Gia tài của cô gái “trụ cột” nghề thuốc làng Yên Sơn

GD&TĐ - Ở tuổi 29, Lý Thúy Vân ở làng thuốc Yên Sơn (Ba Vì, Hà Nội) đã là “trụ cột” nghề bốc thuốc của cả dòng họ. Gia tài của cô là gần 500 loại dược liệu cùng kinh nghiệm sử dụng gần 300 năm mà cố nhân để lại...

Lý Thuý Vân gắn bó với cây thuốc từ nhỏ.
Lý Thuý Vân gắn bó với cây thuốc từ nhỏ.

Mỗi tuần 2 - 3 lần, Lý Thuý Vân lại cơm đùm cơm nắm cùng với chiếc gùi cỡ lớn lên rừng Ba Vì hái thuốc từ khi mặt trời vừa ló rạng...

Người kế nghiệp “đi ngược” xu thế

Ở tuổi của Lý Thuý Vân, nhiều bạn bè cùng trang lứa chọn con đường mưu sinh nơi thành phố, họ đi làm cho các công ty nước ngoài, cho các nhà thuốc cổ truyền lâu đời... Nhưng cô gái người Dao lại ngược dòng xu thế.

Cô chọn cách gắn bó với núi rừng Ba Vì, với nghề thuốc truyền thống. Có lẽ vì thế mà Vân thuộc đường rừng hơn đường phố, nhớ mặt trên 400 loại cây thuốc ở vùng núi Ba Vì cùng kinh nghiệm sử dụng trăm năm mà cố nhân để lại.

Lý Thuý Vân có gương mặt phúc hậu, ánh mắt sáng trong, nụ cười hiền dịu cùng nỗ lực học tập duy trì nghề thuốc mạnh mẽ. Cô sống ở nơi thuốc phủ khắp sân, khắp các ngả đường, cây thuốc phủ quanh nhà, mọc khắp những cánh rừng già...

Ngay từ khi mới 5 - 6 tuổi, Thuý Vân đã giúp bố mẹ phơi thuốc, rồi cái mùi vị thơm - đắng của rừng già ngấm vào người như lẽ tự nhiên. Vào mỗi phiên chợ, cô thường theo mẹ đem thuốc ra phố bán để lấy tiền mua gạo, mắm, muối. Phần thưởng lớn nhất mà cô bé nhận được là những chiếc kẹo thơm lừng từ phố thị.

Cứ ngỡ ký ức tuổi thơ của cô gái chân núi Ba Vì sẽ lạc cùng thời gian. Nhưng những viên kẹo thơm ngọt lại là động lực giúp Vân cần mẫn phơi thuốc mỗi ngày. Lớn lên một chút, ngoài việc đi chợ, Vân lẽo đẽo theo mẹ lên rừng hái thuốc như thú vui sau những ngày học tập ở trường...

Rồi qua 10 tuổi, cô bé người Dao đã có thể thoăn thoắt trèo đèo, lội suối như chú nai rừng. Thành quả đổi lại là những mẻ thuốc tốt được đem đổi lấy bữa ăn đủ đầy, cuộc sống thêm tươm tất.

Mỗi tuần, cô gái xóm núi thường có 2 - 3 chuyến băng rừng lấy thuốc về bán và bốc thuốc chữa bệnh.
Mỗi tuần, cô gái xóm núi thường có  2 - 3 chuyến băng rừng lấy thuốc về bán và bốc thuốc chữa bệnh.

“Em đi hái thuốc với mẹ nhiều thành quen. Nhiều cây thuốc chỉ cần nhìn là biết. Ngoài ra, có những loại thuốc hiếm gặp thì em tìm cách nhân giống ở vườn nhà để ghi nhớ đặc điểm cây”, Thuý Vân cho biết.

Theo truyền thống của người dân tộc Dao ở Yên Sơn, người kế nghiệp thuốc chủ yếu là phụ nữ. Khi người con gái đi lấy chồng thì có thể truyền nghề cho con cái trong nhà hoặc anh em dòng họ nhà chồng.

Cách đây độ 10 năm, ngoài mẹ, Thuý Vân còn được bà nội chỉ dạy nhiệt tình. Bà của Thuý Vân là Triệu Thị Nội cũng là người lấy thuốc giỏi ở làng Yên Sơn.

Bà Triệu Thị Nội kể, bốc thuốc ở đây là một nghề giống như bao nghề khác. Mỗi khi có người ở xa nhờ lấy thuốc chữa bệnh bà mới lên rừng hái thuốc. Chữa khỏi bệnh, người dân đến cảm ơn bằng con gà, nắm xôi hoặc chút tiền đáp lễ. Trước đây, người ta gọi là nghề bốc thuốc, nhưng sau này thấy dân gian cứ gọi những người như bà là thầy thuốc.

Nói về Lý Thuý Vân, bà Nội nhoẻn miệng cười: “Trong số các cháu trong nhà, Vân là đứa nhanh nhẹn, có khả năng nhớ nhiều loại cây thuốc nhất. Thêm nữa là khả năng biến hoá trong chẩn đoán bệnh thậm chí tốt hơn các bậc tiền bối. Vì vậy, Vân được chọn là người kế nghiệp bốc thuốc”.

Học để giữ nghiệp cha ông

Học xong lớp 12, Lý Thuý Vân theo học tại Trường Y học Tuệ Tĩnh để phát triển nghề thuốc. Trường học là nơi giúp cô gái xóm núi Ba Vì mở mang kiến thức. Sau này, cô tự tìm cách bảo tồn các loại dược liệu quý như xạ đen, tam thất rừng, sâm núi... và tăng hiệu quả chữa bệnh.

“Học Trường Y học Tuệ Tĩnh là bước ngoặt lớn nhất đối với em. Vì từ đây, ngoài việc bốc thuốc theo kinh nghiệm truyền thống là bắt mạch, kê đơn, em còn có sự trợ giúp của y học hiện đại, bằng kết quả siêu âm, X-quang... từ đó giúp chữa bệnh chính xác hơn.

Ví như bệnh viêm xoang, viêm khớp, gout... sau khi có kết quả xét nghiệm của bệnh viện thì xác định được ổ viêm, mức độ nặng, nhẹ thế nào để phối hợp các loại thảo dược điều trị”, Lý Thuý Vân chia sẻ.

Theo lý giải của Lý Thuý Vân, việc có được sự trợ giúp của Tây y giúp hiệu quả chữa bệnh tăng lên khoảng 40% so với trước. Thời gian điều trị cũng được rút ngắn hơn rất nhiều.

Chẳng hạn, trước đây điều trị viêm khớp, viêm xoang thể nhẹ hết khoảng 2 tháng thì nay có thể rút ngắn xuống 15 - 20 ngày. Nếu bệnh nặng có thể điều trị gần 2 tháng đã thấy tình trạng cải thiện rõ rệt...

Lý Thuý Vân cho biết, cô cảm thấy đam mê đặc biệt với nghề làm thuốc và sẽ cố gắng phát huy những tinh hoa chữa bệnh mà cha ông để lại.
Lý Thuý Vân cho biết, cô cảm thấy đam mê đặc biệt với nghề làm thuốc và sẽ cố gắng phát huy những tinh hoa chữa bệnh mà cha ông để lại.

Lý Thuý Vân cho rằng, ngoài việc chữa bệnh ra người bốc thuốc còn phải giúp cơ thể bệnh nhân tăng cường sức khoẻ. Có sức khoẻ giúp cơ thể đủ sức chống chọi bệnh tật. Giúp cơ thể khoẻ mạnh để tránh bệnh tật vẫn được xem là gốc rễ trong chữa bệnh.

Sau nhiều năm theo bà và mẹ lên rừng hái thuốc, đến nay, Lý Thuý Vân đã trở thành trụ cột trong việc giữ nghề thuốc của gia đình. Đều đặn mỗi tuần, Vân lên rừng hái thuốc về phơi và tự tay bốc thuốc chữa bệnh cho bà con xa gần.

Với sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, cùng kinh nghiệm cha ông để lại, Lý Thuý Vân đã đưa các loại dược liệu của gia đình đến các hội chợ thuốc tại Hà Nội để giới thiệu nghề truyền thống của người dân tộc Dao, cũng như trực tiếp bốc thuốc chữa bệnh cứu người.

“Người dân làng Yên Sơn coi bốc thuốc là một nghề, nó đem lại cuộc sống ấm no cho bà con dưới chân núi Ba Vì. Không những thế, cái nghề trăm năm mà cha ông để lại còn nhận được sự kính trọng của bà con khắp cả nước. Làng Yên Sơn được coi là 1 trong 3 “kinh đô” dược liệu của miền Bắc, bên cạnh làng Nghĩa Trai, Hưng Yên và Ninh Hiệp, Hà Nội”, bà Triệu Thị Nội cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Minh họa/INT

Truyền cảm hứng

GD&TĐ - Lịch sử là môn học góp phần giúp học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan cũng như lòng yêu nước, ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...