Buổi tọa đàm với sự dẫn dắt, trò chuyện của hai diễn giả: PGS. TS Đinh Hồng Hải (Trường Đại học KHXH & NV Hà Nội) và TS. Trần Trọng Dương (Viện nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các bạn trẻ là sinh viên, học sinh đang học tập ở Hà Nội.
Theo PGS. TS Đinh Hồng Hải, Việt Nam là một quốc gia mà vấn đề nguồn gốc tổ tiên luôn là đề tài được bàn luận sôi nổi. Mặc dù vấn đề này đã được tranh luận “xuyên thế kỷ” nhưng cho đến nay vẫn tồn tại vô số nghi vấn đối với các học giả cả trong và ngoài nước. Có điều đó là do sự đa dạng về thành phần tộc người cùng những biến động do di cư trong giai đoạn hiện nay.
Vì vậy, bắt đầu từ việc xác định thuật ngữ, PGS.TS Đinh Hồng Hải đã đưa ra góc nhìn về tổ tiên của tộc người Việt từ hướng tiếp cận của dân tộc biểu tượng luận (ethnosymbolism).
Từ đó, ông đã đưa ra lý giải về một hiện tượng đã ăn sâu trong tiềm thức của nhiều người Việt, đó là quan niệm về “con Lạc cháu Hồng” hay “con rồng cháu tiên” trong văn hóa Việt Nam, vốn được sử dụng như môt tiền đề để tìm hiểu nguồn gốc người Việt.
TS Trần Trọng Dương trao đổi tại buổi tọa đàm. Ảnh - Bình Thanh |
Trong khi đó, TS Trần Trọng Dương đã có những trao đổi chuyên sâu xoay quanh Lạc Vương (Hùng Vương) từ việc tích hợp các yếu tố Phật giáo – Nho giáo trong văn hóa Việt Nam qua tín ngưỡng thờ Lạc vương và trao đổi về Kinh Dương Vương.
Buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm của nhiều sinh viên học sinh. Ảnh- Bình Thanh. |
“Kinh Dương Vương – một nhân vật được coi là thủy tổ của Việt Nam – phải chăng chỉ là một ảo ảnh diễn hóa từ nhân vật Kinh Xuyên trong tiểu thuyết truyền kỳ của Trung Quốc?” – TS Trần Trọng Dương đưa ra câu hỏi nghi vấn.
Ngoài ra, hai diễn giả cũng đã trả lời nhiều thắc mắc của các bạn trẻ xoay quanh vấn đề này như: Vua Hùng có họ gì? Sao lại lấy ngày 10/3 là ngày Giỗ tổ Hùng Vương? Trang phục thời Hùng Vương? Người Việt cổ có nguồn gốc ở Đông Nam Á hay ngoài Đông Nam Á?...