Ba đời liên tiếp đỗ đại khoa với 4 tiến sĩ (trong đó có hai Hoàng giáp), 67 người đỗ cử nhân và tú tài. Gia tộc khoa bảng Trần Danh ở thôn Cống, xã Bảo Triện, huyện Gia Định, xứ Kinh Bắc (nay là xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) là minh chứng rõ nét về sự hiếu học.
Hai anh em cùng đỗ đại khoa
Theo gia phả họ Trần Danh ở Bảo Triện, họ Trần vốn thuộc dòng dõi hoàng tộc, quê ở thôn Tức Mặc, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định. Vào cuối thế kỷ 14 vì lý do thời cuộc, cụ Thuần Đạo đã di cư về thôn Cống, xã Bảo Triện, huyện Gia Định, xứ Kinh Bắc.
Việc học hành thi cử của dòng họ bắt đầu phát triển từ đời thứ 4. Cụ Danh Huyên đỗ Tú tài, được phong chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Thừa chính xứ Thái Nguyên, tước Thuỵ Trạch bá. Đến đời thứ 6 có 3 cụ đỗ Cử nhân là Long Hưng, Danh Trung và Phụ Dực.
Sau đỗ Cử nhân, Trần Phục Dực tiếp tục dự thi và đỗ tiến sĩ năm 1683, làm quan trải tới chức Tham chính Lạng Sơn. Ông có 10 người con, trong đó 2 con trai đỗ tiến sĩ cùng khoa và trở thành những danh sĩ nổi tiếng đương thời.
Theo sử liệu, khoa thi năm Tân Hợi (1731) đời vua Lê Duy Phường lấy đỗ 12 tiến sĩ. Trong đó có hai anh em Trần Danh Ninh (1703 - 1767) và Trần Danh Lâm (1704 - 1776) người xã Bảo Triện, huyện Gia Định - đỗ đồng khoa. Người anh là Trần Danh Ninh đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), em trai là Trần Danh Lâm đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân.
Hai anh em Trần Danh Ninh và Trần Danh Lâm ngay từ khi còn nhỏ đã rất ham học. Người anh từ thi hương đến thi đình đều đỗ đầu, năm 21 tuổi đã đỗ Hương nguyên, năm 29 tuổi đỗ Hoàng giáp.
Sau khi đỗ đạt, Tiến sĩ Trần Danh Ninh được phong Thị giảng viện Hàn lâm. Năm Quý Hợi (1743), ông giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám. Sau này, ông theo chúa Trịnh Doanh đi dẹp loạn phía Nam, có công được thăng Đại học sĩ Đông các. Mùa đông Nhâm Thân (1752), ông theo chúa đánh phía Tây. Năm sau dẹp xong giặc, được ban ơn thăng Hữu thị lang bộ Công.
Sau này ông được thăng làm Thị lang bộ Lễ, kiêm Tổng tài Sử quán. Năm Bính Tuất (1766), ông xin nghỉ hưu ở tuổi 64 và được thăng Thượng thư bộ Lễ. Mùa xuân năm sau, chưa kịp về làng thì ông đột ngột qua đời.
Trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, sử gia Phan Huy Chú viết: “Ông là người cương quyết, nghiêm nghị, tự giữ cái phong thể của mình, việc giáp binh, việc tế lễ việc nào cũng làm được cả. Đến như ở chốn triều đình bàn việc chính trị thì ông rất khảng khái, công bằng, ngay thẳng, lẫm liệt, không ai dám phạm, có khuôn mẫu, khí độ bậc danh thần; bấy giờ ai cũng kính phục”.
Phúc trọn một nhà
Em trai Trần Danh Ninh là Trần Danh Lâm, năm 21 tuổi cùng anh đỗ thi hương, năm 27 tuổi lại cùng anh đỗ tiến sĩ. Đầu đời Cảnh Hưng, ông làm Đốc đồng Cao Bằng, có công dẹp giặc, thăng Hiệu lý viện Hàn lâm, ít lâu sau làm Đốc trấn.
Cuộc đời 39 năm làm quan của Trần Danh Lâm còn trải dài tới chức Hữu Thị lang bộ Công, Đốc thị Nghệ An. Khi viện lệ xin về hưu, ông còn được thăng Thượng thư bộ Công, gia tăng Thượng thư bộ Hình.
Sử gia Phan Huy Chú cũng chép về ông: “Ông tính thanh liêm, khoan hòa, dễ dãi, không tranh giành với ai, đến đâu dân cũng nhớ ơn. Khi vào phủ làm Bồi tụng, khi ở đài Ngự Sử, khi giữ việc tuyển bổ quan lại; ai cũng suy tôn là người giữ lòng công chính, ông cùng với anh là Bảo Huy bá (Trần Danh Ninh) làm quan đồng thời, khi ở triều, khi ở quận đều có tiếng chính tánh tốt, đều thăng đến Thượng Thư rồi về hưu. Thực là phúc trọn vẹn của một nhà”.
Trường hợp hai em Trần Danh Ninh và Trần Danh Lâm ở Bảo Triện (Bắc Ninh) cùng đỗ tiến sĩ một khoa là một trong những minh chứng cho truyền thống hiếu học của các dòng họ, các làng khoa bảng ở mọi miền đất nước.
Hiện nay, tên của hai vị tiến sĩ này được khắc trên bia đề danh Tiến sĩ khoa thi Tân Hợi 1731 được lưu giữ tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Tên của hai anh em Tiến sĩ Trần Danh Ninh và Trần Danh Lâm cũng được nhiều địa phương chọn đặt tên phố và tên trường học.
Người đầu tiên sưu tập ca dao
Cháu nội Tiến sĩ Trần Phụ Dực và là con của Thượng thư Trần Danh Lâm – Tiến sĩ Trần Danh Án chính là người được ghi nhận có công đầu trong việc sưu tập, biên soạn ca dao Việt Nam.
Theo truyền khẩu, Trần Danh Án thông minh học giỏi từ nhỏ. Ông đỗ đầu thi hương, thi hội đỗ Hoàng giáp, đứng tên thứ ba trong khoa thi năm Đinh Mùi (1787) - khoa thi cuối cùng của triều Lê.
Bấy giờ vua Lê Chiêu Thống đã đoạn tuyệt với nhà chúa, định dựa vào tướng Tây Sơn là Nguyễn Hữu Chỉnh để củng cố quyền lực nhất thống thiên hạ. Quân Tây Sơn cử Vũ Văn Nhậm kéo quân ra Bắc lần thứ hai hỏi tội Chỉnh. Chỉnh đưa xa giá vua Lê sang Kinh Bắc lánh nạn.
Mặc dù Hữu Chỉnh đã bị tiêu diệt, nhưng vua Lê vẫn dựa vào các cựu thần tính kế lớn. Trần Danh Án là một trụ cột thời bấy giờ. Tuy nhiên khi đã hết thực lực, vua Lê tính kế dựa vào ngoại bang, cử Trần Danh Án và Lê Duy Đản sang Thanh cầu viện. Nhờ có 20 vạn quân Thanh, vua Lê giành lại kinh thành, phong Trần Danh Án là Tĩnh nạn công thần-Định Nhạc hầu.
Mùa xuân năm 1789 vua Quang Trung đại phá quân Thanh, Lê Chiêu Thống lại chạy theo quân Thanh tính kế phục quốc. Trần Danh Án ở lại, Quang Trung cử danh sĩ Ngô Thì Nhậm nhiều lần đến mời ông ra làm việc. Tuy nhiên, ông kiên quyết cự tuyệt, tỏ rõ một lòng trung với nhà Lê qua câu thơ: “Người sau bên mộ giơ tay trỏ/Tiến sĩ đời Lê cũ, họ Trần”.
Thời gian này, Trần Danh Án đã gặp Nguyễn Gia Thiều - một cựu thần nhà Lê cũng cự tuyệt làm quan với Tây Sơn. Hai vị cựu thần cùng chí khí, cùng niềm yêu mến văn chương trở thành tri kỷ. Một lần, Nguyễn Gia Thiều đọc cho bạn nghe bài “Khóc Thị Bằng” mới làm, có câu: “Đập mảnh gương ra tìm lấy bóng/Khép manh áo lại để riêng hơi”.
Trần Danh Án thán phục thơ quốc âm, liền diễn giải ra Hán văn để so sánh: “Phá toái lăng hoa tầm cựu ảnh/Trùng phong, khâm tử hộ dư hương”.
Mọi người có mặt đều khen ông diễn giải hay. Nhân câu chuyện đương vui, có người đọc một câu dân gian để hai nhà thơ dịch ra thể thơ Đường: “Muôn nghìn chớ lấy Kẻ La/ Cái tương thì thối, cái cà thì thâm”.
Cả hai danh sĩ đều kêu khó, nhưng sau Trần Danh Án dựa theo Kinh Thi mà dịch: “Vạn thiên tư niên/ Vật thử bỉ La/ Ngôn xú kỳ tương/ Ngôn hắc kỳ cà”.
Mọi người ngỡ ngàng, câu nói cửa miệng trong dân gian mà dịch sang Hán văn mà không thua kém Kinh Thi. Từ đó, Trần Danh Án tiếp tục sưu tập ca dao và dịch sang Hán văn. Công việc này được ghi chép khá thận trọng và tỉ mỉ.
Năm 1793 vua Lê Chiêu Thống qua đời, mưu đồ phục quốc tan tành, Trần Danh Án đau buồn ốm bệnh đến năm sau thì mất, khi đó mới 40 tuổi. Văn tế Trần Danh Án do Tham tri Chính sự triều Lê là Vũ Trinh soạn, có đoạn: “Thần có lòng son nâng đất chống trời, mệnh thần không còn, với thần thế là hết/ Thần có máu nóng để đo gươm giáo, chí thần không toại, đời chẳng còn gì”.
Việc sưu tập ca dao và dịch sang Hán văn về sau lại được Ngô Đình Thái (hiệu là Hạo Phu) tiếp tục. Sau đó là cử nhân Trần Doãn Giác, cháu gọi Trần Danh Án bằng ông chú hoàn thành đặt tên sách là “Nam Phong giải trào” và dâng lên vua Tự Đức. Thời đó, “Đại Nam nhất thống chí” đã đánh giá: “Những câu ca dao nơi xóm làng có quan hệ với phong hóa có thể gần với các câu của Kinh Thi”.
Trần Danh Án còn để lại khối lượng tác phẩm đồ sộ như: Bảo Triện Trần Hoàng giáp thi văn tập, Lịch đại chính yếu luận. Ngoài “Nam Phong giải trào”, ông còn có “Nam phong nữ ngạn thi” (Ngạn ngữ bằng thơ về nữ giới trong phong dao nước Nam) - là quyển chép ca dao, tục ngữ Việt Nam ghi bằng chữ Nôm, một phần dịch sang chữ Hán.
Tác phẩm để đời của ông là “Liễu Am thi tập”, được sáng tác khoảng từ 1788 cho đến trước khi mất. Tác phẩm có 141 bài thơ gồm đề vịnh, cảm tác, đi sứ, thù tặng, họa đáp... Ngoài ra, trong tập còn có 2 bức thư chữ Hán bày tỏ tâm tư, cảnh ngộ từ lúc theo vua Chiêu Thống khôi phục ngai vàng cho đến sau khi nhà Hậu Lê thất bại.