Hội nghị tập trung thảo luận về 4 nhóm chính sách lớn của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo đại học gồm: Mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học; Đổi mới quản trị đại học; Đổi mới quản lý đào tạo; Đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học.
Góp ý tại hội nghị, GS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhìn nhận, dự thảo luật đề cập sâu rộng về vấn đề tự chủ đại học. Tự chủ đại học mở ra khả năng mới, tạo ra động lực cho phát triển đại học.
Đáng mừng là dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã thể hiện được nhiều nội dung theo tinh thần trên. Nếu theo dự thảo luật thì các trường được giao thêm quyền tự chủ và tạo điều kiện để các trường phát huy quyền tự chủ tốt nhất, phục vụ cho nâng cao chất lượng giáo dục.
GS Đào Trọng Thi |
Còn theo PGS Trần Thị Tâm Đan – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề xuất, cần có chế tài trong tự chủ đại học và có định hướng phát triển quy mô.
Mức độ tự chủ, lộ trình thực hiện tự chủ cũng là một trong những vấn đề được quan tâm trong quản lý và cần có chính sách rõ ràng.
Góp ý về cơ cấu tổ chức của trường đại học tư thục, PGS Đặng Bá Lãm – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, cần quy định tiêu chí của “trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận” trước khi quy định cơ cấu tổ chức loại hình trường này.
PGS Trần Thị Tâm Đan |
Theo PGS Đặng Bá Lãm, các trường đại học tư ở Việt Nam có các hình thức góp vốn sau: thứ nhất, vốn của một công ty sản xuất, kinh doanh; thứ hai vốn của một gia đình và thứ ba là vốn của một tập thể những người góp vốn.
Theo cách góp vốn nào cũng có thể hoạt động theo kiểu trường phi vụ lợi, hay nói cách khác là hoạt động không vì lợi nhuận hoặc hoạt động để thu lợi như một tổ chức kinh doanh.
“Tuy nhiên, Luật phải phân định rõ ràng loại hình đó và có chính sách phù hợp với từng loại hình. Những người thành lập và điều hành trường phải theo đúng quy định và nhất quán giữa tuyên bố và việc làm” - PGS Đặng Bá Lãm đề xuất.