Tối qua, trong lúc ngồi tán chuyện tào lao, một anh bạn làm nghề sơn tràng (nghề khai thác gỗ) bảo: "Nghe đâu Công ty Thịnh Đạt Xanh có địa chỉ tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái đang khảo sát để lập Dự án xây dựng nhà máy chế biến chè cao cấp xuất khẩu sang các thị trường Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và Đài Loan (Trung Quốc)… mà vùng nguyên liệu được cung cấp được nhắm tới chính từ những cây chè shan tuyết hàng trăm năm tuổi ở xã Sùng Đô huyện Văn Chấn".
Cây chè cổ thụ tại xã Sùng Đô. Ảnh: TTXVN.
Giật mình tôi rút điện thoại ra gọi cho Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn ông Nguyễn Văn Toản mới vỡ lẽ, rừng chè ấy được biết đến khoảng hai chục năm rồi, nhưng do đường xá xa xôi đi lại khó khăn... nên rất khó để thu hút đầu tư vì vậy đến nay chưa được cơ quan chức năng thực sự quan tâm tới. Hiện cũng chưa có nhà đầu tư nào tới làm việc với huyện Văn Chấn ngỏ lời đầu tư để khai thác tiềm năng của vùng chè này cả. Ông Toản còn nói thêm, ngay như cả vùng chè cổ thụ Suối Giàng nổi tiếng từ lâu, giao thông thuận lợi... thế mà cả tỉnh này còn đang loay hoay tìm hướng đi sao cho đạt được hiệu quả cao huống hồ...
Địa điểm của những cây chè cổ thụ này là ở 2 thôn Làng Mảnh và Giàng Pằng của xã Sùng Đô, phía bên kia giáp với khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu thuộc xã Nà Hẩu huyện Văn Yên của tỉnh Yên Bái. Hiện nay, do địa hình núi non hiểm trở, giao thông đi lại rất khó khăn nên UBND huyện Văn Chấn cũng mới chỉ đưa ra ý kiến để xem xét nhằm tìm hướng khai thác vùng chè cổ thụ đầy tiềm năng này.
Cũng theo ông Chấn, hiện chưa có một cơ quan chức năng nào của Yên Bái tiến hành khảo sát, điều tra vùng chè cổ thụ Sùng Đô có tổng diện tích là bao nhiêu, được phân bố trên độ cao nào, giống chè gì, có bao nhiêu cây chè cổ thụ từ 0,8- 1,2m, tuổi đời của chúng là bao nhiêu, chất lượng và giá trị kinh tế như thế nào?.
Tuy nhiên, có thể khẳng định đây là vùng chè đặc biệt quý hiếm chưa từng có ở Việt Nam và trên thế giới, với những cây chè to hai người ôm chưa kín gốc, địa y và rêu phong suốt từ gốc lên tới ngọn, có cành chè đường kính tới 20 cm, búp to, trắng bằng ngón tay lông tơ phủ dày như tuyết phủ…, điều đó nói nên giá trị của rừng chè đã tồn tại hàng trăm năm trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của núi cao.
Theo thông tin mà chúng tôi có được, vùng chè tại xã Suối Giàng của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái có hàng chục nghìn cây chè cổ thụ (hơn 100 tuổi); trong đó, có những cây chè trên 300 năm tuổi được xếp vào 1 trong 6 cây chè thuỷ tổ của thế giới với đường kính người ôm không xuể, thì những cây chè cổ thụ có đường kính từ 1 đến 1,2 m tại hai thôn Làng Mảnh và Giàng Pằng của xã Sùng Đô lẽ nào lại không được xếp vào diện Những cây chè thủy tổ của thế giới.
Chè Shan tuyết vùng cao tập trung ở huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và các xã vùng cao huyện Văn Chấn, Trấn Yên. Ảnh: IT.
Chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng theo những người dân ở đây thì những cây chè cổ thụ gốc to từ 1 - 2 người ôm, đường kính gốc từ 0,8 - 1,2m có khoảng 30 - 40 cây, còn những cây có đường kính từ 20 - 30 cm thì không thể nào đếm xuể và được phân bố trên diện tích khoảng hơn 70 ha. Nhiều cây chè cổ thụ cao hơn 10 m, tán rộng 17 - 20 người trèo lên ngồi không kín tán. Đây là giống chè shan, do nằm trên độ cao trên 1.500 m, nên búp rất to trên búp chè lông tơ trắng dày như tuyết phủ nên còn được gọi là chè shan tuyết.
Đặc biệt hơn, đến thời điểm này cây chè shan tuyết cổ thụ tại xã Sùng Đô là cây chè có đường kính to nhất vừa được tìm thấy trong quần thể những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi của nước ta.
Vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước được phát hiện ra, vùng chè cổ thụ Suối Giàng nay đã trở thành thương hiệu nổi tiếng của cây chè vùng cao Yên Bái. Riêng vùng chè cổ thụ Sùng Đô mặc dù được biết đến từ vài chục năm nay, người dân đã thu hái nhưng cũng chỉ để làm chè vàng, hoặc bán cho các cơ sở chế biến chè xanh dưới vùng thấp nhưng không đáng kể. Cũng chính vì thế mà vùng chè cổ thụ Sùng Đô dường như mấy chục năm qua bị lãng quên trong mây mù và sương giá.