Việt Nam chú trọng đảm bảo an sinh xã hội, ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái

GD&TĐ -  Luôn chú trọng mục tiêu bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em là chính sách mang tầm vĩ mô của Đảng và Nhà nước ta suốt nhiều năm qua. Sau 25 năm tham gia và thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trên chặng đường thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em.  

Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới Ảnh: TG.
Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới Ảnh: TG.

Vấn đề phụ nữ, trẻ em vẫn còn nhiều bất cập

An toàn cho mọi người, trong đó có phụ nữ, trẻ em là vấn đề đáng quan ngại khi môi trường sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Các vụ tai nạn giao thông, đuối nước, bạo lực, xâm hại phụ nữ - trẻ em xảy ra trong thời gian qua gây bức xúc trong dư luận; tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhân dân, chất lượng giống nòi. Tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em ngày càng tinh vi, phức tạp…

Theo thống kê, trung bình mỗi ngày toàn quốc phát hiện 3 trẻ em bị xâm hại tình dục, 64 phụ nữ, 10 trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình. Chỉ tính riêng năm 2018, cả nước phát hiện hơn 1.500 vụ xâm hại trẻ em.

Một báo cáo khác của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ, từ năm 2012 đến năm 2017, lực lượng chức năng đã giải cứu và tiếp nhận khoảng 7.500 nạn nhân bị buôn bán qua biên giới, trong đó, có hơn 90% nạn nhân là phụ nữ và trẻ em.

Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi còn rất nhiều vụ việc vì nhiều lý do mà không được tố giác và chưa được đưa ra xét xử.

Các vụ việc về xâm hại, bạo lực, mua bán người, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông… để lại hậu quả nặng nề đối với phụ nữ, trẻ em, gia đình và xã hội, cũng như ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.

Chỉ đơn cử ở góc độ kinh tế, và cũng chỉ tính riêng đối với vấn đề bạo lực giới, theo nghiên cứu của Liên Hợp Quốc (công bố năm 2012) tổng thiệt hại đối với toàn nền kinh tế ở Việt Nam do bạo lực giới gây ra ước tính khoảng 1,78% GDP.

Hội nhập để tăng quyền năng cho phụ nữ

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng công tác bảo vệ an toàn, an sinh cho phụ nữ, trẻ em thông qua việc ban hành và thực thi chính sách, pháp luật, chương trình, đề án phù hợp với các cam kết quốc tế như Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990.

Theo đó, hệ thống pháp luật về bình đẳng giới, chống bạo hành gia đình, bảo vệ quyền lợi, sự phát triển của nữ giới ngày càng được hoàn thiện. Chị em phụ nữ đã tham gia đóng góp ngày càng nhiều vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là lực lượng to lớn trong mọi lĩnh vực của đời sống, giữ nhiều vị trí quan trọng của quốc gia, bộ ngành, địa phương.

Lần đầu tiên, chúng ta có nữ Chủ tịch Quốc hội; có 3 ủy viên Bộ Chính trị là nữ. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh, nhiều chị điều hành những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam, tạo được vị thế và uy tín trên trường quốc tế. Những thành tựu của chúng ta trong lĩnh vực bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ được Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Hệ thống pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đến nay cơ bản được hoàn thiện. Nhà nước đã cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho tất cả trẻ em dưới 6 tuổi.

Gần 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tham gia tiêm chủng mở rộng. Gần 100% trẻ em 5 tuổi được đi học mẫu giáo. Khoảng 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chính sách trợ giúp xã hội.

Tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em gái phát triển toàn diện

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam tại phiên chính thức CSW 63. Ảnh: Kim Thoa.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam tại phiên chính thức CSW 63. Ảnh: Kim Thoa.

Tại Khóa họp lần thứ 63 Ủy ban địa vị Phụ nữ Liên Hợp Quốc (CSW 63) diễn ra tại New York (Hoa Kỳ), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam cho rằng, sự hội nhập và nâng cao quyền năng cho phụ nữ đã có tác động mang tính dây chuyền tích cực và quan trọng đối với từng quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Các báo cáo đều cho thấy những thành công trong việc giảm đáng kể sự bất bình đẳng về thu nhập và phi thu nhập thông qua sự kết hợp các chính sách tiến bộ về kinh tế và xã hội.

Việt Nam cũng như nhiều quốc gia thành viên trong Liên Hợp Quốc khẳng định đảm bảo an sinh xã hội là một trong những mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển quốc gia. Hệ thống pháp luật, chính sách về đảm bảo an sinh xã hội cho người dân nói chung, cho phụ nữ và trẻ em gái nói riêng gồm 4 trụ cột: Chính sách thúc đẩy việc làm bền vững và giảm nghèo cho phụ nữ và trẻ em gái; Chính sách bảo hiểm xã hội; Chính sách trợ giúp xã hội và các chính sách bảo đảm mức tối thiểu một số dịch vụ xã hội cơ bản.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu trong lĩnh vực này như: Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của lao động nữ Việt Nam là 71,2%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ tương ứng của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương là 61,1% và thế giới là 49,6%.

“Trong gần 30 năm qua, Việt Nam là quốc gia có thành tựu giảm nghèo nổi bật trong khu vực và trên thế giới. Chính phủ luôn cam kết giành khoảng 2,6% tổng GDP hàng năm cho các chính sách, chương trình về trợ giúp xã hội cho các nhóm đối tượng yếu thế nhất trong xã hội, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái…”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Việt Nam đang là quốc gia duy nhất của châu Á có mặt trong 10 nước cao nhất toàn cầu về chỉ số tỷ lệ nữ chủ doanh nghiệp và tiếp tục duy trì thứ hạng về chỉ số cơ hội và tham gia vào nền kinh tế của phụ nữ...

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu bình đẳng giới, Việt Nam, các quốc gia ASEAN và nhiều quốc gia thành viên khác hiện đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh già hóa dân số, gia tăng khoảng cách giàu nghèo, biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kêu gọi các quốc gia thành viên, sau 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh, hãy cam kết dành một tỷ lệ GDP thích đáng vào ngành dịch vụ chăm sóc, đặc biệt trong các dịch vụ xã hội và chăm sóc trẻ em.

Nghiên cứu cho thấy, chỉ cần đầu tư 2% GDP vào dịch vụ này, số lượng việc làm sẽ tăng khoảng 2,4 - 6,1%. Từ đó, phần lớn các công việc tạo ra có thể do phụ nữ đảm nhiệm, làm giảm khoảng cách giới trong việc làm, và các chính sách này sẽ thúc đẩy việc làm nói chung và tăng trưởng kinh tế”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ