“Nóng” nhu cầu nhân lực ngành hàng không

GD&TĐ - Việt Nam là một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất trên thế giới. Tương lai gần, Việt Nam sẽ cần khoảng 10 hãng hàng không mới. Bên cạnh những thách thức về cơ sở hạ tầng, an ninh, anh toàn, sự cạnh tranh của các hãng… thì thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao đang được xem là một vấn đề “nóng bỏng”.

Nhu cầu nhân lực ngành hàng không đang tăng trưởng mạnh mẽ. Ảnh: Nguồn bayviet.
Nhu cầu nhân lực ngành hàng không đang tăng trưởng mạnh mẽ. Ảnh: Nguồn bayviet.

Khủng hoảng thiếu nhân sự kỹ thuật

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam là một trong những thị trường hàng không phát triển nhất toàn cầu trong một thập kỷ trở lại đây với sự tăng trưởng doanh thu trung bình là 17,4%, cao hơn 2 lần so với mức 7,9% của toàn châu Á. Điều này thể hiện nhu cầu vận tải hàng không rất cao của thị trường nội địa cũng như quốc tế đến Việt Nam.

Mạng đường bay của các hãng hàng không trong nước đã mở rộng rất nhanh với sự tham gia của 5 hãng gồm: Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar, Vasco và Bamboo Airways.

Tại thị trường quốc tế, 71 hãng hàng không nước ngoài và các hãng hàng không trong nước đang khai thác 140 đường bay, kết nối Việt Nam tới 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Báo cáo mới đây của Bộ GTVT trình Chính phủ cho biết, bộ đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành hàng không tiếp tục củng cố các cơ sở đào tạo, huấn luyện đã được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy chứng nhận, bảo đảm duy trì và nâng cao năng lực đào tạo, huấn luyện chuyên ngành hẹp, chuyên sâu phục vụ trực tiếp cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo, phát triển nhân lực ngành hàng không, áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình quốc tế để đánh giá năng lực, chất lượng của các trung tâm đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ hàng không.

Trong tương lai gần, Việt Nam cần khoảng 10 hãng hàng không mới. Nhu cầu lớn đặt ra thách thức về hạ tầng, sân đỗ, an ninh… và sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.

Các chuyên gia hàng không nhận định, một số hãng hàng không của Việt Nam thời gian qua có biểu hiện phát triển nóng, đặc biệt là phát triển đội tàu bay và mạng lưới bay trong khi chưa chuẩn bị các nguồn lực dẫn đến khủng hoảng thiếu nguồn nhân lực chuyên ngành kỹ thuật cao như phi công, thợ kỹ thuật tàu bay…

Về nhu cầu nhân lực phi công, chỉ riêng Vietnam Airlines, hiện có gần 1.200 phi công, song nhu cầu của hãng được tính toán trên cơ sở sản lượng bay, số lượng máy bay khai thác đếnnăm 2020 là 1.340 người…

Nhu cầu phi công của hãng tiếp tục tăng mạnh và cần đến 1.570 phi công vào năm 2025. Tổng quan nhân lực ngành hàng không Việt Nam hiện khoảng 44 nghìn nhân lực, với mức tăng trưởng từ 4 - 5%, dự báo trong giai đoạn 2020 - 2025 ngành sẽ cần trên 58.000 nhân lực.

Doanh nghiệp tham gia đào tạo

Theo ông Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam, đào tạo không theo kịp phát triển nên tình trạng thiếu nhân lực không chỉ ở lực lượng phi công mà còn ở lực lượng khác như: Giám sát bay, quản lý không lưu, kỹ sư máy bay...

Trên thực tế, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã nhanh nắm bắt được nhu cầu cấp thiết về nhân lực ngành hàng không.

Mới đây, Tập đoàn Vingroup đã ký thoả thuận hợp tác với CAE Oxford Aviation Academy - Canada để thành lập Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng không và Trung tâm Huấn luyện bay Vinpearl Air tại Việt Nam, với mục tiêu mỗi năm sẽ cung cấp 400 phi công và kỹ thuật viên tàu bay, đào tạo huấn luyện chuyển loại, nâng cấp và định kỳ cho phi công, thợ máy, huấn luyện nhân viên điều phái bay, tiếp viên hàng không và các nhân viên hàng không khác…

Một “ông lớn” khác là FLC Group cũng vừa khởi công xây dựng Viện Đào tạo Hàng không Bamboo Airways tại Quy Nhơn với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng cho giai đoạn thành lập và phát triển.

Dự kiến, sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động vào năm 2022, viện sẽ đào tạo gần 3.500 học viên mỗi năm, tập trung trong các chuyên môn nghiệp vụ ngành như: Phi công, tiếp viên hàng không, kỹ thuật, khai thác mặt đất, điều hành khai thác bay và các chức năng đào tạo cơ bản…

Như vậy, bên cạnh các cơ sở đào tạo ngành hàng không thuộc quản lý Nhà nước, khối tư nhân cũng đã bắt đầu tham gia sâu vào lĩnh vực này. Đây được xem là một giải pháp hiệu quả cho vấn đề thiếu hụt nhân lực, đồng thời mở ra hàng chục nghìn cơ hội việc làm mới trong ngành hàng không, vốn là ước mơ của nhiều sinh viên, thanh niên hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ