Nhiều hoạt động ý nghĩa
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1), học sinh được nghe về những cột mốc lịch sử hào hùng của dân tộc, ý nghĩa của ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba. Thầy cô và học sinh cũng chuẩn bị rất công phu khi mang đến tiết mục văn nghệ với bài hát Đất nước lời ru và kịch sử Huyền sử Lạc Hồng. Kết thúc buổi lễ, học sinh, đại diện phụ huynh và tập thể sư phạm Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm di chuyển sang Đền thờ vua Hùng nằm trong khuôn viên Thảo Cầm Viên (gần trường) để dâng hương.
Theo cô Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng nhà trường, Giỗ tổ Hùng Vương là dịp giúp thầy và trò nhà trường ôn lại truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc. Qua đó, giáo dục thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về truyền thống, đạo lý tốt đẹp của ông cha trong quá khứ, nhắc nhở bản thân mỗi người không ngừng ra sức rèn đức, luyện tài, góp sức lực nhỏ bé của mình cùng nhau xây dựng đất nước phồn vinh, xứng đáng con cháu dòng dõi Tiên Rồng.
Tương tự, sáng ngày 20/4, Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3) tổ chức Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương. Bên cạnh phần lễ đầy trang trọng, học sinh các khối lớp triển khai hội thi Trang trí lễ vật dâng Quốc Tổ. Theo đó, mỗi lớp có khoảng 45 phút để cùng nhau chuẩn bị mâm lễ. Đồng thời, học sinh thuyết minh ngắn gọn về mâm lễ do lớp mình chuẩn bị.
Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ Lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn chia sẻ: Theo truyền thống nhà trường, vào ngày Giỗ Tổ các lớp sẽ lên ý tưởng và thực hiện một mâm lễ vật dâng lên Quốc Tổ. Hoạt động tưởng như bình thường nhưng lại là cách tiếp cận truyền thống, lịch sử một cách rất thú vị.
Ý nghĩa của từng mâm cỗ là cách nhìn và tiếp thu ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ của các em. Ngày nay mâm cỗ do học sinh thực hiện dâng lên Quốc Tổ đa dạng và phong phú, thậm chí có cả lễ vật hiện đại (bánh kem) nhưng cái cốt lõi là tinh thần nhớ về Quốc Tổ vẫn được gìn giữ và lưu truyền.
Hướng đến giáo dục truyền thống
Trong sáng 19/4, Lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương được Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Quận 1) tổ chức trang nghiêm và đầy ý nghĩa. Thay mặt toàn thể nhà trường, thầy Trịnh Quốc Hùng, Tổ trưởng tổ Hóa học thực hiện nghi thức dâng đèn, hương, rượu, trà lên bàn thờ Vua Hùng. Ngay sau đó, từng khối lớp của trường cũng tự tay chuẩn bị các lễ vật để dâng lên ban thờ.
Phát biểu tại buổi lễ đầy trang nghiêm này, thầy Nguyễn Tiến Vinh, Tổ trưởng tổ Lịch sử, Trường Trần Đại Nghĩa nhấn mạnh: Trải qua 18 đời Hùng Vương khởi dựng, hơn mười thế kỷ đấu tranh cho độc lập chủ quyền dân tộc, hơn mười thế kỷ vừa tiếp tục xây dựng, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc chống các thế lực ngoại xâm, người dân Việt Nam ngày càng thấm thía về nguồn cội của mình.
Ngày giỗ, ngày Tết, khi thưởng thức hương vị của những chiếc bánh chưng, chúng ta nhớ về Lang Liêu chịu khó và sáng tạo. Những khi đất nước bị đe dọa bởi thế lực ngoại xâm, chúng ta nhớ đến cậu bé làng Gióng còn nhỏ cũng lo góp phần chống giặc. Mỗi khi gặp thiên tai, lũ lụt thì lại noi gương kiên cường chống đỡ của Sơn Tinh...
Những con người ấy của thời đại Hùng Vương luôn nhắc chúng ta phải sống sao cho xứng đáng. Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đã từng nhắc nhở: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.
Em Trâm Anh, học sinh khối 11, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho hay: Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức rất trang nghiêm, ý nghĩa. Qua đó, chúng em hiểu hơn về nguồn cội của dân tộc, công lao của các vua Hùng. Từ đó, chúng em ý thức được trách nhiệm của thế hệ trẻ phải học tập thật tốt, cùng chung tay đóng góp công sức nhỏ bé của mình để phát triển đất nước.
Tượng tự, tại Trường Tiểu học Nguyễn Trường Tộ (Quận 4), Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương diễn ra trang trọng và thành kính. Sau nghi thức dâng hương, đọc văn tế và dâng lễ vật, trường mời đoàn nghệ sĩ của nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM đến giao lưu và biểu diễn “Sự tích bánh chưng, bánh dầy”.
Lãnh đạo nhà trường chia sẻ, hoạt động được tổ chức với mục đích giáo dục học sinh nhớ về nguồn cội của dân tộc, ý nghĩa của ngày giỗ Tổ Hùng Vương mùng Mười tháng Ba. Mặt khác, trường cũng muốn lồng ghép để giới thiệu tới các em loại hình nghệ thuật độc đáo - hát bội của cha ông ta. Sau phần lễ, các em còn được tham gia gian hàng ẩm thực với những trò chơi náo nhiệt.