Trong tâm thức của riêng tôi, cái rượu sinh thành cảm khái về một cuộc nổi trôi để rồi nhớ thương về cố quận với một triết lí nhẹ nhàng mà sâu sắc phải kể đến “Rượu cuối năm bên bờ kinh Phương Nam” của Đuynh Trầm Ca. Bài thơ đánh thức nhiều nỗi niềm tâm sự, nhiều biến động ba đào của phận người trôi dạt, hợp tan, điều đó gần với tâm tình của cư dân miền Nam sông nước kênh rạch lênh đênh.
Đuynh Trầm Ca
Rượu cuối năm bên bờ kinh phương Nam
Rượu cuối năm rót cuối bờ kinh
Ngọn gió chướng thổi se lòng nước
Ta và bạn làm sao biết được
Bởi vì đâu so đũa nở trắng bông
Bởi vì đâu rượu đắng ở cuối lòng
Cứ nồng ấm những hồn lãng bạt?
Bèo bữa trước vì sông mà trôi dạt
Chợt chở hoa về rợp bến quê nhà
Thì sá gì cuộc nổi trôi ta!...
Rượu cuối năm gõ chén hát xuân ca
Nghe cuối bãi tiếng doi đất lở
Nghiêng mé nước gốc mai già vẫn nở
Bạn bè ta còn thua cỏ cây nhiều
Mới mười năm theo chim vịt kêu chiều
Mà gió thổi muốn rách hồn kiêu bạc
Rượu cuối năm cất không lên tiếng hát
Khúc xuân ca hiu hắt giọng trầm ca
Nâng chén hoài hương gục nhớ mộ cha
Gió thổi miết chắc chẳng còn thấy nấm
Nâng chén tình quê thương mẹ già lận đận
Sinh con ra, chất thêm lấy lượng sầu
Nhà trông - tàn niên - chẳng thấy con đâu
Gió hú mãi trên tháp Hời u uất
Gió chỉ thổi năm mươi năm không dứt
Xô ta trôi đến rạch cuối kênh cùng
Ơi lục bình vừa trôi vừa trổ bông
Ta với bạn có lẽ nào chìm rã?...
Rượu cuối năm lòng say mà chưa đã
Thêm một ly để cảm tạ đất này
Thêm một ly gửi tới chín tầng mây
Để cuối kiếp ta trôi lên... thường trú
Thêm ly nữa để thương bờ đất lở
Mai lở thêm nhà ta cũng trôi thôi!
Đời biển dâu hề dâu biển là đời
(Đừng chửi tục (...!) Giao thừa sắp đến!)
Chín nhánh rồng thiêng có trăm nghìn bến
Đời thơ ta cứ tấp, cứ đi!...
Rượu cuối năm, gió lọt lòng ly
Vọng tiếng hú ma Hời thương quê cũ
Đêm viễn xứ vang vang pháo nổ
Giao thừa! Giao thừa! Hề! Ta lăn quay
Rượu hết rồi làm sao chết giữa cơn say!...
Là nói vậy thôi, mỗi người chúng ta trên cuộc thế ngắn ngủi này, ai bảo rằng mình trọn vẹn, chưa từng chịu nhiều phiêu dạt đẩy đưa. Có lẽ theo Đuynh Trầm Ca, “cuộc nổi trôi ta” chỉ là bé nhỏ, sá gì với đại lượng sơn hà, vũ trụ bao la. Tất cả đang bồng bềnh, nổi trôi đó thôi! Hóa ra trời đất cũng là một cuộc bèo mây gió thoảng giữa phù sinh hư ảo khôn cùng.
Bài thơ có 43 câu cả thảy, chia thành 5 khổ thơ không đều nhau, mỗi khổ biểu đạt một nỗi niềm tác giả. Giọng thơ cảm khái, bùi ngùi và đầy hoài niệm, đôi lúc có xen cái giọng bất cần đời, tếu táo, triết lí bụi bặm trong cuộc say... Ấy vậy mà hóa ra lại hợp với không khí bài thơ, tạo được cảm xúc rất thực, nhờ đó phóng chiếu tâm cảm của nhân vật trữ tình về một cuộc tha hương vô bờ bến đến với người đọc.
Như nhan đề bài thơ thông báo, đây là một cuộc uống rượu ở bên bờ kinh phương Nam vào dịp cuối năm. Cuối năm mà ngồi uống rượu với nhau, chia sẻ tâm tình sau một năm làm lụng vất vả, giờ được sum họp bên người thân, bạn bè là điều thật hạnh phúc. Hoàn toàn trái ngược với điều ta nghĩ, đây không phải là cuộc rượu sum vầy mà là cuộc rượu nổi trôi vô định của chính nhà thơ “về phương Nam lắng nghe câu hò/ thương những đời như lục bình trôi”. Cảnh tình hòa hợp, tiếng thơ nhờ thế mà cất lên một cách tự nhiên, ngân nga réo rắt. Chén rượu không ngọt ngào mà trở nên đắng chát trong ngày cuối năm.
Trong làng thơ Việt Nam, người nổi trôi nhiều nhất, ít khi sum họp gia đình vào dịp cuối năm phải kể đến thi sĩ Nguyễn Bính. Nguyễn Bính tâm hồn khoáng đạt, vùng vẫy khắp nơi với chén rượu giang hồ, đôi lúc “tiếng pháo nghe nhờ thiên hạ đốt” hẳn cũng phải ngậm ngùi trước cuộc rượu tha hương này của kẻ lang bạt Đuynh Trầm Ca.
Hình ảnh bông so đũa nở trắng bông trong một buổi chiều cuối năm càng gợi thêm nỗi nhớ nhà da diết. Hoa bèo trôi dạt khắp bến sông “chợt chở hoa về rợp bến quê nhà” là những hình ảnh thơ rất gợi cảm, thể hiện một tâm hồn dễ xúc động. Miêu tả mà biểu cảm, đánh động vào tâm thức người đọc nhiều nỗi niềm nhớ thương quả là bút pháp khá đặc biệt trong bài thơ này.
Không gian trong khổ thơ đầu mở ra khoáng đạt, lời thơ tâm tình, nhẹ thoáng gợi được nỗi niềm man mác của thi nhân khi bắt đầu cuộc rượu. Tuy rượu mới vào, nhưng thấp thoáng trong lòng người lữ khách đã có nỗi hoài cố hương tha thiết. Các từ “rượu đắng” “lãng bạt”, “trôi dạt”, “nổi trôi”... đã phần nào lí giải được điều đó. Cảnh vật thiên nhiên của miền quê Nam Bộ hiện lên với kinh rạch gió chướng thổi se, bông so đũa nở trắng, những cánh bèo trôi dạt, vậy mà quê hương người thơ vẫn hun hút cõi nào. “Quê nhà xa lắc xa lơ đó/ ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay” càng thấm thía thêm nỗi niềm li khách: “Rượu cuối năm rót cuối bờ kinh/ Ngọn gió chướng thổi se dòng nước/ Ta và bạn làm sao biết được/ Bởi vì đâu so đũa nở trắng bông/ Bởi vì đâu rượu đắng ở cuối lòng/ Cứ nồng ấm những hồn lãng bạt?/ Bèo bữa trước vì sông mà trôi dạt/ Chợt chở hoa về rợp bóng quê nhà/ Thì sá gì cuộc nổi trôi ta!...”
Khổ thơ đầu mới chỉ là sự mở màn của cuộc rượu cuối năm bên bờ kinh phương Nam, tác giả giới thiệu thời gian, địa điểm để tạo nên không khí thơ làm nền cho nỗi niềm lữ khách bộc tràn cảm xúc. Thiên nhiên và hồn người đang giao hòa, thanh nhẹ; chợt đến khổ thơ thứ hai, tất cả bỗng bừng hứng lên trong âm thanh xao động rộn ràng. Tiếng gõ chén hát xuân ca, tiếng doi đất lở khiến lòng dạ nhà thơ như cũng bật thốt lên một niềm cảm khái về phận mình, phận người. Tiếng doi đất lở kia hay là tiếng rạn vỡ của lòng người, tiếng đau đáu về quê nhà của thi nhân nơi đất khách? Nhìn bốn bề sông nước kinh rạch phương Nam, con người mới trở nên bé nhỏ làm sao! May mà còn có bạn, những người ngồi đối ẩm với chính mình, nhưng “bạn bè ta còn thua cỏ cây nhiều”. Câu thơ hay đến lạ, hay trong ý nghĩ giàu chất triết lí. “Bạn bè ta”, tất cả không bằng cây cỏ trong đời! Nhìn kìa, cây mai vẫn nở hoa dù mọc chênh vênh nơi mé nước, nó vẫn khẳng định chính mình, vượt thoát bay lên mà mang cái đẹp đến cho mùa Xuân, dù thân phận có vẻ long đong, chấp chới nơi lở bồi bến nước. Ta mới trôi nổi mười năm mà đã “muốn rách hồn kiêu bạc” đây rồi. Xoàng, thế là xoàng và thua cả cỏ cây chứ sao! Đúng như nhận định của Hà Khánh Quân qua một bài viết về Đuynh Trầm Ca: “Soi trời, soi đất, soi nước, soi cả lên những người thân yêu, để thấy mình, để thấy thân phận mình không hơn một loài cây, không có đất để bám”. Phải nói đây là khổ thơ khá hay, câu nọ vẫy gọi câu kia trong một trường cảm xúc đậm màu sắc triết lí, triết lí mà vẫn ôn hòa nhẹ nhàng, thể hiện một cốt cách cao vời của kẻ sĩ thứ thiệt: “Rượu cuối năm gõ chén hát xuân ca/ Nghe cuối bãi tiếng doi đất lở/ Nghiêng mé nước gốc mai già vẫn nở/ Bạn bè ta còn thua cỏ cây nhiều/ Mới mười năm theo chim vịt kêu chiều/ Mà gió thổi muốn rách hồn kiêu bạc”.
Phép lặp cấu trúc “Rượu cuối năm...” để liên kết các khổ thơ trong thi phẩm khá dài là một thủ pháp nghệ thuật rất tài hoa của nhà thơ Đuynh Trầm Ca. Kiểu cấu trúc này có thể làm cho bài thơ dài mà vẫn không loãng, cứ níu chặt vào nhau, thỏa sức tung tẩy ý tưởng song vẫn không xa rời nội dung cốt lõi. Điều này khác với thi pháp của kiểu thơ quá mới hiện nay, đọc cứ như phân mảnh, rã rời, chới với trong một trạng thái cảm xúc phân tầng, xiêu vẹo. Nếu khổ thơ thứ hai, cảm xúc “gõ chén hát xuân ca” đang hào hứng thì bất chợt đến đây trầm lắng lại một nỗi niềm thương nhớ. Đó là sự hướng ngoại với đất trời, cây cỏ, lá hoa nơi sông nước miền Nam phiêu bồng lãng mạn, giờ đây tác giả như ngồi đối diện với chính mình, lắng vọng về quê hương xứ sở mà bùi ngùi thương dáng mẹ lận đận, mỏi mòn. Với phương thức biểu đạt giàu chất tự sự nhưng đầy xa xót, nhà thơ như lần hồi tái hiện lại gia cảnh của mình, một gia cảnh cô đơn, nhất là hình ảnh người mẹ nghèo nơi chốn cũ: “Rượu cuối năm cất không lên tiếng hát/ Khúc xuân ca hiu hắt giọng trầm ca/ Nâng chén hoài hương gục nhớ mộ cha/ Gió thổi miết chắc không còn thấy nấm/ Nâng chén tình quê thương mẹ già lận đận/ Sinh con ra, chất thêm lấy lượng sầu”.
Một mái nhà trống vắng vào dịp cuối năm, nấm mồ cha gió bay lờ mờ nấm cát, thậm chí “không tìm thấy nấm”. Hình ảnh người mẹ lận đận sinh con ra chỉ chất thêm dòng lệ tủi sầu vì cuộc đời trôi dạt. Hình ảnh tháp Hời u uất được tác giả lồng vào càng tạo thêm nỗi u hoài vạn cổ xa xăm, một nỗi buồn như mối mọt của thời gian xưa cũ, chất chứa, tang thương. Có lẽ, đến đây, giọng thơ của bài thơ trầm xuống hẳn như một tiếng thở dài ngao ngán cho phận mình đang lênh đênh trôi dạt. Câu thơ “Ơi lục bình vừa trôi vừa trổ bông” hay ở nhịp điệu và cả hình ảnh. Câu này phải đọc thật chậm, mỗi tiếng cần kéo dài ra, ngân vang mới thấy hết sự mê dụ của ngôn ngữ thơ. Nó như một điểm sáng của lòng yêu đời, của tình cảm thiên lương trong sáng mà tác giả gởi về phía quê nhà, về phía người mẹ già mong mỏi bằng một niềm tin yêu tha thiết: “Nhà trống - tàn niên - chẳng thấy con đâu/ Gió hú mãi trên tháp Hời u uất/ Gió chỉ thổi năm mươi năm không dứt/ Xô ta trôi đến rạch cuối kênh cùng/ Ơi lục bình vừa trôi vừa trổ bông/ Ta với bạn có lẽ nào chìm rã?...”.
Bài thơ như một bản nhạc trầm hùng, có vang ngân cao trào, có trầm lắng suy tư. Sau phút giây lắng lòng nhớ về quá khứ, nhân vật trữ tình xưng “ta” nhập cuộc trở về thực tại với li rượu trong tay nâng lên cùng bạn bè vào một đêm cuối năm nơi đất khách. “Chưa đã”, “thêm một ly”, “thêm ly nữa” lặp lại nhiều lần trong cuộc vui túy lúy đất trời cùng giọng điệu cảm khái thế sự càng tạo thêm nỗi niềm bi tráng về một cuộc nổi trôi vô định: “Rượu cuối năm lòng say mà chưa đã/ Thêm một ly để cảm tạ đất này/ Thêm một ly gởi tới những tầng mây/ Để cuối kiếp ta trôi lên... thường trú/ Thêm ly nữa để thương bờ đất lở/ Mai lở thêm nhà ta cũng trôi thôi!”.
Bài thơ kết thúc bằng tiếng ma Hời thương quê cũ hay đó là tiếng lòng của thi nhân sầu muộn nỗi nhớ nhà? Tiếng pháo Giao thừa đã điểm, cuộc nổi trôi giang hồ đất khách trong đêm cuối năm túy lúy bên chén rượu đắng lòng nhưng chưa đã, nghĩa là người khách tha phương kia vẫn còn tỉnh để nhận mặt quê hương trong bóng mẹ nhòa nơi đất khách. Cái tình ấy mới sâu lắng và cao quý làm sao: “Rượu cuối năm, gió lọt lòng ly/ Vọng tiếng hú ma Hời thương quê cũ/ Đêm viễn xứ vang vang pháo nổ/ Giao thừa! Giao thừa! Hề! Ta lăn quay/ Rượu hết rồi làm sao chết giữa cơn say!...”.
Quả vậy, với nhà thơ - nhạc sĩ Đuynh Trầm Ca, cuộc nổi trôi từ phận mình đến thơ ca quả là cuộc nổi trôi vô định. Nhưng với một con người giàu trái tim yêu thương, dù phiêu lãng tận chân trời góc bể nào, tình đời và tình người vẫn khôn nguôi thương nhớ, tâm trạng hoài cố xứ vẫn da diết trong tim. “Rượu cuối năm bên bờ kinh phương Nam” có lẽ là bài thơ chạm được vào tâm can của nhiều mảnh đời phiêu dạt, khi mà còn đâu đó trên đất nước ta, “chén rượu tha hương chừ đắng lắm” vẫn cất lên trong tiếng vọng nhớ nhà đêm cuối năm.