Trẻ mầm non làm quen tiếng Anh: Vẫn “khan” nhân lực

GD&TĐ - Phát triển đa ngôn ngữ từ sớm được chuyên gia giáo dục khẳng định cần thiết và đóng vai trò quan trọng cho quá trình phát triển chung của trẻ.

Làm quen tiếng Anh sớm giúp trẻ tăng cường khả năng giao tiếp. Ảnh: NTCC
Làm quen tiếng Anh sớm giúp trẻ tăng cường khả năng giao tiếp. Ảnh: NTCC

Tại Lào Cai, ngành Giáo dục đã quan tâm và đáp ứng nhu cầu của nhiều bố mẹ mong muốn cho trẻ mầm non (MN) làm quen với tiếng Anh. Tuy nhiên, việc triển khai còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ. 

Nhu cầu từ thực tế

Ông Đỗ Văn Tân – Trưởng phòng GD&ĐT Sa Pa cho biết: Nhu cầu cho trẻ MN làm quen tiếng Anh từ phụ huynh khá nhiều bởi các em sống và học tập gắn liền với môi trường phát triển du lịch.

Đáp ứng nguyện vọng trên, ngành Giáo dục Sa Pa đã có 17/21 trường MN triển khai hoạt động này. Các trường MN ở trung tâm thị xã Sa Pa triển khai sâu, rộng hơn so với các trường vùng khó.

Tại huyện Bắc Hà – Lào Cai, nơi du lịch đang phát triển mới chỉ có 4/20 trường MN tổ chức cho trẻ MN làm quen tiếng Anh với người nước ngoài, đạt tổng số 13 lớp/444 trẻ.

Theo ông Bùi Văn Tiến – Trưởng phòng GD&ĐT Bắc Hà, cho trẻ MN làm quen với tiếng Anh hoàn toàn dựa trên cơ sở nhu cầu và nguyện vọng của phụ huynh. Các trường triển khai đa số ở vùng thuận lợi, HS có nhu cầu phát triển và giao tiếp bằng tiếng Anh cao hơn. Còn với trường vùng khó, chưa có điều kiện tổ chức, tỷ lệ trẻ theo học các lớp làm quen tiếng Anh không đồng đều giữa các độ tuổi, các trường. Không có trường nào đạt tỷ lệ 100% trẻ từ 3 - 5 tuổi đăng ký.

Tại thành phố Lào Cai, tỷ lệ các trường MN triển khai cho trẻ làm quen với tiếng Anh cao hơn hẳn với 29/31 trường (cả công lập và tư thục). Tỷ lệ trẻ làm quen tiếng Anh đạt 5.662/8.800 (64,3%). Số trẻ làm quen tiếng Anh chủ yếu ở lớp 5 tuổi, với tỷ lệ 50 - 60% ở mỗi trường.

Cô Nguyễn Thị Hiền – Hiệu trưởng Trường Mầm non Linh An (thành phố Lào Cai) cho hay: Từ nhu cầu của phụ huynh, nhà trường đã triển khai lớp cho trẻ làm quen tiếng Anh. Với trẻ 5 tuổi đạt 70%; trẻ 3, 4 tuổi đạt 50 - 60%. Nhu cầu cho trẻ làm quen tiếng Anh từ sớm của phụ huynh tăng hàng năm, trẻ MN được làm quen với tiếng Anh sớm cũng có kiến thức nền tảng, kỹ năng giao tiếp tốt hơn khi bước vào bậc học tiếp theo.

Chị Hà Hồng Gấm có con 5 tuổi học Trường MN Hoa Đào (thị xã Sa Pa) bày tỏ: Sau quá trình làm quen với tiếng Anh, con đã mạnh dạn hơn. Gặp khách du lịch, con có thể nói được những câu cơ bản như: Chào hỏi, giới thiệu tên tuổi, hỏi thăm sức khỏe, nơi tới… Gia đình rất vui và thấy quyết định cho con làm quen tiếng Anh từ mẫu giáo là đúng đắn và cần thiết.

Cho trẻ làm quen tiếng Anh qua trò chơi tại Trường Mầm non Linh An (thành phố Lào Cai). Ảnh: NTCC
Cho trẻ làm quen tiếng Anh qua trò chơi tại Trường Mầm non Linh An (thành phố Lào Cai). Ảnh: NTCC

Gỡ khó nguồn nhân lực

Mới đây, Sở GD&ĐT Lào Cai có hướng dẫn thực hiện Chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo trong các cơ sở giáo dục MN tại Lào Cai. Theo đó, phải bảo đảm các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất tối thiểu, sĩ số trẻ theo độ tuổi/lớp (lớp mẫu giáo 3 - 4 tuổi: 25 em; mẫu giáo 4 - 5 tuổi: 30 em; mẫu giáo 5 - 6 tuổi: 35 em)

Cùng đó, các cơ sở giáo dục MN cũng phải bảo đảm nguyên tắc và phân bổ thời lượng đủ 35 tuần/năm, tối thiểu 2 hoạt động làm quen tiếng Anh/tuần, mỗi hoạt động từ 25 - 30 phút. Giáo viên (GV) sẽ phải cập nhật, bổ sung văn bằng, chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao, mở rộng chuyên môn nghiệp vụ vào hồ sơ lưu trữ…

Đây là những điều kiện được các cấp quản lý đánh giá hợp lý. Tuy nhiên, khó khăn hơn cả là thiếu GV tiếng Anh.

Ông Đỗ Văn Tân chia sẻ: Tỷ lệ HS đăng ký làm quen tiếng Anh tăng hàng năm, song ngành Giáo dục chưa thể đáp ứng 100%. Tới nay, nhiều trường vùng sâu, khó khăn của Sa Pa vẫn chưa thể triển khai. Nguyên nhân chính do thiếu GV giảng dạy. Mặt khác, GV tiếng Anh cho bậc MN cũng chưa có biên chế nên không thể tuyển dụng.

Ngoài ra, ông Tân cũng lo lắng khi chương trình tiếng Anh giảng dạy tại các cơ sở giáo dục MN chủ yếu do các trường xây dựng, chưa được đánh giá, góp ý kiến trên diện rộng. Để bảo đảm khung chương trình, sự phù hợp với trẻ theo vùng, miền, lứa tuổi, tâm lý… cần có hội thảo lớn hơn trong ngành để đánh giá, thống nhất, chia sẻ kinh nghiệm.

Bà Nguyễn Thị Huệ - Phó Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Lào Cai nêu quan điểm: Để thực hiện cho trẻ làm quen với tiếng Anh tại thành phố Lào Cai nghiêm túc, đạt hiệu quả, vào đầu năm học phòng GD&ĐT đã thành lập tổ cốt cán tiếng Anh để tổ chức dạy thử. Nếu GV nào đáp ứng điều kiện, chất lượng, trình độ, năng lực phù hợp, các trường có thể lựa chọn để hợp đồng giảng dạy tại trường. Mặt khác, cuối năm nhà trường tổ chức khảo sát để đánh giá chất lượng trẻ sau quá trình làm quen tiếng Anh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.