Tại buổi thảo luận, lương y Nguyễn Xuân Việt - Phó chủ tịch Hội Nam y Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng môn Tuệ Tĩnh - Nguyễn Kiều cho biết: Tuệ Tĩnh là một Đại danh y của nước ta ở thế kỷ 14, người đã chủ trương xây dựng nền y học Việt Nam với phương châm "Nam dược trị nam nhân" nghĩa là dùng thuốc nam chữa bệnh cho người Việt Nam. Một phương châm rất chính xác thể hiện tinh thần độc lập, tự lực, tự cường của dân tộc ta.
Để ghi nhớ công lao của vị đại danh y, thừa kế phát huy, phát triển y học cổ truyền dân tộc kết hợp y học dân tộc với y học hiện đại, tăng cường khả năng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Năm 1971, Bộ Y tế đã mở trường thuốc Nam mang tên Tuệ Tĩnh, nay là Học viện y dược học cổ truyền Việt Nam.
Người được Thủ tướng Phạm Văn Đồng trực tiếp giao nhiệm vụ thành lập trường Tuệ Tĩnh là lương y Nguyễn Kiều, một thầy thuốc có kiến thức về y học cổ truyền, tâm huyết với sự nghiệp đào tạo các thế hệ tiếp nối và đã có những cống hiến quý báu cho sự nghiệp thuốc nam của nước nhà.
Lương y Nguyễn Kiều sinh năm 1891 tại xã Hòa Long (Lai Vung, Đồng Tháp), vốn là thầy thuốc bắc nổi tiếng song xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân, ông đã theo con đường của Tuệ Tĩnh, say mê nghiên cứu thuốc nam chữa bệnh giúp người lao động. Ông sớm giác ngộ cách mạng, hiệu thuốc của ông đã trở thành địa điểm liên lạc, đồng thời làm kinh tế cho tổ chức cách mạng.
Rất đông đại biểu là các thầy thuốc nam đến dự hội thảo |
Hội thảo cũng giới thiệu một số bài thuốc nam của lương y Nguyễn Kiều. Như bài thuốc "Trật đả đơn giản" chữa trị các loại bệnh do ứng huyết gây ra; giảm sưng đau, các vết bầm tím, đau mỏi các khớp. Bài thuốc này đã trở thành một trong 10 nguồn chữa bệnh độc đáo của Trường Tuệ Tĩnh.
Hiện nay, bài thuốc này được nhiều học trò kế thừa, ứng dụng, phát triển, sản xuất bằng công nghệ hiện đại. Một số bài "Trật đả" của lương y Nguyễn Kiều đã được cấp phép lưu hành trên thị trường, góp phần phát triển thuốc nam chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Hay như bài "Giải phóng cao" chữa dị ứng, mụn nhọt. Bài thuốc này có nguồn gốc từ bài thuốc của gia đình ông nội lương y Nguyễn Kiều, dân quanh vùng quen gọi là cao "Ké Năm Gia" để chữa mụn nhọt, lở ngứa, bướu cổ.
Trong quá trình ứng dụng bài thuốc này, lương y Nguyễn Kiều đã thêm vỏ cây tầm duột, chỉ thiên, kim ngân hoa, thổ phục linh là những vị thuốc có tác dụng giải độc, tiêu độc, kháng viêm để chữa bệnh lậu, giang mai cho bọn tù côn "anh chị" ở Côn Đảo, giác ngộ thuyết phục chúng không nghe chúa đảo và cai ngục chống phá phong trào đấu tranh của tù chính trị. Lương y Nguyễn Kiều lấy công dụng tiêu giải độc để đặt tên bài thuốc là "Giải phóng cao".