Trẻ mầm non làm quen tiếng Anh - cần thống nhất chuẩn đánh giá

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tại TPHCM, sau gần 3 năm triển khai Thông tư 50 của Bộ GD&ĐT về chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mầm non, chất lượng dạy học đã nâng cao.

Trường Mầm non Phước Bình cho trẻ làm quen với tiếng Anh đã hơn 10 năm nay.
Trường Mầm non Phước Bình cho trẻ làm quen với tiếng Anh đã hơn 10 năm nay.

Qua đó đáp ứng nhu cầu cho trẻ tiếp cận ngoại ngữ sớm, tạo nền tảng kiến thức, kỹ năng vững chắc ở các bậc học tiếp theo.

Trẻ hứng thú, phụ huynh đồng tình

Hơn 10 năm nay, Trường Mầm non Phước Bình (TP Thủ Đức) đã liên kết với Trung tâm tiếng Anh để giúp trẻ mầm non làm quen ngoại ngữ tuần/2 buổi đối với các lớp từ 3 - 5 tuổi. Cô Nguyễn Thị Tuyến, Hiệu trưởng, cho biết, trường có 650 trẻ/14 lớp, việc triển khai cho trẻ làm quen môn Tiếng Anh hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện đăng ký của phụ huynh.

Cũng theo cô Tuyến, trẻ làm quen chương trình tiếng Anh ở lứa tuổi mầm non đang nhận được sự ủng hộ của đông đảo phụ huynh. Với phương pháp động học trong giảng dạy, trẻ được học và trải nghiệm tiếng Anh qua các giác quan chính như chạm - nghe - nhìn và vận động, giúp kích thích sự khám phá, ham học hỏi, nâng cao hiệu quả học tập.

“Giáo viên cho trẻ tiếp xúc, thẩm thấu tiếng Anh một cách tự nhiên qua các hoạt động. Trẻ không phải ngồi yên đọc từng dòng, chữ, tập viết, mà học qua hoạt động âm nhạc, vận động ngoài trời, học thông qua chơi, chơi mà học... Quá trình giáo viên trung tâm giảng dạy, nhà trường đánh giá giáo trình, dự giờ và chất lượng thường xuyên để đảm bảo chất lượng, hiệu quả”, cô Tuyến nói.

Tương tự, Trường Mầm non 19 Tháng 5 (Quận 12) cũng đưa môn Tiếng Anh vào trường từ năm 2019, đến nay 100% trẻ mẫu giáo đã làm quen. Cô Nguyễn Thị Từ Tâm, Hiệu trưởng, chia sẻ, lúc đầu một số phụ huynh còn e dè, lo lắng khả năng tiếp thu của trẻ, tuy nhiên sau quá trình triển khai, thấy được hiệu quả thực tế nên rất phấn khởi, ủng hộ. Mỗi tháng trường liên kết với giáo viên trung tâm tiếng Anh dạy 10 buổi cho trẻ theo giáo trình My Adventure (8 buổi giáo viên người Việt Nam, 2 buổi giáo bản ngữ).

Bà Phạm Thúy Hà, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Quận 4, cũng cho rằng trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh theo Thông tư 50 ngày 31/12/2020 của Bộ GD&ĐT được trải nghiệm, hình thành hứng thú, phát triển năng lực giao tiếp, phản xạ ngôn ngữ tiếng Anh sớm và tự nhiên. Trên cơ sở đó, các em được chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, tự tin bước vào tiểu học.

Giờ học tiếng Anh của trẻ Trường Mầm non 19 Tháng 5.

Giờ học tiếng Anh của trẻ Trường Mầm non 19 Tháng 5.

Cần thống nhất chuẩn đánh giá

Theo TS Nguyễn Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS, THPT quốc tế Canada, thực tế cho thấy, nhiều trường có chương trình giáo dục bằng tiếng Anh hoặc song ngữ đều phù hợp với xu hướng đổi mới giáo dục. Xét về góc độ khoa học, giáo dục có nhiều nghiên cứu với kết quả khác nhau về việc cho học sinh làm quen ngoại ngữ hoặc ngôn ngữ thứ hai bằng tiếng mẹ đẻ. Song cơ bản đều chỉ ra việc học tiếng Anh không có nguy hại nào mà chỉ tốt cho trẻ.

Tuy nhiên, TS Huyền khuyến nghị: Việc cho trẻ làm quen tiếng Anh từ tuổi mầm non phải lưu ý cách thức tổ chức. Luôn nhớ rằng, ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ phải được ưu tiên, bởi nó phát triển bản sắc và giúp trẻ nhận biết mình người nước nào, nói ngôn ngữ nào, cũng là phương tiện để trẻ giao tiếp với cộng đồng của mình. Nếu quá đề cao học tiếng Anh, coi nhẹ tiếng mẹ đẻ, sẽ gây hậu quả đối với trẻ.

Tại Hội thảo “Làm quen tiếng Anh bậc mầm non theo chuẩn quốc tế và ứng dụng CNTT trong khảo sát năng lực ngoại ngữ” mới đây tại TPHCM, bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng GDMN (Sở GD&ĐT TPHCM), cho biết, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt 8 chương trình làm quen tiếng Anh dành cho trẻ sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non.

Đến nay, TPHCM có 1.240/1.305 trường tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh (tỉ lệ 95%), trong đó 423 trường công lập, 817 trường ngoài công lập. Đối với chương trình được Bộ thẩm định phê duyệt, quá trình tổ chức thực hiện, đến nay chưa có tiêu chí đánh giá năng lực. Vì vậy, để đảm bảo kết quả thực hiện như mong đợi, cần có bộ tiêu chí đánh giá năng lực tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo các độ tuổi.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, cho biết, thành phố luôn quan tâm đến chất lượng trẻ mầm non làm quen tiếng Anh. Điều này phụ thuộc vào đội ngũ giảng dạy cũng như cách thức đánh giá. Vì thế, Sở đã ký thỏa thuận ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn EMG Education và Pearson nhằm giới thiệu chuẩn năng lực tiếng Anh cho trẻ mầm non trên địa bàn. Cùng đó, Sở quan tâm đến công nghệ khảo sát năng lực tiếng Anh để kịp thời điều chỉnh quá trình dạy học và khả năng tiếp cận ngôn ngữ của trẻ.

“Việc khảo sát năng lực ngoại ngữ của học sinh không đặt nặng mục tiêu trẻ 3 tuổi phải đạt yêu cầu kiến thức, kỹ năng, 4 tuổi phát triển ra sao… mà cần công cụ đánh giá linh hoạt để có định hướng giảng dạy phù hợp. Các trường mầm non phải quán triệt tinh thần, gia đình cho trẻ làm quen với tiếng Anh hoàn toàn tự nguyện, và không gây áp lực”, ông Hiếu chia sẻ.

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM, cho biết, Sở GD&ĐT TP không chủ trương tổ chức thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh đối với trẻ mầm non. Việc giáo viên tổ chức khảo sát, đánh giá thường xuyên trong quá trình tổ chức giảng dạy qua các trò chơi, tương tác của trẻ có thể mang lại nhiều lợi ích như cải thiện hiệu quả giảng dạy và học tập. Đồng thời qua đó giúp giáo viên, phụ huynh hiểu rõ hơn trình độ ngoại ngữ của trẻ để đưa ra các phương pháp giảng dạy và học tập phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.