Gỡ khó triển khai giáo dục khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện Thông tư quy định về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục, nêu rõ trách nhiệm của từng địa phương, đơn vị trong việc thực hiện công tác này

Học sinh Trường THCS&THPT Newton với sự án khởi nghiệp Sản xuất bút dạ từ sản phẩm lõi ngô trong nông nghiệp
Học sinh Trường THCS&THPT Newton với sự án khởi nghiệp Sản xuất bút dạ từ sản phẩm lõi ngô trong nông nghiệp

Phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ

Ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị, học sinh và sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Thời gian qua, hoạt động khởi nghiệp và giáo dục khởi nghiệp trong nhà trường phát triển mạnh, đặc biệt ở bậc đại học. Phong trào này đang mở ra một hướng đi mới trong giáo dục, khi học sinh, sinh viên tiếp cận sớm về hoạt động đổi mới, sáng tạo, giúp các em phát triển được năng lực, tố chất của mình.

Hiện tại số lượng các cơ sở giáo dục đại học đưa nội dung khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn tăng từ 15% cuối năm 2018 lên 30% cơ sở đào tạo, với tối thiểu 1 tín chỉ/môn học. 70% cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp. 50% các đại học, học viện, trường đại học đã có các cuộc thi về khởi nghiệp cấp trường, hằng năm mỗi trường có khoảng từ 10 đến 20 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của sinh viên tham dự các cuộc thi.

Đã có rất nhiều trường đại học có không gian khởi nghiệp để hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên như Trường ĐH Ngoại Thương, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Hà Nội… Bộ GD&ĐT đã chọn 3 trường để thí điểm mô hình giáo dục đại học đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp là Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Huế, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.

Ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị, học sinh và sinh viên (Bộ GD&ĐT)
Ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị, học sinh và sinh viên (Bộ GD&ĐT)

Đặc biệt, giáo dục khởi nghiệp sẽ trở thành nội dung bắt buộc trong trường học từ bậc THCS khi tới đây Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư quy định về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục. Thông tư này cụ thể hóa nội dung tại Đề án 1665 của Bộ GD&ĐT về Hỗ trợ khởi nghiệp thành quy định, quy phạm phù hợp để triển khai trong nhà trường.

Ông Bùi Văn Linh cho biết, Thông tư này là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của người học, giải quyết được một số vấn đề tồn tại hạn chế trong việc triển khai công tác này trong các cơ sở giáo dục.

Các điều khoản trong Thông tư được triển khai rộng trong toàn quốc sẽ giúp người học đầy đủ các kỹ năng, đáp ứng giáo dục toàn diện cho học sinh, đào tạo nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới. Việc đưa công tác hỗ trợ khởi nghiệp vào nhà trường chính là để thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, khát vọng và động lực trong học tập, rèn luyện giúp người học có tinh thần phục vụ cộng đồng, xã hội, xây dựng và phát triển đất nước.

Nếu triển khai tốt công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong ngành giáo dục bước đầu sẽ tạo được động lực cho học sinh, sinh viên trong học tập, rèn luyện, hình thành ý thức, tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp.

Việc đưa dạy học khởi nghiệp sớm vào nhà trường nhằm trang bị cho người học kiến thức về đổi mới sáng tạo, thay đổi tư duy, phương pháp học tập, có kỹ năng xử lý giải quyết vấn đề hiệu quả, có khả năng ứng dụng các kỹ năng về đổi mới sáng tạo trong quá trình học tập, rèn luyện. Khởi nghiệp chính là công cụ để hiện thực việc vốn hóa nguồn tri thức, góp phần tạo ra giá trị cho cộng đồng, xã hội.

Phong trào khởi nghiệp đã lan tỏa trong các trường học cả nước
Phong trào khởi nghiệp đã lan tỏa trong các trường học cả nước

Phù hợp với thực tiễn

Dưới góc độ chuyên gia giáo dục, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN) cho rằng: Thông tư đưa ra phù hợp với bối cảnh hiện nay khi phong trào khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ. Cùng với đó, nhiệm vụ của Giáo dục hiện nay phải tạo ra những con người có năng lực, định hướng nghề nghiệp, điều quan trọng của công dân thế kỷ 20.

Thông tư ra đời sẽ là sự bổ sung cần thiết cho chương trình giáo dục hiện hành cũng như đón đầu chương trình giáo dục phổ thông mới. Hiện nay, các nhà trường đã triển khai dạy môn hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp nhưng chưa đồng bộ. Thông tư ra đời sẽ bổ sung thêm chương trình Hướng nghiệp, giúp thầy cô cha mẹ phát hiện được tố chất của các em học sinh thông qua việc quan sát các hoạt động.

Thông tư được nghiên cứu dựa trên các cơ sở khoa học, rút từ thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế. Hướng nghiệp khởi nghiệp gắn liền với nhau nhằm phát hiện năng lực phẩm chất của học sinh, phát hiện những tố chất của học sinh từ sớm. Khi các em hiểu về bản thân rồi thì sẽ có định hướng và lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn cho mình.

Còn cô Hoàng Thị Mận- Phó hiệu trưởng Trường THCS&THPT Newton (Hà Nội) nhận định: Thông tư ra đời có ý nghĩa quan trọng, là sự bổ sung cần thiết cho chương trình chính khóa của các nhà trường hiện nay, cũng như đóng góp quan trọng cho chương trình mới, giúp hiện thực hóa phát triển năng lực cho học sinh.

Ở bậc tiểu học, học sinh có cảm nhận nghề nghiệp từ chính những người thân của mình, từ đó các em có cảm xúc tích cực, có thể chia sẻ nghề nghiệp với người thân. Ở cấp THCS và THPT, các em sẽ được hình dung bức tranh đa dạng nghề nghiệp khác nhau trong cuộc sống, từ đó các em sẽ có khát vọng theo đuổi nghề nghiệp trong tương lai.

Thông tư đã quy định nhiệm vụ đối với từng cấp học, bậc học. Một số nhiệm vụ trong các nhà trường đã và đang làm nhưng chưa được chuẩn hóa, chưa được đồng bộ hóa. Thông tư ra đời sẽ giúp các nhà trường triển khai thực hiện sẽ rõ nét hơn. Điều này còn giúp nhà trường khai thác được tối đa tài năng, phát hiện được năng khiếu của học sinh để học sinh phát triển được khả năng đó của các em.

Thông tư cũng quy định một số kiến thức kĩ năng nhằm nâng cao tinh thần đổi mới sáng tạo, tinh thần doanh nhân, khởi nghiệp của học trò từ rất sớm. Khi có định hướng, giáo viên sẽ thiết kế phát triển chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp, giúp chương trình giáo dục kĩ năng trong nhà trường có tính định hướng rõ nét.

Thông tư ra đời sẽ giúp các cơ sở giáo dục khai thác các nguồn lực khi triển khai hướng nghiệp cho học sinh. Khi chưa có thông tư này, các trường đã làm nhưng gặp không ít khó khăn khi loay hoay trong việc tìm tòi kết nối các doanh nghiệp, xây dựng các  chương trình chuần đầu ra. Khi có Thông tư này, các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT sẽ có buổi tập huấn cho giáo viên, kết nối với các đơn vị doanh nghiệp thuận lợi dễ dàng hơn- cô Mận chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những bạn lịch bàn cần mẫn nhắc lịch trình. Ảnh: Bình Thanh

Người bạn nhắc thời gian cần mẫn

GD&TĐ - Mỗi dịp năm cũ chuẩn bị hết và năm mới sắp đến, cơ quan luôn tặng mẹ tôi rất nhiều bạn lịch treo tường, để bàn để sử dụng trong năm mới.

Minh họa/INT

Viêm quanh móng - chín mé

GD&TĐ - Đầu ngón tay hoặc đầu ngón chân có một loại bệnh lý thường gặp mang tên viêm quanh móng hay còn gọi là chín mé.

Binh sĩ Israel tại Gaza.

Israel đang bị mắc kẹt

GD&TĐ - Thứ Ba tuần tới đánh dấu 15 tháng kể từ cuộc xung đột Trung Đông do Hamas tấn công Israel và cuộc ném bom và xâm lược của Israel vào Dải Gaza.