Hướng về nguồn cội

GD&TĐ - Trường học mang tên danh nhân lịch sử, văn hóa, nhà cách mạng của dân tộc là niềm tự hào và đầy trách nhiệm với thầy - trò trong mỗi ngôi trường. Làm sao để hình thành cho học sinh lòng tự hào về trường lớp, rộng hơn nữa là ý thức trân trọng lịch sử, biết ơn các anh hùng dân tộc, lòng yêu quê hương, đất nước… luôn là trăn trở của các thầy cô trong mỗi bài giảng, tiết học.  

Cô - trò Trường THCS Kim Liên tại triển lãm ngày hòa bình. Ảnh: T.G
Cô - trò Trường THCS Kim Liên tại triển lãm ngày hòa bình. Ảnh: T.G

Biết để tri ân và tự hào

Cách đây 10 năm, trường THCS của 2 phường Thu Thủy và Nghi Thu (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) chính thức mang tên Lê Thị Bạch Cát. Đó là nữ nhà giáo, liệt sĩ cách mạng đã hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước khi tuổi đời còn rất trẻ.

Lịch sử ghi lại, thực hiện nhiệm vụ chiến lược của giáo dục cách mạng, từ năm 1962 – 1974 gần 200 nhà giáo Nghệ An được điều động đi B, vào miền Nam để đào tạo giáo viên và xây dựng phong trào giáo dục vùng giải phóng.

Đã có 14 người hi sinh, 4 người bị địch bắt tù đày. Trong đó, mọi người nhắc nhiều đến cô giáo Lê Thị Bạch Cát (SN 1940) là con út trong một gia đình nhà Nho thuộc phường Thu Thủy, thị xã Cửa Lò bây giờ. Cô Bạch Cát từ nhỏ đã thông minh, xinh đẹp, giàu ý chí. Cô cũng là nữ sinh hiếm hoi của xứ Nghệ thời điểm đó thi đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Thể thao Trung ương và được trường giữ lại làm giảng viên. Tình nguyện vào Nam chiến đấu với bí danh Sáu Xuân, Lê Thị Bạch Cát đã hi sinh trong trận đánh tại mặt trận Đề Thám – Cô Bắc – Cô Giang (TP Hồ Chí Minh bây giờ).

Thầy Hoàng Duy Hợi – Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Cát (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) cho biết: Hằng năm, dịp 27/7 hoặc ngày lễ, thầy trò đều đến nhà thắp hương, tri ân nữ nhà giáo, liệt sĩ mà trường mang tên. Đồng thời, cử học sinh đến dọn dẹp vệ sinh, trồng cây, trồng hoa trong khuôn viên nhà bà Bạch Cát ở phường Thu Thủy. Đây cũng là một cách để giáo dục thế hệ sau biết truyền thống, lịch sử quê hương và đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Không có điều kiện tổ chức thường xuyên, nhưng vào những năm chẵn, nhà trường tổ chức mít tinh kỷ niệm ôn lại và nhắc cho học sinh về cuộc đời của liệt sĩ Bạch Cát. Các em học sinh rất quan tâm và tự hào khi được học tại ngôi trường mang tên nữ nhà giáo tài giỏi, kiên cường. Để từ đó, nỗ lực học tập, rèn luyện để xứng đáng với nữ nhà giáo anh hùng.

Tương tự, hằng năm, cứ mỗi dịp đầu năm học và đón học sinh khóa mới, Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh) tổ chức cho khối lớp 10 một buổi học về lịch sử nhà trường từ khi thành lập. Trong đó, giới thiệu cho các em về cuộc đời hoạt động, đóng góp cho cách mạng dân tộc người chiến sĩ Lê Viết Thuật. Giúp học sinh hiểu biết thêm một phần truyền thống lịch sử quê hương, về thế hệ cha ông đã đấu tranh, đóng góp sức mình cho độc lập, tự do dân tộc. Để các em tự hào khi được là học sinh của trường, cố gắng phấn đấu xứng đáng với người đi trước.

Tại trường cũng dựng bức tượng nhà cách mạng Lê Viết Thuật cùng tóm tắt tiểu sử. Các lớp thay phiên nhau chăm nom nhà thờ dòng họ Lê Viết tại phường Bến Thủy, TP Vinh. Những công việc nhỏ, nhưng thường xuyên dần dần hình thành tinh thần trách nhiệm, trở nên có ý nghĩa lớn trong tư tưởng, lý tưởng cách mạng cho học sinh.

Đa dạng hoạt động giáo dục truyền thống

Những năm gần đây, Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) có hoạt động phong phú, đa dạng để giúp học sinh hiểu biết về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của nhà cải cách nổi tiếng cuối thế kỷ 19.

Cô Phan Thị Hồng - GV Ngữ văn, phụ trách các hoạt động ngoại khóa của trường cho biết: Kỷ niệm ngày mất của Nguyễn Trường Tộ, nhà trường đã phát động cuộc thi viết tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của cụ cho toàn thể học sinh. Các em tham gia đầy đủ, nhiệt tình, trong đó có nhiều em trình bày suy nghĩ, cảm nhận của bản thân rất xúc động. Mỗi một lần tìm hiểu, viết ra là một lần các em nhớ và hiểu biết về nhà canh tân Nguyễn Trường Tộ.

Năm học trước, Trường THPT Nguyễn Trường Tộ phát động cuộc thi dựng clip, các em rất hào hứng tham gia. Có em tìm về tận nhà thờ cụ Nguyễn Trường Tộ, “phỏng vấn” con cháu hậu duệ của cụ. Có em lại đọc, tìm tòi tài liệu sau đó thuê trang phục, đóng vai và diễn lại cảnh cụ tấu trình những bản điều trần cải cách đất nước lên cho nhà vua. Sau khi làm xong clip, các em đưa lên Facebook hoặc YouTube, clip nào được nhiều lượt like hoặc share thì nhà trường có thưởng. “Các em rất sáng tạo. Thầy cô chỉ đóng vai trò tạo môi trường, điều kiện cho các em thể hiện, khích lệ tinh thần thi đua giữa các em. Việc đưa lên mạng Internet cũng là cách để lan tỏa, chia sẻ trước hết là giữa học sinh, rồi đến bạn bè, người thân các em, sau đó là nhiều người hơn nữa biết đến Nguyễn Trường Tộ”, cô Hồng chia sẻ và nhận định: Học sinh của nhà trường chủ yếu là con em nông thôn, khó khăn của huyện Hưng Nguyên, và có đến 70% học sinh là con em đồng bào giáo dân. Vì vậy, các hoạt động ngoại khóa, là dịp để các em tăng sự tự tin, các kỹ năng giao tiếp, ứng xử và kỹ năng sống khác. Để các em thêm yêu trường, yêu lớp, hào hứng trong học tập.

Ông Nguyễn Trọng Bé - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Công tác bồi dưỡng chính trị, tư tưởng, đạo đức, lý tưởng cách mạng trong nhà trường, giáo viên, học sinh luôn được ngành Giáo dục Nghệ An chú trọng, thể hiện trong nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. Riêng đối với các trường mang tên danh nhân lịch sử, văn hóa, nhà cách mạng của dân tộc, hoạt động giáo dục truyền thống luôn được chú trọng. Đó cũng là một nội dung để góp phần hình thành cho học sinh tự hào về trường lớp, rộng hơn nữa là ý thức trân trọng lịch sử, biết ơn các anh hùng dân tộc, lòng yêu quê hương, đất nước.

Nhiều trường học tại địa bàn tỉnh Nghệ An được đặt tên theo các danh nhân văn hóa, lịch sử, anh hùng cách mạng, liệt sĩ như: Phan Bội Châu, Hồ Xuân Hương, Huỳnh Thúc Kháng, Hà Huy Tập. Một số trường đóng vai trò trọng điểm, chất lượng cao đi đầu trong đổi mới giáo dục và đào tạo, là điểm sáng để lan tỏa cách làm hay, hiệu quả cho các trường trong vùng. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.