Thầy Nhất gây sốt mạng: Động lực của tôi là nụ cười học sinh

GD&TĐ - Cứ đam mê và cháy hết mình với từng tiết dạy, từng hoạt động của nhà trường, ... rồi bỗng một ngày thầy Nhất dạy nhạc trở thành hiện tượng - cái tên hot trên mạng xã hội vì quá "phiêu" và thu hút học sinh bằng thứ năng lượng mang tên nhiệt huyết.

"Hot teacher" năm 2018 - Nguyễn Duy Nhất và các học trò
"Hot teacher" năm 2018 - Nguyễn Duy Nhất và các học trò

Hành trình trở thành "hot teacher"

Hot teacher của năm 2018 có tên đầy đủ là Nguyễn Duy Nhất, có thâm niên 7 năm kinh nghiệm "quẩy" tưng bừng cùng sự hồn nhiên của các em học sinh tiểu học.

"Tôi không có kinh nghiệm gì để chia sẻ, chỉ đơn giản là mình show hết khả năng, tùy hoàn cảnh mà vận dụng. Trong những năm đứng lớp, tôi có nhiều lần chuyển công tác, khi thì dạy cấp 2, lúc thì dạy cấp 1 nhưng học sinh ở đâu cũng vậy, cấp nào cũng vậy, học sinh rất đáng yêu và hiếu động. Tôi rất thích học sinh hiếu động vì tôi cũng thuộc dạng tăng động chứ chẳng đùa...", thầy Duy Nhất hài hước chia sẻ.

Từ năm 2014, trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ, Hà Nội) là ngôi trường tiểu học đầu tiên thầy Nhất được đứng lớp.

"Ban đầu mọi thứ thật khó khăn, học sinh lớp 1,2 nhỏ xíu nhưng lắm chuyện ghê, nghịch ngợm, thiếu tập trung... nói chung lên lớp lúc nào cũng phải mất công sắp xếp. Học sinh lớp 3,4,5 thì chẳng vấn đề gì hết...Tôi cứ lên lớp là đàn hát, là chém gió về Sơn Tùng MTP, về Noo Phước Thịnh...

Thế rồi sau nhiều giờ lên lớp, tôi thấy thế này không ổn lắm. Tôi muốn phải khác cơ, phải làm sao để mỗi tiết học có hiệu quả hơn nữa, phải chất lượng hơn nữa, học sinh phải thật vui vào... Và thầy Nhất bắt đầu ra tay", thầy âm nhạc vui tính hồ hởi chia sẻ.

Kế về hành trình thay đổi, xây dựng "thương hiệu" của mình, thầy Nhất cho biết: "Ban đầu tôi thay đổi phong cách, mặc đồ dễ chịu hơn, bỏ qua mấy quả sơ mi, quần vải đóng thùng đi, giày tây cũng để ở nhà, thay vào đó là quần jean, giày lười, áo co giãn... cho đẹp trai.

Ngồi trên máy tính, tôi lựa chọn những bài hát hot nhất nhưng vẫn phù hợp với học sinh, bên cạnh đó còn chọn những bài trong sách giáo khoa có nhạc vui nhộn, hay ho nhất rồi mang tới lớp đổi món cho học sinh. Các trò đợi đấy, có quà rồi.

Bắt đầu thay đổi thực sự, lên lớp với vẻ bề ngoài năng động, thầy Nhất vẫn vác đàn, vẫn to mồm như mọi khi nhưng hôm nay khác hơn chút đó là ổn định lớp bằng một điệu nhảy vui nhộn. Cả lớp vẫn ồn như một thói quen, học sinh lớp 1 vẫn không nhìn thấy thầy trên bục giảng, nhưng âm nhạc vang lên với loa đàn mở hết cỡ với một bài hát quen thuộc mà tụi nhỏ cực kì yêu thích “MÌNH ĐI ĐÂU THẾ BỐ ƠI” thế là cả lớp nhún nhảy tưng bừng, chúng còn phấn khích hơn ở chỗ thầy Nhất đang quẩy trên bục giảng.

Hay quá chúng nó chú ý rồi, thầy được thể kêu to “các bạn nhỏ ơi, nhảy theo thầy nào...!!!” thế là cả vũ trường vừa nhảy vừa hát ầm ĩ sang cả lớp hàng xóm... cả tiết học như 1 cái chợ nhưng mà cực vui.

Clip điệu nhảy "Đàn gà con" gây sốt cộng đồng mạng

Thấy phương pháp dụ học sinh vào nhảy múa có vẻ OK, tôi bắt đầu áp dụng với tất cả các lớp, với các khối thì... trời ơi hiệu quả ngoài sức tưởng tượng luôn. Đầu giờ khởi động, học sinh hứng thú rồi thì thầy trò lại nói chuyện bằng đàn hát, bằng nội dung của bài học đó. Và thế là thầy Nhất hot hơn cả Sơn Tùng MTP từ dạo đó.

Sau những tiết học vui vẻ và mệt nhoài như vậy, tôi thực sự rất vui, làm gì cũng cười được, về nhà cũng không phải lăn tăn điều gì cả vì tôi được là chính mình, được học sinh ủng hộ, được Ban Giám hiệu "bật đèn xanh".

Động lực từ nụ cười của học sinh

Thầy Nhất tâm sự rằng: Đã có nhiều đồng nghiệp, nhiều phụ huynh, nhiều đơn vị báo đài hỏi rằng, tôi lấy động lực, nhiệt huyết ở đâu để hàng ngày lên lớp với tinh thần và ngọn lửa luôn rực cháy như vậy... Tôi chỉ muốn nói 1 điều, đó là “NỤ CƯỜI CỦA HỌC SINH”.

Những tiết học sau này tôi lựa chọn cách tiếp cận học sinh như vậy, được làm những thứ không ai hiểu gì mà cấm..., được học sinh yêu mến hơn, được thấy chúng cười sảng khoái quả thật đi làm cực kì thoải mái.

Rồi những hoạt động nghệ thuật, văn nghệ của trường tôi cũng quậy như vậy nữa, đầu giờ các buổi học là thầy Nhất cầm micro hướng dẫn học sinh nhảy múa thay cho các động tác tập thể dục khô khan, hát những bài hát thật ngộ nghĩnh. Từ đấy tôi là bạn nhảy của học sinh chứ không chỉ là thầy giáo nữa. Được Ban Giám hiệu ủng hộ và tạo điều kiện nhiều hơn nên tôi nghĩ, chả tội gì mà không cho học sinh được chơi như học, học như chơi.

"Niềm vui của các em làm tôi quên hết mệt mỏi. Tôi không muốn học trò thất vọng về mình, càng không muốn bản thân mình không hài lòng công việc mình đang làm.

Khẳng định với mọi người rằng, ai không được hít thở bầu không khí khi học sinh vây quanh, được nghe chúng cười vang lớp, được nhìn thấy chúng chỉ trỏ ngạc nhiên,... thì thật là lãng phí 1 đời được làm thầy giáo" - 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.