Trẻ mắc bệnh ho gà tăng, cẩn thận mầm bệnh từ người lớn

GD&TĐ - Bệnh ho gà gây biến chứng nguy hiểm, nhất là trẻ dưới 1 tuổi, dễ lây lan và người lớn có nguy cơ chính là mầm bệnh lây cho trẻ.

Bệnh ho gà thuộc nhóm kiểm soát được bằng vắc – xin.
Bệnh ho gà thuộc nhóm kiểm soát được bằng vắc – xin.

Ho gà, còn được gọi là ho 100 ngày, là bệnh nguy hiểm, nhất là trẻ dưới 1 tuổi có nguy cơ nhập viện cao; 1/3 số ca trẻ dưới 1 tuổi phải nhập viện theo dõi, 1% các trường hợp trẻ nhỏ hơn 1 tuổi có nguy cơ tử vong.

1% trẻ dưới 1 tuổi có nguy cơ tử vong

Chị N.T.Đ (sinh năm 1990, ngụ Bình Dương) là mẹ của bé trai 1 tháng tuổi đang nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

Chị Đ. chia sẻ, bé xuất hiện tình trạng ho, ho nhẹ, không chảy mũi, không sốt nên gia đình nghĩ ho đơn giản, không đưa bé đi khám.

“Sau 2 – 3 ngày, bé xuất hiện tình trạng ho nhiều, gia đình đưa đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Tại đây, các bác sĩ cho về với lời dặn tái khám sau 2 ngày dùng thuốc.

Sau uống 2 liều, tình trạng ho của bé không giảm, ho nhiều, gia đình quyết định tái khám sớm và nhập viện sáng 25/4.

Hiện, bé vẫn phải thở oxy nhưng tình trạng ho đã giảm đáng kể”, chị Đ. cho hay.

BS.CKI Trần Ngọc Lưu – Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 cho rằng, tình hình bệnh ho gà năm 2024 tăng nhiều, các năm trước ca bệnh chỉ rải rác trong năm, chủ yếu ở mùa nóng nhưng năm nay số ca tập trung nhiều tại một thời điểm. Cụ thể, tháng 4 có 5 ca đang điều trị nội trú tại bệnh viện.

Theo BS Lưu, bệnh ho gà diễn tiến qua 3 giai đoạn. Giai đoạn khởi phát ở 1 – 2 tuần đầu, trẻ sẽ ho nhẹ và thường ho về đêm.

Giai đoạn 2 thường ở tuần thứ 3, cơn ho sẽ xuất hiện nhiều, ho nặng nề, kéo dài, gây tím tái cho bệnh nhi, thậm chí ngưng thở; đây là giai đoạn dễ gây biến chứng nhất.

Giai đoạn 3 thường ở tuần thứ 4 – 5, đây được xem là giai đoạn phục hồi khi các cơn ho giảm dần, các triệu chứng bệnh cũng thuyên giảm.

Bệnh ho gà thường ho nhiều về đêm, ho kéo dài và khò khè nhiều ngày nên hay bị chẩn đoán nhầm sang bệnh khác như viêm tiểu phế quản, viêm phổi, trào ngược dạ dày thực quản nhưng uống thuốc không thuyên giảm.

Bệnh ho gà thường ho nhiều về đêm, ho kéo dài và khò khè nhiều ngày nên hay bị chẩn đoán nhầm sang bệnh khác như viêm tiểu phế quản, viêm phổi, trào ngược dạ dày thực quản nhưng uống thuốc không thuyên giảm.

Ho gà dễ gây những biến chứng nguy hiểm, nhất là trẻ dưới 1 tuổi, 1/3 trẻ dưới 1 tuổi mắc ho gà phải nhập viện điều trị. Tỷ lệ tử vong trẻ dưới 1 tuổi khoảng 1% do các biến chứng viêm phế quản, viêm phế quản phổi.

Bên cạnh đó, khi ho nhiều, ho mạnh có thể gây vỡ phế nang; biến chứng nguy hiểm nhất là cơn ho kéo dài dẫn đến ứ đọng đờm nhớt, tím tái, thậm chí ngưng thở là nguy cơ diễn tiến nặng ở trẻ”, BS Lưu thông tin.

Liên quan đến vắc – xin ngừa bệnh ho gà, BS Lưu đánh giá, trước khi có vắc – xin, ho gà là một trong những bệnh có tỷ lệ tử vong cao ở trẻ em. Sau khi có vắc – xin 5 trong 1, 6 trong 1, tỷ lệ bệnh nặng và tử vong giảm nhưng hiệu quả của vắc – xin cũng giảm dần từ 4 – 12 năm tùy loại vắc – xin.

Vì vậy, ngoài tiêm vắc – xin ngừa bệnh ho gà, trẻ sẽ phải tiêm những mũi nhắc lại. Đặc biệt, người lớn cũng phải tiêm vắc – xin ngừa bệnh ho gà để tránh trở thành mầm bệnh lây nhiễm cho trẻ.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Thực tế, số ca nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đa số đều là trẻ dưới 1 tuổi, nhiều trẻ chưa được tiêm vắc – xin hoặc chỉ mới tiêm 1 mũi nên chưa đủ kháng thể để bảo vệ.

Theo BS Lưu, việc quên tiêm vắc – xin nhắc lại có thể dẫn đến kháng thể trong cộng đồng suy giảm, những trẻ chưa được tiêm vắc – xin phòng ngừa sẽ dễ mắc bệnh hơn, sẽ nguy hiểm và bệnh sẽ diễn tiến nặng hơn.

“Những người từng mắc bệnh ho gà điều trị khỏi sẽ có miễn dịch trong cơ thể, miễn dịch đó có thể bảo vệ được người mắc đến trọn đời. Nhưng nếu ai đã tiêm ngừa vắc – xin, kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian nên việc nhớ lịch để tiêm nhắc lại nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân lâu dài và tránh trở thành mầm bệnh cho trẻ là rất quan trọng”, BS Lưu khẳng định.

BS.CKI Trần Ngọc Lưu - Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) đang thăm khám cho bệnh nhi 1 tháng tuổi mắc bệnh ho gà.

BS.CKI Trần Ngọc Lưu - Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) đang thăm khám cho bệnh nhi 1 tháng tuổi mắc bệnh ho gà.

BS.CKII Trần Nam – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) nhận định, phương pháp phòng ngừa hiệu quả nhất là tiêm vắc – xin theo lịch cho trẻ, tiêm vắc – xin nhắc lại và người lớn cũng cần phải tiêm vắc – xin.

“Bệnh ho gà thuộc nhóm kiểm soát được bằng vắc – xin, do đó mọi người cần tuân thủ việc tiêm ngừa vắc – xin để phòng bệnh.

Đặc biệt, đối với bà bầu, có thể tiêm ngừa để kháng thể có thể qua thai nhi bảo vệ ngay từ khi mới sinh, thời điểm chưa được tiêm vắc - xin ho gà.

Cần khám và xét nghiệm nếu trẻ xuất hiện tình trạng ho kéo dài, không đáp ứng với điều trị thông thường và chưa được tiêm ngừa vắc - xin đầy đủ”, BS Nam nhấn mạnh.

Ngoài ra, BS Nam lưu ý, thời tiết tại TPHCM đang nắng nóng gay gắt, nhất là thời tiết đang giao mùa, tốc độ lây lan các bệnh hô hấp sẽ gia tăng, trong đó có bệnh ho gà.

Bệnh ho gà sẽ thường không để lại di chứng sau khi trẻ khỏi hoàn toàn, trừ các trường hợp biến chứng viêm não sẽ để để lại di chứng thần kinh.

“Quan trọng nhất là xử trí kịp thời trong giai đoạn trẻ có các cơn ho tím tái. Đa số các trường hợp đến bệnh viện khám sau tuần lễ đầu, đây là giai đoạn triệu chứng nên dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác.

Tuy nhiên, khi cơn ho kéo dài, ho sặc sụa, tím tái, người lớn cần đưa trẻ nhỏ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời”, BS Nam khuyến cáo.

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), từ đầu năm 2024 đến nay, đã có hơn 10 ca mắc ho gà phải nhập viện điều trị. Hiện, đang có 5 ca điều trị tại bệnh viện, trong đó có 1 ca 1 tháng tuổi phải thở oxy.

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố ghi nhận 1 ca mắc ho gà dưới 1 tuổi, nhập viện khoảng đầu tháng 4/2024, điều trị khỏi và đã xuất viện.

Bệnh viện Nhi đồng 1, chưa ghi nhận ca mắc bệnh ho gà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.