Thế nhưng, ở góc nhìn dân tộc biểu tượng luận, các nhà nghiên cứu tiếp tục có những khám phá đầy thú vị, thậm chí có phần gây tranh cãi.
Lịch sử hóa truyền thuyết?
PGS.TS Đinh Hồng Hải – Nhà nghiên cứu văn hóa, giảng viên Trường Đại học KHXH & NV Hà Nội cho rằng, dễ dàng nhận thấy quan niệm “con Lạc cháu Hồng” hay “con rồng cháu tiên” từ các góc nhìn lịch sử và văn học thông qua các huyền thoại, truyền thuyết đã được lịch sử hóa qua hàng thế kỷ.
Cụ thể, ngoài những cuốn như Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái… có ghi chép ít nhiều thì bộ sử chính thống của nhà Lê – trong Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép: “Lạc Long Quân tên húy là Sùng Lãm, con của Kinh Dương Vương. Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục huyền sinh trăm trứng), là tổ của Bách Việt.
Một hôm vua bảo Âu Cơ rằng: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”. Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền Nam (có bản chép là về Nam Hải), phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua”.
Từ đây, các bộ chính sử và nhiều công trình nghiên cứu của các học giả đương đại đều ghi lại cách lý giải về tổ tiên người Việt là “con rồng cháu tiên”.
Dẫu vậy, sự cố gắng tìm các minh chứng (hoặc minh họa) qua tư liệu thư tịch, văn học dân gian, thậm chí là các hiện vật khảo cổ đến giờ vẫn tập trung xoay quanh các huyền thoại như chim Lạc, họ Hồng Bàng – những “biểu tượng thất truyền” mà chưa thể tìm được chứng cứ.
Theo TS Trần Trọng Dương, đây còn là sự thần quyền hóa – Nho giáo hóa ở cấp độ lịch sử quan phương qua việc ban cấp sắc phong, công nhận tục thờ quốc tổ cũng như tạo dựng hình ảnh cho vị quốc tổ - mang dáng dấp của một vị vua theo mẫu hình Nho giáo ở thời Trung đại.
Không ngừng được biểu tượng hóa
Đặt ra câu hỏi: Làm cách nào để tiếp cận đối tượng nghiên cứu này mà không bị huyền thoại hóa và truyền thuyết hóa? PGS.TS Đinh Hồng Hải cho rằng, một trong những cách thức khả dĩ nhất hiện nay là việc xem xét chúng như những biểu tượng dân tộc.
“Bởi nếu coi “Lạc – Hồng” như là nguồn gốc của tộc người Việt thì vô căn cứ nhưng nếu đặt chúng vào vai trò của biểu tượng dưới góc nhìn dân tộc biểu tượng luận thì lại hoàn toàn hợp lý. Đây cũng là một góc mới để có thể tiếp cận một cách cụ thể nhất với đối tượng nghiên cứu có phần trừu tượng này” – PGS.TS Đinh Hồng Hải nhận định.
Chính vì vậy, dẫu không có các chứng cứ xác thực về mặt khoa học tự nhiên nhưng người Việt vẫn luôn cho rằng mình có nguồn gốc “con rồng cháu tiên” hay “con Lạc cháu Hồng” cùng các vị tổ như Lạc Long Quân hay Kinh Dương Vương.
Theo các nhà nghiên cứu, đây là kết quả biểu tượng hóa hay nghệ thuật hóa tổ tiên người Việt qua tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, các loại hình nghệ thuật (thi ca, nhạc họa, kiến trúc, điêu khắc, lễ hội…) và vua tổ, quốc tổ, quốc mẫu một cách thành công.
Đó là đền thờ vua Hùng ở Phú Thọ, đền thờ Kinh Dương Vương ở Bắc Ninh; lễ hội đền Hùng đến các sắc phong, thần phả, ngọc phả cho các hoàng tử, công chúa đã góp phần vật chất hóa hay “hiện thực hóa” các vị tổ của người Việt.
“Từ đây, vấn đề nguồn gốc thực sự của những biểu tượng đó (Hán tộc hay Việt tộc) không còn quá quan trọng đối với người dân. Điều này lý giải tại sao rất nhiều người Việt thường chấp nhận các biểu tượng tổ tiên như “con rồng cháu tiên” từ những câu chuyện huyền thoại một cách dễ dàng.
Các biểu tượng đó luôn là những sản phẩm văn hóa và nghệ thuật của người Việt, do người Việt tạo ra. Do đó sự sáng tạo này sẽ luôn là một phần quan trọng trong văn hóa Việt Nam mà các nhà nghiên cứu sẽ phải tiếp tục tìm hiểu” – PGS. TS Đinh Hồng Hải lý giải.
Tiếp tục luận bàn về nguồn gốc thủy tổ
Theo TS Trần Trọng Dương - nhà nghiên cứu văn hóa, Viện nghiên cứu Hán Nôm, tín ngưỡng thờ thủy tổ Lạc Vương (tức là Hùng Vương – cái tên sai lạc nhưng phổ biến) là tín ngưỡng phổ quát, có mặt ở hầu hết các địa phương.
Tục thờ cúng Lạc Vương đã có những giao thoa, thâu nạp một số yếu tố của Nho giáo và Phật giáo.
Từ việc khảo sát sự tích hợp mô típ trong chuyện kể Phật giáo qua các văn bản ghi sự tích Lạc Vương – việc Âu Cơ sinh trăm trứng như Lĩnh Nam chích quái, Đại Việt sử ký toàn thư, Ngọc phả (thế kỷ 17 - 19) tại Phú Thọ, ông nhận thấy Lĩnh nam chích quái là tư liệu cổ nhất ghi chép về sự kiện này và thể hiện phần nào việc vay mượn tích chuyện Phật giáo – coi việc đẻ trứng là điềm không lành như sách Câu Xá quang ký và Bách duyên kinh.
Thế nhưng, đến Đại Việt sử ký toàn thư, chi tiết “điềm xấu” đã bị lược bỏ, các sử gia khi biên soạn đã thêm vào đó là chi tiết “chia con” để viết nên một tích đẹp về quá trình mở rộng bờ cõi và không gian hình thành dân tộc.
Cho đến Ngọc phả Lạc Vương, chi tiết “sinh bọc trứng” đã được coi như một điềm lành biểu thị sự hưng thịnh quốc gia. Từ đó, ông nhận định: “Tạm thời có thể đi đến nhận định rằng: Chi tiết bọc trứng sinh trăm con trai trong truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu cơ là sự chuyển dịch mô típ tích chuyện Phật giáo vào truyền thuyết khởi nguyên hình thành dân tộc”.
Về thủy tổ Kinh Dương Vương, trong bài viết Kinh Dương Vương, ông là ai?, TS Trần Trọng Dương đặt câu hỏi nghi vấn: Phải chăng chỉ là một ảo ảnh diễn hóa từ nhân vật Kinh Xuyên trong tiểu thuyết truyền kỳ của Trung Quốc?
“Chứng cứ nằm ngay trong Toàn thư, sau khi viết về lai lịch, cuộc đời của Kinh Dương Vương, Ngô Sĩ Liên đã viết: “Xét Đường kỷ chép: Thời Kinh Dương có người đàn bà chăn dê, tự xưng là con gái út của Động Đình Quân, lấy con thứ của Kinh Xuyên, bị bỏ, viết thư nhờ Liễu Nghị tâu với Động Đình Quân.
Thế thì Kinh Xuyên với Động Đình Quân đời đời làm thông gia với nhau từ lâu rồi”. Nhưng chúng ta còn thấy, chuyện này được chép trong sách Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp (thế kỷ 12) rồi sau đó lại được sao chép nguyên vẹn vào thần tích của Mẫu Thoải tại Tuyên Quang” – TS Trần Trọng Dương cho hay.
Có thể thấy, không phải ngẫu nhiên khi vấn đề tổ tiên của người Việt vẫn luôn được giới nghiên cứu quan tâm, bàn luận xuyên thế kỷ mà vẫn tồn tại những nghi vấn. Và, những nghiên cứu, nhận định của PGS. TS Đinh Hồng Hải và TS Trần Trọng Dương góp phần gợi mở cho giới nghiên cứu sự quan tâm để làm rõ hơn.
Sử sách đã ghi chép: Người Việt là “con rồng cháu tiên” - cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ. Điều này cũng được thể hiện trong các câu chuyện truyền thuyết ngàn đời của dân tộc và ăn sâu trong tâm thức mỗi người Việt. Thế nhưng, ở góc nhìn dân tộc biểu tượng luận, các nhà nghiên cứu tiếp tục có những khám phá đầy thú vị, thậm chí có phần gây tranh cãi.