Theo đó, với môn Tiếng Anh, việc chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2026 cần bắt đầu từ việc xây dựng thói quen học tiếng Anh theo định hướng năng lực. Học sinh cần tăng cường luyện đọc, mở rộng vốn từ vựng học thuật, đặc biệt chú trọng kỹ năng phân tích thông tin, xử lý văn bản và lựa chọn ngôn ngữ phù hợp với bối cảnh giao tiếp. Đây sẽ là hành trang quan trọng để các em không chỉ vượt qua kỳ thi, mà còn tự tin sử dụng tiếng Anh trong tương lai học tập và nghề nghiệp.
Với môn Sinh học, thầy cô lưu ý, đề thi không còn kiểm tra ghi nhớ máy móc, mà yêu cầu học sinh =thể hiện năng lực tư duy, phân tích và vận dụng kiến thức vào những tình huống gần gũi với đời sống.
Do đó ngay từ bây giờ, việc học nên chuyển từ “học thuộc” sang “học hiểu” – hiểu cơ chế, bản chất, và mối liên hệ giữa các phần kiến thức.
Khi tiếp cận một nội dung, đừng chỉ học khái niệm, mà hãy tự đặt câu hỏi: Hiện tượng này xảy ra như thế nào? Vì sao lại như vậy? Có thể ứng dụng trong thực tế không?
Bên cạnh đó, học sinh hãy rèn luyện kỹ năng đọc hiểu bảng số liệu, phân tích biểu đồ, xử lý thông tin từ hình ảnh hay tình huống. Làm quen dần với các dạng câu hỏi Đúng/Sai theo ý nhỏ và trả lời ngắn sẽ giúp thí sinh chủ động hơn khi bước vào giai đoạn ôn thi.
Việc bắt đầu sớm không chỉ giúp giảm áp lực sau này, mà còn giúp học sinh xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc; để khi bước vào lớp 12, các em đã sẵn sàng không chỉ để thi, mà để hiểu và làm chủ môn học một cách thực chất.
Với môn Lịch sử, thầy cô cũng lưu ý về đổi mới của đề thi, khi không kiểm tra việc “học thuộc lòng” máy móc sự kiện lịch sử, mà tập trung đánh giá năng lực đặc thù của bộ môn - sử dụng tài liệu lịch sử, giải thích và đánh giá lịch sử cũng như năng lực vận dụng kiến thức lịch sử.
Vì vậy, về kiến thức, học sinh cần nắm chắc kiến thức lớp 12 – phần trọng tâm của đề thi, đồng thời rèn luyện kỹ năng đọc hiểu phân tích tư liệu lịch sử. Hãy học cách phân tích, so sánh các sự kiện và rút ra bài học lịch sử thay vì chỉ ghi nhớ thời gian và nhân vật.
Về lộ trình học tập, các em nên bắt đầu ôn luyện từ sớm, học đến đâu chắc đến đó, thường xuyên luyện tập theo dạng đề thi mới có tích hợp câu hỏi chùm, câu hỏi vận dụng tư liệu và câu hỏi mở. Dành thời gian hệ thống kiến thức, làm sơ đồ tư duy và tự luyện các bài viết ngắn có dẫn chứng lịch sử rõ ràng.
Cuối cùng, hãy giữ thái độ chủ động – tích cực – không sợ khó. Lịch sử là môn học của tư duy, sự hiểu biết và chính kiến. Học để hiểu và để trưởng thành, chứ không phải chỉ để vượt qua kỳ thi.
Môn Địa lí, đề thi có những điều chỉnh quan trọng; một trong những thay đổi lớn là không cho phép sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam trong phòng thi. Điều này đòi hỏi các em 2k8 phải nắm thật chắc kiến thức bản đồ, vị trí địa lí và mối liên hệ không gian. Đồng thời, tỷ trọng các câu hỏi yêu cầu tính toán, xử lý số liệu đang gia tăng, cho thấy đề thi ngày càng đánh giá năng lực thực hành và tư duy logic, thay vì chỉ ghi nhớ máy móc.
Vì vậy, học sinh cần có lộ trình ôn tập hợp lý: Nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, rèn kỹ năng phân tích bảng số liệu, biểu đồ, luyện tập thành thạo các dạng bài tính toán đơn giản và ứng dụng thực tiễn. Đặc biệt, hãy hình thành thói quen tư duy theo logic địa lí – tìm mối liên hệ giữa tự nhiên và kinh tế, giữa hiện tượng và nguyên nhân. Đó là chìa khóa để học tốt môn Địa lí trong giai đoạn mới, bối cảnh mới.