Bài học giản dị của cô giáo người Dao

GD&TĐ - Cô Phượng Mùi Nái (Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Chế Là – huyện Xín Mần) là một trong hai giáo viên tiêu biểu của tỉnh Hà Giang được vinh dự về Hà Nội dự lễ tuyên dương kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay.

Cô Phượng Mùi Nái tại Văn phòng Chủ tịch nước dịp gặp mặt Đoàn nhà giáo tiêu biểu với Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh
Cô Phượng Mùi Nái tại Văn phòng Chủ tịch nước dịp gặp mặt Đoàn nhà giáo tiêu biểu với Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh

Nỗ lực mỗi ngày để thành giáo viên giỏi

Trong đoàn giáo viên tiêu biểu toàn quốc năm 2016, cô Phượng Mùi Nái còn rất trẻ. Cô tâm sự mới chỉ vào nghề 5 năm nhưng ước mơ trở thành giáo viên đã được ấp ủ từ khi còn nhỏ. Tự hào về Thủ đô với bộ trang phục dân tộc tự may, cô kể về nơi mình sinh ra – một gia đình người Dao nghèo, thôn Nậm Phang, xã Khuôn Lùng, huyện Xín Mần (Hà Giang). Cùng với đó là ký ức về thời thơ bé khó khăn nhưng giàu tình yêu thương của bố mẹ.

“Là con thứ hai trong gia đình có bốn chị em gái, ngày ngày tôi phải dạy sớm đến trường, vì trường cách nhà gần 6 cây số. Chiều về, tôi lại phải cõng em đi chăn trâu đỡ đần cho bố mẹ. Cứ vậy, lớn lên trong vòng tay đùm bọc của gia đình, nhưng tôi cũng thấu hiểu được phần nào nỗi khó khăn, vất vả mà ngày ngày bố mẹ phải vượt qua. Chính vì vậy, từ sâu trong đáy lòng, tôi luôn tự nhủ mình phải cố gắng học thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ.

Tôi nuôi ước mơ trở thành cô giáo vì thấu hiểu quê hương mình nghèo khó, dân trí chưa cao, trẻ em nơi đây chịu nhiều thiệt thòi về mọi mặt” – giáo viên trẻ xúc động tâm tình.

Sớm hướng bản thân trở thành người có ích cho xã hội, để không chỉ giúp được gia đình mà còn góp phần nhỏ bé cho quê hương, cô Phượng Mùi Nái đã không ngừng cố gắng, trúng tuyển hệ sư phạm ngành Giáo dục tiểu học của Trường CĐ Sư phạm Hà Giang. 3 năm học tập, cô sinh viên người Dao đã đạt kết quả tốt nghiệp loại giỏi.

Bước vào nghề dạy học, đạt được ước mơ, nhưng cô giáo trẻ vùng khó tâm sự sau đó là rất nhiều gian nan vất vả, cần phải nỗ lực từng ngày để vượt qua, trong đó không thể thiếu tình yêu nghề, yêu trẻ.

“Nhớ khi chủ nhiệm lớp 1, tôi có một học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhà cách trường khá xa nên em không thể tự đi học mỗi ngày dù muốn đến lớp. Thấy em thường xuyên nghỉ học, ban đầu, một giáo viên trẻ như tôi cũng không biết mình nên làm gì để giúp đỡ em. Sau đó, suy nghĩ, trao đổi với anh chị em đồng nghiệp, tôi đã tìm ra một cách. Đó là tìm hiểu về anh chị em, bạn bè xung quanh, những người cùng đường với học sinh đó để nhờ họ giúp đỡ đưa em đến trường mỗi ngày.

Từ đó, em được đến lớp thường xuyên hơn. Giờ đã là học sinh lớp 4, em vẫn thầm nhớ và đã nói lời cảm ơn tôi. Câu chuyện nhỏ đó khiến tôi luôn tự nhủ mình phải cố gắng hơn nữa để giúp nhiều học sinh hơn được tới lớp, đến trường” – cô giáo người Dao chia sẻ.

Tình yêu nghề thực sự cũng là động lực giúp cô giáo trẻ luôn nỗ lực và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, trở thành giáo viên giỏi các cấp nhiều năm liền. Ngoài công tác giảng dạy, cô cũng được tin tưởng giao nhiệm vụ là giáo viên Tổng phụ trách Đội của trường.

Cô Phượng Mùi Nái (thứ 3 từ phải sang) cùng các nhà giáo tiêu biểu năm 2016 được Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa tặng ảnh lưu niệm Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch.
Cô Phượng Mùi Nái (thứ 3 từ phải sang) cùng các nhà giáo tiêu biểu năm 2016 được Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa tặng ảnh lưu niệm Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. 

7 kinh nghiệm dạy học vùng khó

5 năm dạy học không dài nhưng cũng đủ để cô Phượng Mùi Nái rút ra những kinh nghiệm quý giúp mình có được những thành công ban đầu trong nghề.

7 kinh nghiệm được cô chia sẻ là: Bản thân phải luôn phải tự học hỏi, trau dồi kiến thức, đúc rút kinh nghiệm; gần gũi với nhân dân, phụ huynh học sinh, thân thiện chia sẻ, tâm sự gần gũi với học sinh; quan sát tìm hiểu hoàn cảnh từng học sinh; học, biết và tập nói tiếng địa phương; vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học phù hợp với vùng miền nơi mình công tác; luôn tâm huyết, yêu nghề mến trẻ và nhiệt tình trong công việc; thân thiện với đồng nghiệp, hiểu và chia sẻ, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Những bài học giản dị, nhưng thực hiện được, thực hiện tốt không hề đơn giản. Bởi Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Chế Là còn vô vàn khó khăn: Cơ sở vật chất phục vụ day học thiếu thốn, thiếu nước, không điện, học sinh đi học xa, đường xá đi lại khó khăn, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày thiếu thốn; ngôn ngữ bất đồng không thuận lợi cho việc vận động học sinh đến trường, đến lớp, không thuận lợi cho truyền tải bài dạy; phụ huynh dân trí thấp, khó khăn cho việc tuyên truyền, vận động các chủ trương chính sách của Đảng chính sách pháp luật của nhà nước về giáo dục...

Với tâm huyết và tình yêu nghề, cô giáo trẻ đã quyết tâm khắc phục phục thiếu thốn cơ sở vật chất bằng cách vận động phụ huynh tu sửa trường lớp, bàn ghế, nơi sinh hoạt của học sinh, thầy cô bằng các vật liệu tre nứa có sẵn. Cô cũng luôn giữ mối liên hệ liên lạc hai chiều với phụ huynh; cập nhật kịp thời tình hình học sinh lớp với trưởng bản để phối hợp giáo dục động viên kịp thời; luôn tâm sự gần gũi với từng học sinh trong lớp; không ngừng học hỏi kinh nghiệm dạy học của đồng nghiệp và những người đi trước…

“Các thầy cô hãy yêu nghề bằng cả trái tim vì sự nghiệp giáo dục vùng cao. Hãy đem cái chữ đến với học sinh, giúp các em vượt lên nghèo khó, thoát khỏi cuộc sống nghèo nàn. Đến với các em bằng cả tấm lòng thấu hiểu và chia sẻ, đừng ngại khó ngại khổ, chỉ có vậy, chúng ta mới thật sự xứng đáng với câu nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý” – cô giáo người Dao gửi gắm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô giáo Nguyễn Thị Chuyên luôn hết lòng tận tụy với các em học sinh.

Cô giáo 'ươm mầm' tri thức trên non cao

GD&TĐ - Bằng sự tận tâm và lòng nhiệt huyết, Cô giáo Nguyễn Thị Chuyên đã có nhiều đóng góp cho ngành GD&ĐT vùng biên huyện Mường Nhé (Điện Biên).