Cuộc sống luôn có người tốt. Biết đâu, Minh lại sẽ gặp một “đôi dép” như đã từng gặp Hiếu trong suốt 10 năm qua”, thầy Quyển hy vọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.