Trạng Tỏi và danh hiệu Tứ nguyên duy nhất trong lịch sử khoa bảng

GD&TĐ - Ít ai biết rằng, ngoài danh hiệu Tam nguyên còn có Tứ nguyên và Trạng Tỏi Nguyễn Đăng là người duy nhất chiếm được danh hiệu này.

Trạng Tỏi Nguyễn Đăng là người duy nhất đoạt danh hiệu Tứ nguyên.
Trạng Tỏi Nguyễn Đăng là người duy nhất đoạt danh hiệu Tứ nguyên.

Nguyễn Đăng quê ở xã Đại Toán, huyện Quế Dương (nay thuộc xã Chi Lăng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Làng Đại Toán xưa có 4 thôn đều trồng tỏi nên dù chỉ là Hoàng giáp đình nguyên, ứng chế đỗ thứ nhất nhưng dân gian vẫn quen gọi ông là Trạng Tỏi.

Từ cậu bé ham học

Người đời biết đến Nguyễn Khuyến đạt danh hiệu Tam nguyên, được hậu thế gọi là Tam nguyên Yên Đổ để bày tỏ sự thán phục về tài học. Thế nhưng, ít ai biết rằng ngoài vị Tam nguyên nổi tiếng như Nguyễn Khuyến còn có Tứ nguyên Nguyễn Đăng.

Ông là một văn quan mẫn tiệp dưới triều Lê nên được hai triều vua là Lê Kính Tông và Lê Thần Tông rất mến phục, trọng dụng.

Các tài liệu lịch sử đều cho thấy, Nguyễn Đăng sinh năm 1576 tại làng Đại Toán, huyện Quế Dương, Kinh Bắc. Làng Đại Toán ngày ấy gồm 4 thôn đều có tên nôm là Tỏi: Tỏi Mão, Tỏi Thủy, Tỏi Đồng, Tỏi Mai.

Bệ đá dùng để giã cói đan bị ró ở làng Đại Toán – quê hương Trạng Tỏi (hiện đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Bắc Ninh).

Bệ đá dùng để giã cói đan bị ró ở làng Đại Toán – quê hương Trạng Tỏi (hiện đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Bắc Ninh).

Thần tích kể rằng, bấy giờ ở 4 thôn Tỏi đều có nghề đan bị ró bằng cói. Nhà nghèo nên Nguyễn Đăng thường phải gánh ró đi bán ở các chợ vùng quê. Đến đâu thấy có trường học là cậu bé lân la tới gần, đứng ngoài học lỏm.

Có một thầy đồ thương tình nhận vào cho học. Nguyễn Đăng nghèo không đủ tiền mua giấy bút, thầy bảo mang theo tấm ván để tập viết.

Nhưng Nguyễn Đăng lại tưởng là tấm ván quan tài nên hôm sau chàng liền vác sang nhà thầy một tấm ván thượng mà người ta cất mả vứt bỏ ở bãi tha ma. Bọn học trò thấy thế cười ồ lên chế nhạo. Thầy đồ nhìn tấm ván mà rằng: Các trò chớ có coi thường Nguyễn Đăng. Cậu bé này sẽ làm đến thượng quan đó, ta không theo kịp đâu.

Một lần, Nguyễn Đăng đang đi học gặp mưa phải vào trú ở đình Hán Đà, bấy giờ quan viên trong đình đang làm lễ tế thần. Khi Nguyễn Đăng vào đến cổng thì đèn nến trong đình tự dưng phụt tắt, chiêng trống vẫn khua nhưng chẳng hiểu tại sao không phát ra tiếng kêu. Lễ tế thần đành phải dừng lại. Lúc ấy, thần hoàng đình nhập vào chủ tế nói rằng: Có quan bác tới chơi, phải ra nghênh tiếp.

Mọi người tìm khắp cả đình chỉ thấy Nguyễn Đăng ngồi co ro tránh rét ở dải vũ bèn mời ngồi vào chiếu thần vị. Vừa lúc ấy, đèn nến lại tự dưng cháy sáng, chiêng trống lại kêu vang, ai nấy đều lấy làm ngạc nhiên.

Đó là ký ức dân gian được các quan bộ Lễ sưu tập đưa vào thần tích, vậy nên đã có phần huyền thoại hóa. Tuy nhiên, qua đó có thể thấy rõ sự thông minh, hiếu học, tài năng, đức độ của Nguyễn Đăng. Đồng thời cũng là thể hiện sự mến mộ của dân gian đối với ông.

Nguyễn Đăng hồi nhỏ phải đi bán ró và thường lân la học lỏm. Ảnh minh họa.

Nguyễn Đăng hồi nhỏ phải đi bán ró và thường lân la học lỏm. Ảnh minh họa.

Đến Tứ nguyên – Trạng Tỏi

Ở xã Chi Lăng ngày nay, vẫn còn lưu truyền một giai thoại ca ngợi trí thông minh, mẫn tiệp của Nguyễn Đăng. Khi còn nhỏ, nghe nói cụ nghè Nguyễn Đình Tuân, quê ở làng Võ, xã Quảng Bố, huyện Lang Tài là người hay chữ, dạy giỏi trong vùng, Nguyễn Đăng được gia đình đưa đến tận nhà xin theo học.

Cụ nghè chỉ nhận những người hiếu học và thông minh cho nên mới ra một câu đối, ai đối hay mới nhận làm môn sinh. Nguyễn Đăng nhận lời, cụ nghè ra vế đối: Vó vé, te te, võng tiến sĩ

Vế này đặt ra ba yêu cầu hóc búa về nội dung: Một là vó, te, võng là những đồ dùng sinh hoạt, làm ăn của nhà nông. Hai là làng Vó, làng Te đồng thời là những nơi cụ nghè ở. Ba là trong hoàn cảnh nơi thôn dã nghèo khó như vậy mà đã có ông nghè như thế đã chứng tỏ là nơi có truyền thống hiếu học.

Nguyễn Đăng nghe xong liền đối ngay: Hành hành, tỏi tỏi, kiệu Trạng nguyên. Vế đối của Nguyễn Đăng đáp ứng cả ba yêu cầu của vế ra: Hành, tỏi, kiệu vừa là tên của rau, của các loại gia vị vừa là địa danh của quê hương. Nghe xong, cụ nghè khen hay và chấp nhận cho ông theo học.

Về sau, Nguyễn Đăng thi Hương đỗ Hương nguyên, bước vào thi Hội lại đỗ đầu tức Hội nguyên. Năm 1602 thi Đình, ông cũng lại đỗ đầu - tức Hoàng giáp Đình nguyên (khoa thi này không lấy Trạng nguyên).

Vì trong cả 3 kỳ thi Nguyễn Đăng đều đỗ đầu, vượt hơn hẳn các sĩ tử khác nên trở thành “Tam nguyên”. Tuy nhiên, khoa thi này vua Lê Kính Tông lại ra thêm kỳ thi ứng chế.

Trước đây, việc thi thêm chỉ xảy ra nếu có 2 bài thi văn sách trở lên đều hay như nhau, không biết ai đỗ đầu. Nhưng riêng khoa thi này vua Lê Kính Tông cho thêm kỳ thi ứng chế sát hạch các sĩ tử vào đến thi Đình và một lần nữa Nguyễn Đăng lại được chấm cao nhất.

Ông được nhà vua tặng danh hiệu là Tứ nguyên – cũng là danh hiệu độc nhất vô nhị trong lịch sử khoa bảng Việt Nam. Tuy nhiên, nhân dân địa phương quen gọi ông là Trạng Tỏi.

Trích văn bia khoa thi năm 1602 – khoa mà Nguyễn Đăng đỗ Đình nguyên Hoàng giáp.

Trích văn bia khoa thi năm 1602 – khoa mà Nguyễn Đăng đỗ Đình nguyên Hoàng giáp.

Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, phần “Khoa mục chí” ghi về sự đỗ đạt của Nguyễn Đăng như sau: Kính Tông, năm Hoằng Định thứ 3 (tức năm 1602), khoa Nhâm Dần, lấy đỗ tiến sĩ 10 người. Hội nguyên, Đình nguyên, Hoàng giáp: Nguyễn Đăng thi Hương, thi Hội, thi Đình đều đỗ đầu.

Khoa thi Đình năm ấy không lấy Trạng nguyên mà người đỗ đầu gọi là Hoàng giáp. Với quan niệm người đỗ đầu khoa thi Đình là Trạng nguyên nên khi Nguyễn Đăng mất, người ta lập đền thờ gọi là đền Trạng nguyên. Còn như khẩu khí dân gian thì quen gọi ông với cái tên gần gũi chân quê: Trạng Tỏi - tức là ông Trạng làng Tỏi.

Nguyễn Đăng là vị quan mẫn tiệp, được vua Lê Kính Tông và Lê Thần Tông mến phục và trọng dụng. Ông được bổ nhiệm làm Hộ bộ Hữu thị lang, tước Phúc Nam hầu. Ông có người em trai tên Nguyễn Phong làm đến chức Hiến phó, tước Lĩnh Nam hầu.

Anh tài đi sứ

Bảo tháp dưới dãy Phi Lai Phong – nơi được phỏng đoán đi vào bài phú của Nguyễn Đăng khi ông đi sứ nhà Minh. Ảnh: IT.

Bảo tháp dưới dãy Phi Lai Phong – nơi được phỏng đoán đi vào bài phú của Nguyễn Đăng khi ông đi sứ nhà Minh. Ảnh: IT.

“..…Mau gót ngọc trèo lên bậc đá/ Leo thang mây bước tới cung Quỳnh./ Đài bả truyền trên nền cao, con hiên viên hai voi cùng dấu kín/ Đình bán vân trong ghi tích cổ, vở Tôn Khác một vượn kết duyên lành./ Đưa khách hoa cười tươi trước gió/ Đón xuân chim hót váng trên cành./ Rửa sạch bụi trần, nước khe biếc rồng phun bay phơi phới./ Tránh qua mây khói, ngọn thông già hạc đỗ nhẹ tênh tênh./ Cảnh trí ấy từ khi bay đến/ Giang sơn này bởi đó lừng danh”.

Trích đoạn “Phi Lai tự phú” (Nguyễn Thế Đống dịch nghĩa năm 1938)

Năm Quý Sửu (1613), ông cùng Lưu Đình Chất được cử đi sứ Trung Quốc. Đến nơi ông cùng sứ Cao Ly có cuộc đối đáp nổi tiếng.

Vào năm thứ 3 trong cuộc đi sứ, một lần Hoàng đế nhà Minh mở tiệc lớn nhân ngày đại khánh, có mời cả sứ thần các nước. Hoàng đế nói các sứ thần làm một bài thơ phú về chùa Phi Lai, vốn là một danh lam thắng cảnh lúc đó, hạn 5 ngày phải xong.

Mới hơn 2 ngày Nguyễn Đăng đã làm xong và trình lên bài “Phú chùa Phi Lai” (Phi Lai tự phú) và là người nộp đầu tiên. Sau 5 ngày thì hàng trăm bài thơ và phú cũng được trình lên Hoàng đế. Hoàng đế cùng các quan thấy rằng bài của Nguyễn Đăng là hay nhất, không bài nào sánh kịp.

Biết ở trong nước Nguyễn Đăng đỗ đầu tất cả kỳ thi và là Tứ nguyên, mặc dù Nguyễn Đăng không phải là Trạng nguyên nhưng Hoàng đế nhà Minh đã phong cho ông là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”, đồng thời mở tiệc chiêu đãi linh đình.

Trong bữa tiệc, Hoàng đế thử tài “Lưỡng quốc Trạng nguyên” bằng cách ra một vế đối: “Thập khẩu tâm tư, tư quốc, tư gia, tư phụ mẫu”.

Đề mà Hoàng đế ra, 3 chữ “thập” (十), “khẩu” (口), “tâm” (心) ghép lại thành chữ “tư” (思) nghĩa là nhớ. Nguyễn Đăng cũng đối ngay lại: “Thốn thân ngôn tạ, tạ thiên, tạ địa, tạ quân vương”, vế đối lại chuẩn từ cách ghép chữ đến hàm ý bên trong. Trong đó 3 chữ “thốn” (寸), “thân” (身), “ngôn” (言) ghép lại thành chữ “tạ” (謝).

Cũng bởi việc này mà Hoàng đế cho Nguyễn Đăng được trở về nước trước hạn 7 năm. Trước khi Nguyễn Đăng về nước, Hoàng đế nhà Minh cho làm loại độc bình bằng sứ có hoa văn trang trí thật đẹp và viết bài “Phi Lai tự phú” của ông lên xung quanh lọ độc bình, để làm kỷ niệm tặng ông mang về nước.

Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú có chép lại bài phú này. Tục còn truyền rằng, người Trung Quốc thấy bài phú của ông đều xuống ngựa vái lạy và khắc bài phú ấy vào bia đá đề cạnh chùa...

Sau khi nghỉ hưu, Trạng Tỏi Nguyễn Đăng về làng Hán Đà thuộc tổng Quảng Lãm huyện Quế Võ mở trường dạy học. Học trò theo học rất đông, nhiều người trong số đó ghi danh khoa bảng. Nguyễn Đăng đã có công xây đắp cho truyền thống giáo dục tại xứ Kinh Bắc trong quãng đời xế bóng.

Năm Đinh Dậu (1657), Nguyễn Đăng qua đời, thọ 81 tuổi. Ông được triều đình nhiều lần truy phong, tiêu biểu là lần phong danh hiệu “Tế thế trạch dân Đại Vương”. Người dân lập đền thờ ông ngay trên nền ngôi trường để tưởng nhớ. Đền thờ ông ở làng Hán Đà, xã Hán Quảng (Quế Võ) đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa từ năm 1991.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.