Hội thảo sẽ có sự tham dự của NGND.TS Đặng Huỳnh Mai, Nguyên thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; bà Phan Thị Quỳnh Như, Phó trưởng ban Gia đình xã hội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thúy, Cán bộ Chương trình Quốc Gia về Quản trị Nhà nước, UN Women Việt Nam; bà Nguyễn Thị Lan Anh, Giám đốc ACDC; bà Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm DRD; MC Nguyễn Minh Châu, Chương trình Cuộc sống vẫn tươi đẹp cùng các cơ quan ban ngành huyện Ba Vì và đại diện phụ nữ khuyết tật tại 3 miền đất nước.
Chương trình được thực hiện nhằm đưa tiếng nói của phụ nữ khuyết tật, những cán bộ công tác xã hội, những người trong cuộc về vấn đề bạo lực tình dục đối với nhóm phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.
Những câu chuyện về bạo lực tình dục, những khó khăn và kinh nghiệm hỗ trợ nạn nhân bạo lực tình dục và cả những hiểu sai, bất cập khi xử lý các trường hợp bạo lực tình dục cũng sẽ được đưa ra chia sẻ, thảo luận tại buổi hội thảo.
Phụ nữ khuyết tật có khả năng kháng cự yếu hơn người khác |
Tại Hội thảo, có ý kiến cho rằng: "Phụ nữ khuyết tật có khả năng kháng cự yếu hơn người khác, có nhiều rào cản về thiếu kiến thức bạo lực tình dục, pháp luật, mặc cảm về tình trạng khuyết tật của bản thân. Những kẻ xâm hại lợi dụng điều đó để tấn công phụ nữ khuyết tật".
"Hiện nay có nhiều trường hợp người Điếc là nạn nhân của bạo lực tình dục nhưng nhận thức còn yếu, khó khăn trong giao tiếp nên khó chia sẻ với cộng đồng. Đặc biệt với gia đình có con là người điếc bẩm sinh thì gặp rất nhiều rào cản khi giao tiếp với con. Bản thân gia đình cũng thiếu những kiến thức để chia sẻ với con về vấn đề giới tính, tình dục..."
Bà Đàm Việt Hà, Giám đốc dự án “Tăng cường năng lực cho Phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật” chia sẻ: Các phong trào phòng, chống bạo lực tình dục đối với nữ giới nói chung đang ngày càng phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia, tuy nhiên với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật vẫn chưa thực sự được quan tâm.
Ở Việt Nam, chưa có những chương trình lớn về vấn đề chống bạo lực tình dục tập trung vào cộng đồng người khuyết tật, các can thiệp nhằm chống lại các hành vi bạo lực này đều chỉ ở cấp độ nhỏ, phạm vi hẹp và thường chỉ mang tính thử nghiệm.
Hội thảo thu hút khá đông phụ nữ tham gia |
Chính những hạn chế này đã phần nào khiến vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn, ít được nhận biết, ít được công khai và không được giải quyết một cách thích đáng.
Chúng tôi hy vọng thông qua hội thảo, thêm một lần nữa những vấn đề liên quan đến bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật được đề cập như một vấn đề quan trọng cần được cộng đồng, các nhà chuyên môn, các cơ quan hoạch định và thực thi chính sách quan tâm và giải quyết.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong đợi, hội thảo sẽ tiếp thêm sức mạnh để phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật lên tiếng về vấn đề của mình và có cơ hội được bảo vệ tốt hơn.