Đổi mới quản lý giáo dục
Trong hơn 10 năm qua, các quy định về tự chủ và trách nhiệm giải trình các trường công lập đã có nhiều bước phát triển. Nghị định 43 đã mở rộng trao quyền tự chủ cho các trường học, góp phần nâng cao số lượng và chất lượng dịch vụ GD-ĐT; Tạo điều kiện cho người dân có thêm cơ hội lựa chọn, tiếp cận các dịch vụ GD-ĐT với chất lượng ngày càng cao, đồng thời, góp phần cải thiện từng bước thu nhập của giáo viên, nhân viên tại các nhà trường.
Mặc dù có quy định chung về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập song mức độ tự chủ của các trường phổ thông rất khác nhau. Nhìn chung, trường ở vùng thành phố có quyền tự chủ cao hơn so với vùng khó khăn, nông thôn; Trường tư được quyền tự chủ cao hơn trường công lập.
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, Học viện Quản lý Giáo dục cho rằng, quyền tự chủ cho nhà trường là một phần của cơ chế phân cấp quản lý hệ thống giáo dục. Mục tiêu của việc trao quyền tự chủ cho nhà trường là nhằm nâng cao chất lượng và công bằng giáo dục bằng việc thay đổi quyền lực và mối quan hệ của nhà trường với chính quyền địa phương trong vấn đề tài chính.
Tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình trong trường học là một trong những tiêu điểm của đổi mới quản lý giáo dục Việt Nam. Nếu như trước đây quản lý trường học nặng về hành chính, luôn chấp hành và triển khai theo các hướng dẫn, chỉ dẫn cụ thể thì tự chủ nhà trường hướng đến các trường chủ động đề ra định hướng phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể.
Người học, cha mẹ học sinh đang dần trở thành khách hàng của hệ thống giáo dục và tham gia vào quản lý giáo dục ở cấp độ trường học sẽ đòi hỏi việc quản lý trường học phải tạo điều kiện thuận lợi cho nâng cao chất lượng học tập của học sinh thông qua các điều kiện giáo dục, cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên… để đạt đến mục đích cuối cùng là đảm bảo công bằng, hiệu quả và chất lượng giáo dục ở Việt Nam.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Theo ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, tự chủ đối với ở trường phổ thông cũng là một xu hướng. Tuy nhiên, xu hướng này mới bắt đầu triển khai, bởi vì chúng ta chỉ tự chủ được ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội tốt, khả năng xã hội hóa GD tốt, chỉ tập trung vào những đô thị lớn, các địa bàn có thể thí điểm hoạt động của nhà trường trong khối phổ thông, còn đối với cấp tiểu học và mầm non thì không nhiều.
Chính vì thế không nên quy định cụ thể trong các điều khoản quy định trong Luật GD, nên có quy định mang tính định hướng để các cơ sở hướng đến việc này. Trên cơ sở đó, các cơ quan Nhà nước, cụ thể là Bộ GD&ĐT sẽ ban hành văn bản hướng dẫn, định hướng các điều kiện và định hướng về tự chủ của các trường phổ thông.
Thực tế trong việc tự chủ, chất lượng quản lý càng tốt thì kết quả đầu ra càng cao. Các trường công tự chủ thì chất lượng đầu ra tốt hơn. Vấn đề quan trọng đặt ra là các trường thưc hiện quyền tự chủ như thế nào? Đó là sự hiện diện của một hội đồng trường có động lực, có tầm nhìn đồng thời gắn quyền tự chủ với trách nhiệm giải trình.
Tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình trường học là một trong những tiêu điểm của đổi mới quản lý giáo dục Việt Nam. Đây là nhân tố cơ bản thúc đẩy trường học có thể tạo ra những điều kiện tốt hơn cho dạy và học, là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản lý trường học tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Chất lượng quản lý càng tốt thì chất lượng đầu ra càng cao.