Tìm sự công bằng cho Giáo dục Tiểu học

GD&TĐ - Như chúng ta đều biết, giữa kinh tế và giáo dục có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Chính phủ kêu gọi tư nhân thành lập doanh nghiệp. Giáo dục cũng vậy, nên kêu gọi toàn dân góp sức chung tay cùng nhà nước chăm lo cho học sinh, đặc biệt là cấp tiểu học.

Xe đưa đón học sinh
Xe đưa đón học sinh

Học sinh tiểu học, học cả ngày ở trường là một điều bình thường của những nước phát triển. TPHCM được Bộ GD&ĐT công nhận Phổ cập tiểu học năm 1995 và theo kế hoạch, chậm nhất là 10 năm sau, năm 2015 sẽ có 100% học sinh tiểu học được học bán trú.

Khi Luật cư trú ban hành, tất cả trẻ em đều được đến trường không cần hộ khẩu, làn sóng nhập cư mỗi ngày đông hơn, trường lớp dù được xây thêm cũng không đáp ứng được nguyện vọng rất chính đáng của các bậc cha mẹ cả ngày đi làm, lo cho con có chỗ ăn học để sáng đưa chiều đón mà yên tâm hoàn thành công việc. 

Xin nhắc lại chuyện giao thông thời bao cấp. Khi đi xa, phải xin giấy giới thiệu, giấy đi đường (nếu là nhân viên nhà nước) ra bến xe xếp hàng chỗ bán vé ưu tiên, công dân cũng xếp hàng chờ bán vé.

Có khi xếp hàng rất lâu mới có vé chính thức. Mua được vé thật là hạnh phúc vì vé chợ đen cao gấp nhiều lần. Mọi người ao ước, đến bến xe mua được vé là thấy vui lắm rồi.

Ngày nay, chính sách giao thông thay đổi và phát triển. Ngồi nhà, cầm điện thoại alo là có xe đón tận nơi ra bến lên xe giường nằm. Nhưng hành khách còn muốn nhanh hơn nên phi trường ngày nay đông đúc và phải chờ đợi như bến xe ngày xưa.

Vậy làm thế nào để khi bé vào lớp 1 có người đến nhà làm thủ tục nhập học và đưa bé đến trường? Tôi vẫn mong ngày ấy sẽ đến gần để các ông cha bà mẹ và cả đứa trẻ thấy mình là trung tâm của nền giáo dục Việt Nam hiện đại.

Với nhiều thành phần kinh tế, xã hội có nhiều tầng lớp khá giả và họ mong muốn cho con cái được học và chăm sóc tốt nhất.

Xếp hàng vào lớp

Xếp hàng vào lớp

Ăn trưa tại trường

Ăn trưa tại trường 

Trên cơ sở đó người viết xin nêu ra đề xuất:

1. Tất cả các trường tiểu học TPHCM đều dạy một buổi theo chương trình chính khóa quốc gia của Chính phủ ban hành. Đây là chương trình chính quy, bắt buộc đảm bảo tính giáo dục, tính công bằng cho tất cả học sinh tiểu học của nước Việt Nam.

2. Sĩ số học sinh một lớp tối đa là 25 – 30HS.

3. Buổi thứ hai (không bắt buộc, hoàn toàn do phụ huynh lựa chọn cơ sở thuận tiện và mức học phí phù hợp của gia đình) do tư nhân đảm nhiệm bằng hình thức là Trung tâm chăm sóc học sinh tiểu học.

Trung tâm (TT) hoạt động theo quy chế của do UBND Thành phố ban hành. Quy mô tổ chức đa dạng, nhiều mức độ khác nhau (có sân thể thao, hồ bơi, phòng biểu diễn văn nghệ, thư viện, xưởng vẽ, phòng triển lãm...), có nhà ăn được tổ chức việc ăn nghỉ thật khoa học, mang tính giáo dục.

Tổ chức dạy ngoại ngữ bằng các phương tiện tiên tiến nhất của thế giới; có xe đón đến trường, đón về TT để ăn, nghỉ và đưa về tận nhà sau 1 ngày học tập; tổ chức các chuyến tham quan, cắm trại, trải nghiệm (kể cả ở nước ngoài); tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ phong phú, rèn kỹ năng sống, phương pháp học tập và trải nghiệm vận dụng theo các nước tiên tiến.

Mức phí do phụ huynh đóng góp, tùy theo quy mô và các lãnh vực hoạt động giáo dục của TT mà phụ huynh hoàn toàn tự do lựa chọn.

TT chăm sóc học sinh tiểu học do Sở GD&ĐT thẩm định và cấp phép. Hoạt động của TT được cấp phép là 10 năm (để dần dần Thành phố xây trường, đào tạo giáo viên, tiến tới học cả ngày). 

4. Giáo viên hoàn thành nghĩa vụ tại trường công lập có quyền ký hợp đồng làm cho TT. (Đây là hình thức tạo điều kiện cho giáo viên tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, giáo viên phấn đấu dạy tốt, mẫu mực sẽ có nhiều TT mời cộng tác theo mức lương thỏa thuận. Nghề giáo sẽ được coi trọng. Giải tỏa áp lực cho hiệu trưởng dành thời gian thực hiện chức năng của nhà giáo dục. Trường Sư phạm tuyển sinh viên vào ngành tốt hơn và chính Trường Sư phạm phải đổi mới cho kịp sự tiến bộ mà thời đại yêu cầu).

5. Mỗi quận/huyện có 1- 2 trường bán trú dành cho gia đình chính sách, gia đình thật sự cần sự giúp đỡ của nhà nước, của xã hội, của các tổ chức từ thiện và khuyến học. Điều kiện do địa phương ban hành và hỗ trợ cho trường hoạt động.

6. UBND Thành phố bắt đầu vào năm học 2017-2018 chuẩn bị thành lập một bộ phận chuyên môn để nghiên cứu và soạn thảo các cơ sở pháp lý, nội dung, hình thức, quy mô và những vấn đề liên quan về chăm sóc, giáo dục học sinh tiểu học buổi thứ hai tại các TT. 

Tổ chức hội thảo chuyên đề lấy ý kiến trong xã hội, ý kiến các nhà khoa học giáo dục (kể cả nước ngoài), các tập đoàn giáo dục đang hoạt động tại thành phố, các tầng lớp phụ huynh và các thành phần muốn đầu tư, đóng góp, xây dựng giáo dục nước nhà.

Tổ chức cho chuyên gia soạn thảo quy chế đi nghiên cứu và học tập (thật sự học tập) tại các nước tiên tiến.

7. Sở GD& ĐT kêu gọi và thành lập các TT thí điểm trong năm học 2018-2019, sau đó đúc kết để UBND Thành phố ban hành Quy định về thành lập TT chăm sóc học sinh tiểu học buổi thứ hai.

8. Bộ phận được UBND Thành phố giao trách nhiệm có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giải thích cho nhân dân để phụ huynh đồng hành với nhà nước chăm sóc tốt nhất cho học sinh tiểu học. Đồng thời kêu gọi các tổ chức, TT, Tập đoàn giáo dục quốc tế tham gia đầu tư.

Trên đây là giải pháp nếu chúng ta tiến hành một cách quyết tâm, chu đáo; tổ chức thật khoa học và hết lòng với học sinh, thật sự sẽ là bước đi mạnh mẽ, là một sự đổi mới, tạo sự chuyển biến toàn diện để phụ huynh yên lòng, người dân lo xây dựng thành phố thông minh, để giáo dục thật sự chính là niềm tin cho mọi gia đình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.