Vượt qua tổn thương tâm lý trong dịch Covid-19

GD&TĐ - Nhiều vấn đề tâm lý nảy sinh khi phải học online và ở nhà vì giãn cách xã hội trong thời gian dài, chuyên gia đưa lời khuyên đặc biệt hữu ích với trẻ bị tổn thương bởi biến cố do Covid-19.

Học sinh có thể tham gia văn nghệ online giữa giờ học trực tuyến.
Học sinh có thể tham gia văn nghệ online giữa giờ học trực tuyến.

5 vấn đề tâm lý thường gặp

Theo TS Hoàng Anh Phước, Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐHSP Hà Nội, 5 vấn đề về tâm lý cơ bản HS thường gặp khi chuyển sang học theo hình thức online và ở nhà trong thời gian dài liên quan đến thể chất, học tập, giao tiếp, gia đình và các vấn đề tâm lý liên quan đến xã hội.

Cụ thể, vấn đề tâm lý liên quan đến sức khỏe thể chất HS có thể gặp phải như: Ăn uống không ngon miệng; khó ngủ hoặc ngủ nhiều; sụt cân hoặc tăng cân quá nhiều; mệt mỏi, đau mắt, nhức đầu vì ngồi trước màn hình lâu, không gian sinh hoạt chật chội, bí bách, giao tiếp xã hội hạn chế, điều kiện kinh tế gia đình hạn hẹp…

Liên quan đến học tập, trong thời gian học online và phải ở nhà quá lâu nên HS có thể bị mất tập trung, giảm hứng thú và động cơ học tập; cảm thấy chán học, hoặc căng thẳng trong học tập. Về giao tiếp, nhiều HS cảm thấy cô đơn, bối rối, buồn, quan hệ bạn bè giảm sút, kém chất lượng; nguyên nhân bởi thiếu đi sự tương tác bạn bè, thiếu tương tác cảm xúc khi giao tiếp bị hạn chế. Khi tham gia vào mạng xã hội ảo nhiều, HS trở nên ngại giao tiếp tương tác thật, có thể thu mình hoặc giao du thái quá và bị lệ thuộc vào bạn bè trên mạng xã hội…

Liên quan đến gia đình, cảm xúc tiêu cực có thể đến từ chỗ ở chật chội, mối quan hệ không hòa thuận giữa các thành viên trong gia đình, tương tác và kết nối kém trong gia đình. Các thành viên khác trong gia đình cũng gặp khó khăn riêng (như cha mẹ mất việc do dịch bệnh, hay cáu gắt…) dẫn đến HS bị phơi nhiễm những cảm xúc tiêu cực trên…

Với những vấn đề tâm lý có liên quan đến xã hội, hằng ngày HS tiếp nhận nhiều thông tin trên truyền thông về dịch bệnh, tệ nạn, khó khăn, thiếu thốn của mọi người… cũng dẫn đến lo lắng, căng thẳng, bất an.

Phụ huynh cần tạo một sân chơi nhỏ cho con tại nhà.
Phụ huynh cần tạo một sân chơi nhỏ cho con tại nhà.

Vượt qua cảm xúc tiêu cực

Chia sẻ cách ứng phó gần gũi, dễ áp dụng với những vấn đề tâm lý gặp phải như trên, PGS.TS Trần Lệ Thu (Trường ĐHSP Hà Nội), cho biết: Với nhóm khó khăn tâm lý liên quan đến sức khỏe thể chất, HS cần chủ động chăm sóc bản thân; lên kế hoạch sinh hoạt khoa học:

Ăn, ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc; thời gian ngủ nên trước 10 giờ 30 phút tối và thức dậy vào giờ phù hợp để kịp ăn uống, học online mà không quá cập rập. Cùng với đó, tập thể dục hàng ngày, vận động nhẹ nhàng trong giờ học, có thể nhắm mắt khi nghe bài giảng hạn chế nhìn màn hình máy tính...

Với những vấn đề tâm lý liên quan đến học tập, bí kíp đầu tiên là suy nghĩ tích cực; chủ động mở lòng chia sẻ với thầy cô, cha mẹ, người thân về khó khăn của mình để nhận được sự trợ giúp. HS lên thời gian biểu, chuẩn bị trước tài liệu, máy tính, thiết bị học tập. Khi học căng thẳng, có thể vận động nhẹ nhàng, hít thở thật sâu để thư giãn; trong khi học nên có quãng nghỉ để thay đổi tư thế, không ngồi quá lâu trước màn hình. HS nên có một số vật dụng giúp thư giãn sau giờ học như đánh đàn, chơi bóng, gấp giấy…

Với HS gặp khó khăn tâm lý liên quan đến giao tiếp, hãy cố gắng chủ động chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của mình với bạn bè, người thân hay bất kì ai mà mình thấy tin tưởng.

Cùng với đó, giữ thói quen vận động và tập thể dục nhẹ nhàng hàng ngày. Thiết lập thời gian sử dụng điện thoại, Internet trong ngày hợp lí. Cố gắng nói chuyện, tương tác với bạn bè, người thân trong gia đình nhiều hơn.

“Cố gắng giữ suy nghĩ tích cực, nói với nhau về những điều tích cực. Các con cũng có thể “gọi tên” ra những căng thẳng của mình, chủ động cởi mở để cùng chia sẻ, không nên trở thành một “ốc đảo” riêng trong gia đình của mình” - PGS.TS Trần Lệ Thu đưa lời khuyên.

Khi có vấn đề tâm lý liên quan đến gia đình, HS nên tìm đến người mà mình yêu thích để chia sẻ, không nên giữ trong lòng và chịu đựng một mình; giữ khoảng cách với thành viên mà bản thân thấy không hợp; tìm đến những thú vui của bản thân như nghe nhạc, xem phim hài… HS cũng không nên tìm hiểu sâu, quá nhiều về những thông tin liên quan đến dịch bệnh hay tệ nạn xã hội, mà dành thời gian làm công việc gia đình, như nấu cơm, dọn nhà cửa, nấu một món ăn mình yêu thích, làm bánh, cắm hoa…

Cần sự hỗ trợ của các nhà tâm lý chuyên nghiệp

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội), cho rằng: Với nhiều HS, đặc biệt HS là F0, hoặc bị mất người thân trong đại dịch Covid-19, thì đây là một khoảng thời gian đáng sợ và tổn thương. Bên cạnh đó, những hạn chế do Covid-19 khiến việc đáp ứng nhu cầu tâm lý của trẻ, việc gặp người thân lần cuối cũng trở nên khó khăn hơn và không thể đáp ứng.

Với nhiều người lớn, nói về cái chết là một cấm kỵ, và chúng ta thường tránh nói về nó. Tuy nhiên, cách thức đúng là hãy trung thực với trẻ em cùng thật nhiều tình yêu thương. Việc né tránh thực tế làm cho tâm lý trẻ bị ảnh hưởng xấu hơn, bởi các em có thể hình dung về những điều chưa biết một cách không chính xác, tồi tệ hơn thực tế; hoặc trẻ có thể có mặc cảm tội lỗi.

Khi nói chuyện, người lớn hãy cung cấp cho trẻ những thông tin cần thiết; chuẩn bị cho trẻ biết trước những dấu hiệu khủng hoảng có thể xảy ra và cho trẻ thấy rằng mình luôn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ. Tùy vào độ tuổi của trẻ mà cung cấp thông tin một cách phù hợp. Sẽ không khôn ngoan nếu nói về những vấn đề trẻ không thể hiểu.

“Một nghi thức có thể làm dịu bớt đau khổ tâm lý của trẻ là những nghi lễ, nghi thức để thừa nhận sự qua đời. Ví dụ, cùng nhau tham gia buổi gặp trực tuyến với những người quan trọng khác trong cuộc đời của trẻ vào một thời điểm cụ thể. Tất cả sẽ cùng nhau chia sẻ những câu chuyện về người thân yêu, cùng nhau hát, cùng nhau chia sẻ những khoảng lặng.

Trẻ em có thể được mời vẽ một bức tranh đặc biệt để gửi người đã khuất và chia sẻ nó trên mạng. Hãy để các em biết rằng không thể quay ngược lại thời gian nhưng chúng ta có thể kiểm soát việc lưu giữ những hình ảnh, kỷ niệm đẹp về người đã khuất” - PGS Trần Thành Nam gợi ý.

Với những trẻ đang trải qua sang chấn mạnh, để giúp các em ổn định lại tinh thần, việc lắng nghe một cách chú tâm là điều cần thiết. Nhấn mạnh điều này, theo PGS Trần Thành Nam, nếu có thể hãy gọi video thay vì gọi điện thoại.

Hãy trao cho các em sự chú ý hoàn toàn trong ánh mắt; chân thành lắng nghe bằng cả trái tim mình. Người lớn cũng cần chu đáo và tôn trọng, ở bên nhưng không ép trẻ nói. Có thể nhẹ nhàng hỏi về những nhu cầu, những mối lo lắng của các em để đáp ứng trong giới hạn có thể. Đồng thời, hướng dẫn các em một số bài tập thư giãn đơn giản để bình tĩnh lại.

Về lâu dài, nếu những biểu hiện đau buồn của các em không thể nguôi ngoai sau 6 tuần, ảnh hưởng đến việc học tập và các hoạt động sinh hoạt khác, cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nhà tâm lý lâm sàng và nhà tâm thần học. Trong lúc này, xã hội cần có những mô hình tình nguyện hỗ trợ chuyên môn từ giảng viên các trường đại học có kinh nghiệm về tham vấn trị liệu tâm lý.

Cần có trách nhiệm xã hội từ các Hiệp hội Tâm lý nhà nghề của Việt Nam để hỗ trợ các nhóm trẻ đang tổn thương này một cách miễn phí bên cạnh các kênh hỗ trợ chính thống khác của Chính phủ như đường dây Tổng đài hỗ trợ trẻ em 111.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quang Hải cân nhắc tiếp tục xuất ngoại.

Quang Hải chuẩn bị xuất ngoại?

GD&TĐ - Quang Hải hiện đang nhận được sự quan tâm của một số câu lạc bộ ở Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Thái Lan nên cân nhắc xuất ngoại thêm một lần nữa.