Cần sự liên thông giữa hai cấp học

GD&TĐ - Tiếng Việt là công cụ giúp trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) tiếp cận nền giáo dục chất lượng và học tập hiệu quả các môn học. Để làm tốt công tác giúp trẻ DTTS học tốt tiếng Việt rất cần có sự đảm bảo liên thông giữa hai cấp học Mầm non (MN) và Tiểu học (TH) giúp trẻ có tâm thế tốt, tự tin bước vào lớp 1 và học tập tốt hơn ở các cấp học tiếp theo.  

 Cần sự liên thông giữa hai cấp học

Đảm bảo việc dạy tiếng Việt cho trẻ DTTS

Ở cấp MN, các cô giáo đã giúp trẻ củng cố vốn tiếng Việt từ khi trẻ ra lớp đến khi trẻ "tốt nghiệp" MN bước vào môi trường mới – lớp 1. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trẻ kỹ năng nghe, nói chưa được tốt, rất khó khăn khi vào học lớp 1.

Việc giúp trẻ làm quen với chữ cái, con số ở cấp MN là cần thiết, vì vậy giáo viên MN phải làm sao hướng dẫn trẻ biết cách cầm bút, tư thế ngồi đúng để trẻ có thể tự tô đồ nét chữ, biết và thuộc được 29 chữ cái và 10 con số đầu (từ 1 đến 10).

TS. Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: Việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS trước khi bước vào lớp 1 là hết sức cần thiết giúp trẻ mạnh dạn, tự tin và học tập tốt hơn.

Bởi, khi bất đồng ngôn ngữ giữa trẻ và cô sẽ không hiểu nhau khiến trẻ trở nên rụt rè, nhút nhát, thiếu tự tin, không biết bày tỏ nguyện vọng của mình cũng như nhu cầu của mình và chất lượng học tập sẽ thấp.

Khi không có ngôn ngữ cô và trẻ sẽ như đi trong đêm tối mà không có đèn pin. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lưu ban, bỏ học ở trẻ vùng DTTS nhiều hơn so với vùng đồng bằng.

Để khắc phục một phần khó khăn đó, Bộ GD&ĐT với sự tham mưu tích cực của Vụ Giáo dục Mầm non, Vụ Giáo dục Tiểu học, ngày 2/6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1008 phê duyệt Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ MN, học sinh TH vùng DTTS giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2025.

Điều đó cho thấy rằng không phải bây giờ chúng ta mới tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS mà từ trước chúng ta đã làm rồi, các địa phương rất linh hoạt, rất chủ động và đã có nhiều tài liệu phục vụ dạy và học.

Tuy nhiên giờ đây có Đề án của Thủ tướng chúng ta làm sẽ tốt hơn và chất lượng hơn, đặc biệt Hội nghị hôm nay tập huấn có cả cấp học MN và TH thì hiệu quả của nó lại càng nâng lên bởi vì Giáo dục MN và Giáo dục tiểu học có sự liên thông.

Với cấp học MN, hoạt động chủ đạo là chơi và học qua chơi. Cho nên ở cấp học MN chúng ta chưa gọi là hoạt động học mà mới chỉ là hoạt động làm quen, giúp trẻ phát triển ngôn ngữ gồm có 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết.

Còn ở cấp TH các em đã chuyển từ hoạt động chơi sang hoạt động học là chủ đạo và đã có hẳn một môn là tiếng Việt. Cho nên giữa trẻ 5 tuổi và trẻ lớp 1 có một sự liên thông, tiếp nối, cho nên giữa giáo viên MN và TH cần phải có sự phối kết hợp để có thể đáp ứng được nhu cầu cho nhau.

Hội thảo này là dịp để các giáo viên hai cấp học MN và TH cùng trao đổi về các vấn đề để tăng cường tiếng Việt cho trẻ, ngoài việc thực hiện nội dung như đã nêu trên thì một trong những yếu tố về phương pháp là giáo viên phải tạo được môi trường tiếng Việt cho trẻ. Làm tốt công việc này, tại các địa phương đã có nhiều sáng kiến.

Đồng thời đây cũng là dịp hết sức ý nghĩa giúp cho 2 cấp học MN và TH cùng thảo luận về lĩnh vực ngôn ngư tiếng Việt cho trẻ. Hai cấp học cần khắc phục những khó khăn về rào cản ngôn ngữ cho trẻ DTTS để nâng cao chất lượng dạy – học vùng DTTS, đảm bảo được sự liên thông giữa cấp học.

Cần có sự liên thông giữa 2 cấp học Mầm non và Tiểu học

Tại Hội thảo "Tăng cường tiếng Việt cho học trẻ MN và học sinh TH người DTTS" năm 2017 cũng đưa ra những cách giải quyết những liên thông giữa hai cấp học MN và TH. Làm sao để giúp trẻ bắt nhịp giữa hoạt động chơi sang hoạt động học; Vấn đề liên thông phát triển ngôn ngữ ở mức độ nào với trẻ MN?; Những vấn đề còn tồn tại giữa các cô giáo MN và TH, tìm cách khắc phục những khó khăn?...

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh cho biết: Thực hiện nội dung nghe nói, GV phải thực hiện đúng quy định với trẻ; nội dung làm quen với đọc, viết ở cấp MN là tiền để để cho các em bước vào lớp 1 (cấp TH).

Cho nên việc dạy trẻ nhận biết hết bảng chữ cái và làm quen với đọc, viết là cần thiết. Để việc dạy và học đạt kết quả tốt, trước hết GV phải chuẩn về phát âm, sau đó mới đến các kỹ năng giúp trẻ làm quen đọc, viết.

Cấp học MN trẻ mới chỉ làm quen với chữ cái và con số ở mức độ tập tô đồ nét chữ và con số, giúp trẻ phát triển được các hoạt động vận động tinh. Nhưng khi lên TH, việc học đọc, viết của trẻ là hoạt động chính (hoạt động học) thì việc cầm bút và tư thế ngồi phải đúng.

Tuy nhiên ở cấp học MN giáo viên MN chưa được đào tạo bài bản như TH, cho nên để có tính liên thông giúp trẻ tự tin và có kiến thức tốt nhất, rất cần tập huấn về việc dạy trẻ làm quen với đọc, viết trước khi vào lớp 1 cho giáo viên MN.

Cô giáo Hoàng Thị Thu Phương, giáo viên trường MN Kiến Sơn (Phú Thọ) cho biết: Giáo viên MN chỉ hướng dẫn trẻ làm quen với đọc, viết còn việc dạy thì dành cho cấp học TH.

Bởi vì hoạt động học của trẻ MN là học qua chơi. Hoạt động chơi là chủ yếu cho nên trẻ MN khi học cũng rất nhanh thuộc bài nhưng cũng nhanh quên nên có em đã được làm quen với đọc viết ở lớp 5 tuổi và đã thuộc bảng chữ cái và số nhưng khi vào lớp 1 các con lại quên hết.

Khi được các cô TH dạy lại con mới nhớ dần dần... Bởi vậy rất hoạt động dạy chúng tôi nghĩ để cấp TH dạy các con sẽ tốt hơn.

Cô Hoàng Thị Dung, giáo viên MN Phong Thổ (Lai Châu) cho biết: Các cháu MN DTTS hầu hết khi ra lớp mới học tiếng phổ thông nên trước khi bước vào lớp 1 các cháu mới chỉ có một số vốn tiếng Việt ít ỏi nên việc dạy các các con làm quen với đọc, viết tiếng Việt còn ở MN còn gặp nhiều khó khăn.

Việc giúp trẻ tập tô, đồ các nét chữ ở cấp MN là cần thiết để trẻ có thể đáp ứng tốt các kỹ năng cần thiết về đọc, viết trước khi vào lớp 1 song cũng còn nhiều khó khăn.

Là giáo viên trực tiếp đứng lớp nhiều năm, điều chúng tôi quan tâm nhất là làm thế nào để giúp trẻ biết được tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Việc biết viết, biết đọc khi các cháu vào lớp 1 các cô giáo TH sẽ dạy cho các cháu.

Để trẻ DTTS được tiếp cận với nền giáo dục chất lượng cao thì tiếng Việt là công cụ giúp trẻ DTTS thực hiện được điều này. Bởi vậy cấp học trước phải là tiền đề để cấp học sau phát triển và học tập tốt hơn. Vậy nên với trẻ MN DTTS cần được tăng vốn tiếng Việt và sự hiểu biết về môi trường, tự nhiên, xã hội quanh trẻ. Trẻ MN chỉ yêu cầu được làm quen với chữ cái, đọc, viết, lên TH các em sẽ bắt đầu học và tiếp tục luyện tiếng Việt: nghe, nói, đọc, viết. Thực hiện tốt các bước đi một cách vững chắc, tin rằng trẻ DTTS sẽ học tốt tiếng Việt và tiếp cận được nền giáo dục chất lượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.