Là bố mẹ, đừng khiến con tổn thương tâm lý vì những hành vi này!

Dưới đây là 9 hành vi vô tình của bố mẹ nhưng lại có thể làm tổn thương nặng nề đến tâm lý và sức khỏe tinh thần của con.

Là bố mẹ, đừng khiến con tổn thương tâm lý vì những hành vi này!

1. Cãi nhau trước mặt con

Trẻ con luôn quan sát rất kĩ hành động của bố mẹ. Khi bố mẹ cãi nhau trước mặt trẻ, trẻ sẽ cảm thấy như “tất cả là lỗi tại mình”, và “mình chẳng làm được gì” nên mới khiến bố mẹ giận. Ngoài ra, với nhận thức còn non nớt, trẻ dễ nghiêm trọng hóa vấn đề khi nghĩ là bố mẹ cãi nhau thì sẽ bỏ nhau, và bỏ cả trẻ nữa.

la bo me dung de nhung hanh vi vo tinh nay khien con ton thuong phunutoday
Ảnh: minh họa

2. Nói dối con

Bố mẹ thường nghĩ trẻ con “thì biết gì” nên đôi khi vô tư nói dối con những lời tưởng như vô hại, hoặc hứa rồi lại không làm. Kì thực, những lời nói dối này ảnh hưởng rất xấu đến tâm lý và nhân cách của con. Trẻ bị nói dối nhiều sẽ không còn tin tưởng bố mẹ nữa, nên sau này khi có chuyện, thay vì kể và hỏi ý kiến bố mẹ thì trẻ sẽ tự tìm hiểu và giải quyết một mình. Hơn nữa, bố mẹ thường xuyên nói dối cũng khiến trẻ cảm thấy nói dối là việc có thể chấp nhận được và trẻ cũng làm được.

3. Vi phạm giao thông trước mặt con

Chỉ một hành động nhỏ tưởng như chẳng có gì, nhưng vừa thiếu an toàn, vừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ. Những hành động vi phạm luật, nội quy ở nơi công cộng (qua đường không đúng chỗ, vứt rác vừa bãi, vượt đèn đỏ,…) của bố mẹ đều có thể hình thành cho trẻ một thói quen thiếu tôn trọng đối với luật lệ và quy tắc. Bố mẹ như thế nào thì trẻ cũng sẽ bắt chước theo như vậy. Bạn có muốn con mình sau này là người thiếu văn minh – lịch sự, hành xử tùy tiện vì lợi ích cá nhân không?

4. Lúc nóng lúc lạnh

Đương nhiên không phải lúc nào bạn cũng có thể giữ thái độ bình tĩnh và yêu thương đối với con, nhất là khi trẻ không nghe lời và làm rối tung mọi thứ. Nhưng hãy giữ thái độ của bạn ở một mức ổn định. Động viên con, vỗ về con lúc vui; khuyên răn con, mắng con nghiêm khắc lúc giận,… - đừng lúc nóng lúc lạnh, khi nhiệt tình khi lại lạnh nhạt, ngó lơ trẻ. Như vậy sẽ khiến trẻ có tâm lý hoang mang, không biết phải làm sao để lại khiến bố mẹ vui lòng và yêu thương mình, dần dần, trẻ sẽ dễ lo sợ, đắn đo và có cảm xúc không ổn định.

5. Hỏi con yêu bố hơn hay yêu mẹ hơn

Đối với bạn, đó có thể là câu hỏi đùa vui, nhưng trẻ sẽ suy nghĩ nghiêm túc để trả lời bạn. Vì thế, hành động tưởng như vô hại này có thể ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ. Bắt con chọn giữa bố và mẹ cũng giống như bảo chúng chọn chân hay tay, tay trái hay tay phải vậy… con sẽ có cảm giác mất mát và xa cách hơn với một trong hai người.

6. Phân biệt đối xử giữa con và những đứa trẻ khác

Nếu bạn thiên vị con mình, chúng sẽ nghĩ mình muốn gì được nấy, cảm thấy như “ông hoàng bà chúa” có quyền đòi hỏi mọi lúc mọi nơi. Ngược lại, nếu bạn thiên vị những đứa trẻ khác để “ra vẻ” cao thượng, công bằng – điều đó lại khiến con tổn thương bởi cảm giác bị bỏ rơi. Tóm lại, hãy đối xử với những đứa trẻ như nhau.

7. So sánh con với “con nhà người ta”

la bo me dung de nhung hanh vi vo tinh nay khien con ton thuong phunutoday
Ảnh: minh họa

Mỗi đứa trẻ đều có khả năng riêng của chúng. So sánh con mình với “con nhà người ta” là cách nhanh nhất để bạn… hủy diệt sự tự tin của con mình, khiến chúng mãi mãi không dám phát huy sở trường vì không được bố mẹ coi trọng. Hãy nghĩ đến những ngày bạn còn thơ bé, bản thân cảm thấy khó chịu thế nào khi bị bố mẹ đem ra so sánh với người khác, thì con bạn cũng sẽ cảm thấy như vậy.

Bố mẹ cũng không nên phê bình con trước mặt bạn bè, với quan niệm muốn con xấu hổ mà sửa đổi. Ngược lại, hành vi đó sẽ khiến lòng tự tôn của trẻ bị tổn thương, sinh ra oán giận bố mẹ mà muốn phản kháng, hành động ngược lại.

8. Coi thành tích của trẻ như điều đương nhiên

Có nhiều ông bố bà mẹ, khi con sai thì mắng nhiếc rất thậm tệ, thậm chí có đủ mọi thứ hình phạt, nhưng khi con làm tốt thì chẳng bao giờ động viên, khen thưởng kịp thời, mà chỉ coi điều đó như lẽ đương nhiên. Như vậy, trẻ sẽ dễ sinh tâm lý chán nản, áp lực, lúc nào cũng sợ mình làm sai và không dám chia sẻ với bố mẹ những băn khoăn của mình.

9. Không nói cảm ơn, xin lỗi

Gia đình là trường học đầu tiên của mọi đứa trẻ. Nếu ngay từ những lời đơn giản như cảm ơn, xin lỗi cũng bị bỏ qua, thì làm sao bạn có thể dạy cho trẻ hiểu những bài học phức tạp hơn? Lời cảm ơn và xin lỗi sẽ giúp trẻ biết rằng, bố mẹ dù là người lớn nhưng vẫn có lúc cần giúp đỡ, có lúc phạm sai lầm – vì vậy trẻ cũng hoàn toàn có thể nhờ đến sự giúp đỡ của người khác lúc cần, có thể phạm sai lầm nếu sau đó biết nhận sai và sửa chữa.

Theo phunutoday.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ