Xóa bỏ định kiến giới trong lựa chọn ngành, trường

GD&TĐ - Nhiều người đặt vấn đề xóa bỏ định kiến giới trong lựa chọn ngành, trường học và nghề nghiệp...

Thầy giáo Trường Mầm non 19/5 Thành phố (Quận 1, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Thảo Nguyên
Thầy giáo Trường Mầm non 19/5 Thành phố (Quận 1, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Thảo Nguyên

Từ việc thưởng tiền nam sinh theo học ngành Giáo dục mầm non của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), nhiều người đặt vấn đề xóa bỏ định kiến giới trong lựa chọn ngành, trường học và nghề nghiệp.

Không quy định ngành của nam hay nữ

Theo ThS Nguyễn Vinh San - Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), tính đến ngày 25/4, có hơn 380 thí sinh đăng ký theo học ngành Giáo dục mầm non, trong đó có 1 thí sinh nam. Cách đây 20 năm, nhà trường có 1 sinh viên nam theo học ngành Giáo dục mầm non. Kể từ đó đến nay mới có thêm 1 nam sinh đăng ký ngành học này. Nhà trường đưa ra mức thưởng 5 triệu đồng cho nam sinh đăng ký và theo học. Đây là phần thưởng vì em đã vượt qua định kiến về giới trong lựa chọn ngành, trường học và nghề nghiệp.

“Chính sách trên nhằm khuyến khích thí sinh nam theo học ngành Giáo dục mầm non - ngành học nhiều năm qua không có sinh viên nam theo học. Trong khi ngành Giáo dục mầm non rất cần các thầy giáo trong quản lý cũng như giáo dục trẻ”, ThS Nguyễn Vinh San nhấn mạnh.

Trẻ nhỏ trong những năm đầu đời, cần sự giáo dục toàn diện, được tiếp xúc với thầy, cô giáo, ThS Nguyễn Vinh San nhìn nhận và cho rằng, không có thí sinh nào chọn ngành học vì phần thưởng, nhưng phần thưởng là sự động viên các em khi lựa chọn nghề, đặc biệt ngành nghề mà xã hội đang rất cần song chưa nhiều người lựa chọn.

Thực tế, nhiều cơ sở đào tạo giáo viên mầm non trong tình trạng “khan hiếm” nam sinh theo học ngành này. Đơn cử như Trường ĐH Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh), khoảng 3 năm gần đây, Khoa Giáo dục Mầm non không có nam sinh viên nào theo học.

Nhìn nhận về thực trạng trên, TS Trương Thúy Hằng – Phụ trách Bộ môn Khoa Giới và Phát triển (Học viện Phụ nữ Việt Nam) cho rằng, việc lựa chọn ngành học chịu nhiều ảnh hưởng của định kiến, khuôn mẫu giới về nghề nghiệp. Học ngành gì, làm nghề gì là theo sở thích, khả năng mỗi người và không phụ thuộc vào giới tính.

Cách đây hơn 20 năm, bà Nguyễn Việt Nga - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nexia STT (Hà Nội) đã từ chối cơ hội tuyển thẳng vào ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng chỉ vì định kiến giới. “Ngày ấy, tôi có suy nghĩ: Phụ nữ học ngành kỹ thuật không tốt như nam giới, khi ra trường không có nhiều cơ hội như các bạn nam”, bà Nguyễn Việt Nga chia sẻ.

Từ câu chuyện của bản thân, bà Nguyễn Việt Nga khuyên các bạn trẻ xóa bỏ định kiến giới trong lựa chọn ngành học và nghề nghiệp. “Không có công việc nào của nam giới hay nữ. Chỉ cần các bạn yêu thích và cố gắng thì ngành nghề đó phù hợp với bạn”, bà Nguyễn Việt Nga trao đổi.

Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024, nhiều nữ sinh tìm hiểu về các ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật. Ảnh: Sỹ Điền

Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024, nhiều nữ sinh tìm hiểu về các ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật. Ảnh: Sỹ Điền

Xóa bỏ định kiến trong lựa chọn ngành học

Tại Tọa đàm “Giảm thiểu định kiến giới trong lựa chọn nghề nghiệp” do Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức, GS.TS Trịnh Duy Luân - nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phân tích, định kiến giới chính là nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực (thường không đúng, không có cơ sở) về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ; từ đó, làm ảnh hưởng tới lựa chọn nghề nghiệp của nhiều người.

“Hiện, nhiều ý kiến cho rằng, một số nghề nghiệp chỉ hợp với nam giới, trong khi một số nghề giản đơn, chủ yếu nghề dịch vụ thì mặc định dành cho nữ giới”, GS.TS Trịnh Duy Luân viện dẫn và đề xuất cần giảm thiểu định kiến giới trong lựa chọn ngành học và nghề nghiệp. Theo đó, cái gì là tác nhân gây ra, hãy tác động vào nó theo từng yếu tố, tổng hợp, hợp lực và cộng lực… Tức là, cả xã hội vào cuộc. Ngoài ra, cần hoàn thiện cách tiếp cận, phương pháp để chuyển đổi nhận thức, thái độ, hành vi. Qua đó, từng bước thay đổi khuôn mẫu văn hóa dựa trên cơ sở giới.

Dù là ngành nghề yêu thích nhưng đa số bạn trẻ có tâm lý ngại ngùng, không quyết liệt lựa chọn vì cho rằng ngành đó đang ngược với mặc định về giới tính, TS Dương Kim Anh - Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam nhìn nhận. Chính tâm lý e ngại đã tạo nên bất bình đẳng giới trong lựa chọn nghề nghiệp của các bạn trẻ, ảnh hưởng đến sự tiến bộ chung của xã hội.

Theo TS Dương Kim Anh, định kiến giới về nghề nghiệp gây cản trở bình đẳng giới về kinh tế giữa phụ nữ và nam giới, tạo ra những hệ lụy lớn đối với sự thành công trong học tập và lựa chọn nghề nghiệp của các bạn trẻ. Định kiến trên còn ngăn cản những người trẻ tuổi hình dung ra mình ở một công việc có liên quan tính cách, ngay cả khi hoàn toàn phù hợp với sở thích cá nhân. Do vậy, cần thiết xóa bỏ định kiến giới trong lựa chọn ngành học, nghề nghiệp. Qua đó, thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục, cũng như các lĩnh vực khác.

TS Dương Kim Anh khuyến nghị, với học sinh, sinh viên, khi lựa chọn ngành học, thay vì băn khoăn về giới tính có phù hợp hay không, các em hãy “giải mã” câu hỏi: Mình đã tìm hiểu và thực sự yêu thích, có khả năng học, làm ngành nghề đó hay không? Bằng đam mê và mong muốn của bản thân, các bạn sẽ chứng minh: Không có bất cứ ngành nghề nào được quyết định bởi giới tính, chỉ cần có đam mê và dốc lòng theo đuổi thì cơ hội thành công sẽ đến.

Đồng quan điểm, TS Trương Thúy Hằng khuyến nghị một số giải pháp như: Tiếp tục tuyên truyền luật pháp, chính sách về bình đẳng giới; tạo những chính sách ưu tiên nhất định cho ngành nghề nào đó muốn thu hút thêm phụ nữ hay nam giới; tiếp tục rà soát cải tiến sách giáo khoa theo hướng lựa chọn nội dung, hình minh họa có nhạy cảm giới; giáo dục về bình đẳng giới cần đưa sâu rộng hơn vào các cấp học, ngay từ cấp tiểu học, triển khai những hoạt động nâng cao nhận thức về bình đẳng giới ở mọi lĩnh vực, khu vực trong đời sống xã hội.

Theo ông Đỗ Đức Quế - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), vấn đề giới và bình đẳng giới được đưa vào dạy học ở một số bộ môn như: Giáo dục công dân, Sinh học… Năm 2023, Vụ Giáo dục Trung học tổ chức tập huấn 3 ngày về quyền con người, trong đó gắn với vấn đề giới, bình đẳng giới đến các trường trung học. Năm 2024, vụ tiếp tục triển khai, tập huấn những nội dung liên quan đến Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ