Kể từ thuở sơ khai của ngành hàng không, chim đã là cảm hứng cho những chuyến bay. Giờ đây, với thiết kế mới của Airbus, các kỹ sư một lần nữa lại lấy cảm hứng từ loài chim để cho ra đời thế hệ cánh máy bay mới.
Mẫu máy bay vỗ cánh này tên là AlbatrossOne – một mẫu thu nhỏ của Airbus A321. Nó được chế tạo từ sợi carbon và nhựa gia cố sợi thủy tinh. Đầu cánh được thiết kế có khớp nối và theo kiểu “bán co giãn khí”.
Các đầu cánh có thể “vỗ” tự do này sẽ phản ứng và gập lại trước gió, giảm ảnh hưởng của gió và chống tác động của nhiễu loạn trên không. Điều này dựa trên cảm hứng từ loài chim hải âu – một loài chim biển có thể bay trên không hàng giờ trong thời tiết gió mà không phải ráng sức vỗ cánh quá nhiều.
Kỹ sư Airbus Tom Wilson nói trong một tuyên bố: “Ý tưởng về đầu cánh có khớp nối không phải là mới. Máy bay quân sự đã dùng đầu cánh kiểu này để gập lại, giúp giảm diện tích khi đậu trên tàu sân bay.
Tuy nhiên, AlbatrossOne là máy bay đầu tiên thử nghiệm đầu cánh có thể tự do vẫy kiểu này trong khi bay. Phần đầu cánh này chiếm 1/3 chiều dài cánh”.
AlbatrossOne... |
... lấy cảm hứng thiết kế từ loài chim hải âu. |
AlbatrossOne vẫn đang được thử nghiệm sau một chương trình phát triển kéo dài 20 tháng. Các cuộc thử nghiệm bay đầu tiên đã kết thúc hồi tháng 2.
Airbus sẽ tiếp tục thực hiện nhiều chuyến bay thử nghiệm kết hợp hai phương thức bay, kiểm tra quá trình chuyển đổi giữa hai phương thức khi đầu cánh không khóa trong suốt chuyến bay.
AlbatrossOne là thiết kế mới nhất của Airbus lấy cảm hứng từ chim. Hồi tháng 7, Airbus đã tiết lộ mẫu máy bay “Chim mồi” lấy cảm hứng từ lông tự nhiên của đại bàng, diều hâu và các loài săn mồi trên không khác.