Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Vẫn 'đứng ngoài' dòng chảy tín dụng

GD&TĐ - Hiện, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp, tạo ra khoảng 70% việc làm và đóng góp gần một nửa GDP quốc gia.

Sản xuất bún tại Công ty Bún tươi và bánh phở Nguyễn Bính, TPHCM. Ảnh: Quốc Hải
Sản xuất bún tại Công ty Bún tươi và bánh phở Nguyễn Bính, TPHCM. Ảnh: Quốc Hải

Tuy nhiên, khu vực này chỉ tiếp cận được chưa tới 20% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng.

“Vòng luẩn quẩn” tiếp cận vốn

Ông Nguyễn Đức Linh, Giám đốc Công ty TNHH Khánh Linh (chuyên kinh doanh rau quả sấy khô tại TPHCM) cho hay, mới đây doanh nghiệp đã được vay ngắn hạn 500 triệu đồng vốn lưu động (lãi suất ưu đãi khoảng 6%) và 500 triệu đồng trung và dài hạn để mua sắm máy móc (lãi suất 9%).

“Sau thời gian dài gõ cửa nhiều ngân hàng nhưng vẫn không được vay do tài sản đảm bảo nằm trong vùng quy hoạch treo. Rất may nhờ sự chỉ đạo kịp thời của các cấp, cùng với sự linh động của Ngân hàng Agribank với việc cho vay không tài sản đảm bảo với các phương án sản xuất kinh doanh khả thi nên chúng tôi mới có vốn để tiếp tục phát triển”, ông Linh chia sẻ.

Thực tế, câu chuyện các SMEs khó tiếp cận vốn không phải là mới. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 18/6/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,73 triệu tỷ đồng, tăng 7,14% so với cuối năm 2024, tăng 18,71% so với cùng kỳ năm 2024 (cùng kỳ năm 2024, dư nợ tín dụng tăng 3,87% so với tháng 12/2023).

Hiện đang có đến hơn 100 tổ chức tín dụng phát sinh tỷ lệ dư nợ cho khu vực kinh tế tư nhân. Ngoài ra, có khoảng 209.000 SMEs có phát sinh dư nợ tại tổ chức tín dụng, chủ yếu là tại các ngân hàng thương mại. Như vậy, có tới 78% SMEs không có dư nợ ngân hàng.

TS Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ví von: “Đối với doanh nghiệp, vai trò của tín dụng giống như xăng đối với xe.

Một xe chạy xăng không đổ đầy bình xăng, điều đó có nghĩa rằng là anh không đủ vốn thì anh không thể đi được xa. Vì vậy, các chính sách cung ứng vốn cho nền kinh tế rất quan trọng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp tư nhân”.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho hay, thời gian qua, khi VCCI tiến hành các khảo sát xem vấn đề gì khiến doanh nghiệp khó khăn nhất, câu trả lời là việc khó tiếp cận vốn luôn là khó khăn hàng đầu, cùng với những vấn đề về thủ tục hành chính, về đất đai.

Chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, nếu không có một cơ chế chia sẻ rủi ro, chẳng hạn như bảo lãnh tín dụng từ Nhà nước, hay bảo hiểm rủi ro tín dụng… thì cánh cửa vay vốn đối với SMEs sẽ mãi hẹp.

“SMEs hiện chỉ chiếm chưa đến 10% vốn hóa thị trường cổ phiếu, và gần như vắng bóng trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Vì vậy, dù muốn hay không, các SMEs vẫn phải phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng. Tình trạng này đã dẫn đến một vòng luẩn quẩn là doanh nghiệp nhỏ không có vốn thì không thể đầu tư nâng cấp và do đó lại tiếp tục bị đánh giá là thiếu tiềm năng, thuộc nhóm rủi ro cao… và tiếp tục không được tiếp cận vốn”, chuyên gia này đánh giá.

doanh-nghiep-nho-va-vua-van-dung-ngoai-dong-chay-tin-dung-1.jpg
Công nhân đóng gói thực phẩm tại Công ty Chế biến thực phẩm công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods), TPHCM. Ảnh: Quốc Hải

SMEs cũng phải lớn lên

Theo các chuyên gia, lời giải cho bài toán SMEs gặp khó khi vay vốn không chỉ nằm ở phía ngân hàng, mà còn phụ thuộc vào chính doanh nghiệp. Trong khi hệ thống ngân hàng cần linh hoạt hơn trong xét duyệt, phát triển sản phẩm tài chính phù hợp hơn thì các SMEs cũng phải lớn lên, không chỉ mong được nâng đỡ. Bởi lẽ, những SMEs có năng lực quản trị, có dòng tiền ổn định, có vị trí trong chuỗi cung ứng, bài toán thiếu vốn tín dụng sẽ không còn nan giải.

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm BSA, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao nhấn mạnh, hiện nay việc chuyển đổi số giúp SMEs nâng cao năng suất, giảm chi phí vận hành, mở rộng thị trường và tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn thông qua các nền tảng trực tuyến, thương mại điện tử, dữ liệu lớn, AI... Khi được ứng dụng đúng cách, công nghệ số có thể tạo ra đòn bẩy mạnh mẽ, giúp các SMEs cạnh tranh sòng phẳng hơn với các đối thủ lớn.

Song song đó, chuyển đổi xanh hướng tới các mô hình sản xuất, tiêu dùng thân thiện với môi trường lại giúp SMEs đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao từ người tiêu dùng, đối tác quốc tế và các tiêu chuẩn xuất khẩu xanh đang dần trở thành bắt buộc. Đặc biệt, việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải và quản trị ESG không chỉ nâng cao uy tín thương hiệu, mà còn mở ra cơ hội tiếp cận vốn, thị trường và đối tác toàn cầu.

Nhìn ở góc độ thị trường, chuyên gia tài chính Trương Hiền Phương cho hay, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp kinh doanh vốn và vô cùng nhạy cảm với thanh khoản nên ưu tiên trên hết là khả năng thu hồi vốn.

Do đó, để dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, trước tiên các SMEs phải chứng minh được hiệu quả kinh doanh. Doanh nghiệp cũng cần chủ động minh bạch dòng tiền, nâng cao năng lực quản trị, đưa ra những phương án kinh doanh khả thi thì mới dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Cùng với đó, Nhà nước cần cải cách thể chế, cho doanh nghiệp tư nhân cơ hội tiếp cận bình đẳng các nguồn lực đất đai, khoa học công nghệ, dữ liệu… Đồng thời, Nhà nước cần mở ra thị trường vốn với các kênh huy động đa dạng hơn, giảm gánh nặng cho phía ngân hàng.

“Nếu tháo gỡ những ‘điểm nghẽn’ trong lĩnh vực cho thuê tài chính để ngành này đạt mức tăng trưởng 18% - 20%/năm, sẽ góp phần vực dậy và kích thích kinh tế tư nhân phát triển”, ông Phương nhận xét.

Trong khi đó, TS Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh, một nội dung quan trọng tại Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân là khuyến khích việc cho vay vốn không chỉ dựa trên tài sản thế chấp, mà phải chuyển sang cho vay dựa trên dòng tiền. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này cần phải gỡ bỏ các rào cản trong hệ thống pháp luật.

Theo ông Tuấn, hiện nay, từ nghị định đến thông tư vẫn còn tồn tại những quy định gây trở ngại cho các ngân hàng thương mại khi áp dụng hình thức cho vay theo dòng tiền. Do đó, cơ quan chức năng cần sớm rà soát và loại bỏ những quy định bất cập này để tạo điều kiện cho hoạt động tín dụng được vận hành một cách an toàn và hiệu quả hơn.

“Thay vì chỉ cho vay các khoản có tài sản bảo đảm, ngân hàng cần được tạo điều kiện để mở rộng tín dụng cho những doanh nghiệp có luồng tiền tốt, có lịch sử tuân thủ pháp luật rõ ràng, được đánh giá là có tiềm năng, kể cả khi chưa có tài sản thế chấp”, ông Tuấn khuyến nghị.

Theo thống kê của VCCI, hiện nay khu vực kinh tế tư nhân có 940.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách, sử dụng khoảng 8% tổng số lao động và tạo việc làm. Đáng lưu ý, trong số 940.000 doanh nghiệp hoạt động, khoảng 97% có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, doanh nghiệp lớn và quy mô vừa chỉ chiếm 3%. Đặc biệt, việc tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp còn rất khó khăn. Theo báo cáo của VCCI năm 2024, hơn 70% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ