Hành trình “thanh niên hướng về nguồn cội”: Để lịch sử hòa vào dòng chảy hiện tại

GD&TĐ - Hành trình đi tìm địa chỉ đỏ được nhiều trường thực hiện để học sinh gắn bó hơn với quê hương từ những gì gần gũi.

Học sinh Trường THPT Trần Phú tham gia hành trình về nguồn, đến với các “địa chỉ đỏ” tại Đà Nẵng.
Học sinh Trường THPT Trần Phú tham gia hành trình về nguồn, đến với các “địa chỉ đỏ” tại Đà Nẵng.

Đó là tên đường phố, tên làng mình sống cho đến những thông tin cơ bản về lịch sử quê hương. Nhiều học sinh thừa nhận, nếu không có Chương trình Đi tìm địa chỉ đỏ, bản thân dù đi qua địa điểm đó hằng ngày nhưng không hề biết ý nghĩa, thông tin cụ thể…

Về nguồn để trưởng thành

Nguyễn Huỳnh Diệu Hà vẫn nhớ lễ kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của mình và các bạn cùng trường năm học lớp 9. Hà cùng những đội viên ưu tú khác của Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) được tổ chức kết nạp Đoàn tại nghĩa trang liệt sĩ trong chuyến hành quân về nguồn. Buổi lễ không khô cứng với nghi thức và lời tuyên thệ, mà được lồng ghép những câu chuyện về cuộc đời, tấm gương anh hùng, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của anh Lý Tự Trọng, Trần Văn Ơn, Nguyễn Văn Trỗi, chị Võ Thị Sáu…

“Buổi lễ kết nạp để lại cho em ấn tượng rất sâu sắc. Chúng em đã có được những trải nghiệm ý nghĩa, hiểu sâu thêm các địa danh lịch sử qua những câu chuyện kể, biết trân trọng quá khứ hào hùng của đất nước. Chúng em ý thức hơn về trách nhiệm của mình để trở thành một công dân tốt, góp phần xây dựng quê hương”, Diệu Hà chia sẻ.

Trong năm học vừa qua, Đoàn Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cũng tổ chức cho 9 chi đoàn đến thăm 9 gia đình liệt sĩ là người Đà Nẵng hy sinh anh dũng trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa) năm 1988.

Em Hoàng Thúy Hằng chia sẻ: “Chúng em hiểu thêm về một thế hệ trẻ của dân tộc, những người mười tám, đôi mươi, đã sống sôi nổi, đầy ước mơ, hoài bão nhưng đã gạt hết những tình riêng, lên đường và anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. Từ đó, chúng em thêm tự hào về quê hương, đất nước, và cũng biết quý tuổi trẻ của chính mình, sống có lý tưởng, có ý nghĩa hơn”.

Thầy Phan Văn Tánh – nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), người khởi xướng phát động Chương trình Đi tìm địa chỉ đỏ tại Đà Nẵng cho biết: Chương trình như là một cách để học sinh gắn bó thêm với quê hương bắt đầu từ những gì gần gũi, như tên đường phố, tên làng mình sống cho đến những thông tin cơ bản về lịch sử quê hương. Bài thu hoạch của chi đoàn nào có chất lượng tốt sẽ được chọn để giới thiệu trong buổi sinh hoạt chào cờ đầu tuần. Địa chỉ đỏ có thể là một địa danh, di tích lịch sử, gia đình có công với cách mạng, gương thương binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng…

Ban giám hiệu cũng không ngạc nhiên khi trong tập bài thu hoạch của Chương trình Đi tìm địa chỉ đỏ của nhiều chi đoàn đều gặp nhau ở nội dung: Cảm ơn Đoàn trường đã tạo ra một sân chơi, một cơ hội quý giá, giúp các em có thể tìm hiểu về lịch sử quê hương. “Thậm chí, có học sinh đã thừa nhận, nếu không có Chương trình Đi tìm địa chỉ đỏ, bản thân dù đi qua địa điểm đó hằng ngày mà không hề biết ý nghĩa, thông tin cụ thể…”, thầy Phan Văn Tánh nói.

Học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám dâng hương tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Quân khu 5.
Học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám dâng hương tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Quân khu 5.

Mô hình “Người con hiếu thảo”

Mười năm qua, các cơ sở đoàn, chi đoàn của Huyện đoàn Hòa Vang (TP Đà Nẵng) vẫn duy trì đều đặn và hiệu quả mô hình “Người con hiếu thảo” với việc giúp đỡ, thăm hỏi thường xuyên các gia đình chính sách mà nổi bật là chi đoàn thuộc Đoàn Thanh niên xã Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Châu, Hòa Phong.

Các đoàn viên thay nhau đến nhà gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, đặc biệt là những gia đình neo đơn để thăm hỏi, trò chuyện trong vai trò là một người con, người cháu, giúp dọn dẹp nhà cửa, phụ giúp các công việc vườn tược, thu hoạch mùa màng… Lịch sử, truyền thống quê hương, tình làng nghĩa xóm qua các câu chuyện kể giữa lớp người đi trước và thế hệ trẻ vì thế được thấm dần qua cách trao truyền rất tự nhiên.

Hàng tháng, tất cả 11 Đoàn xã duy trì hoạt động thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ. Việc vệ sinh, tôn tạo các di tích lịch sử được các đoàn viên duy trì đều đặn. Đoàn viên là học sinh, sinh viên cùng tham gia quét dọn, làm đẹp các phần mộ, sơn sửa, thay mới bát hương, lọ hoa tại các nghĩa trang liệt sĩ và di tích kháng chiến.

Nhiều cựu chiến binh được mời cùng sinh hoạt kể chuyện về các anh hùng liệt sĩ cũng như truyền thống cách mạng của địa phương. Những việc làm ý nghĩa này tuy nhỏ nhưng thể hiện tình cảm của thế hệ trẻ đối với gia đình những người có công cách mạng ngay trên chính mảnh đất quê hương mình…

Thầy Phan Văn Tánh cũng cho rằng: “Muốn có những thế hệ trẻ giàu nhiệt huyết và tình yêu Tổ quốc, không thể nói suông bằng những bài giảng lý thuyết khô khan, giáo điều sách vở. Đáng mừng nhất, sau khi trở về từ những địa chỉ đỏ ấy, nhiều em học sinh tình nguyện quay lại để giúp đỡ gia đình những Mẹ Việt Nam Anh hùng neo đơn như dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, mua gạo tặng các mẹ... Chính những hành động thiết thực, ý nghĩa đó đã thể hiện tình cảm chân thành, xuất phát từ cảm nhận của trái tim của các em”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ