Với những tranh luận sắc bén trong phần thi hùng biện, thí sinh Hứa Thị Phương Nhung, lớp K4LUATA đã hoàn toàn chinh phục Ban giám khảo để giành giải Nhất cuộc thi.
Năm 2019, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chọn là năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Trước hiện trạng nhức nhối về xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em gái, đây được cho là cuộc thi hùng biện thu hút sự chú ý của rất nhiều sinh viên khoa Luật nói riêng cũng như sinh viên Học viện phụ nữ Việt Nam nói chung.
Để có mặt tại vòng chung kết, các thí sinh đã phải trải qua vòng sơ loại, 10 thí sinh có phần thể hiện tốt nhất được chọn đứng trên sân khấu đêm chung kết. Các thí sinh tham gia tranh tài ở hai phần thi: hùng biện đối kháng và hùng biện phản xạ.
Phần thi hùng biện đối kháng, các thí sinh đã đưa ra quan điểm, bảo vệ quan điểm của mình đầy thuyết phục. Ban giám khảo đã chọn ra 5 thí sinh xuất sắc nhất tiếp tục tranh tài ở phần thi hùng biện phản xạ. Phần thi diễn ra khá hấp dẫn bởi nó thể hiện khả năng ứng biến, diễn thuyết thông minh, nhanh nhạy, lập luận sắc sảo, thuyết phục của các thí sinh.
Chung cuộc, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho thí sinh Hứa Thị Phương Nhung - lớp K4LUATA; giải Nhì thuộc về 02 thí sinh: Nguyễn Văn Tuấn - lớp K5LUATA và Huỳnh Thị Mai Anh - lớp K5LUATA; giải Ba được trao cho 02 thí sinh: Trần Quang Thắng - lớp K6LUATC và Huỳnh Tấn Vấn - lớp K6LUATC.
Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao giải “Thí sinh được yêu thích nhất bình chọn qua mạng xã hội” cho thí sinh Trần Quang Thắng – lớp K6LUATC.
Tham gia cuộc thi này, thí sinh có cơ hội được các chuyên gia, giảng viên có kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực pháp luật chia sẻ kinh nghiệm, trang bị thêm kiến thức, đào tạo những kỹ năng cần thiết giúp thí sinh tự tin hơn.
Đại diện Ban tổ chức cuộc thi, TS. Lương Văn Tuấn - Phó trưởng Khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam chia sẻ:
“Thông qua cuộc thi này, chúng tôi mong muốn tạo môi trường cho các bạn sinh viên khoa Luật giao lưu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức pháp luật về bình đẳng giới, về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội là phụ nữ và trẻ em.
Bên cạnh đó, cuộc thi cũng là nơi tìm kiếm những sinh viên vững kiến thức pháp luật, kỹ năng hùng biện để đào tạo, bồi dưỡng và cử đi tham dự các cuộc thi hùng biện với các trường đại học, học viện trong cả nước. Đồng thời phát động phong trào chung tay bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trước các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Sự thành công của cuộc thi sẽ là tiền đề để Câu lạc bộ Nghề luật tổ chức cuộc thi hùng biện thường niên và mở rộng quy mô”.