Nhà khoa bảng ví mình với Gia Cát Lượng

GD&TĐ - Khi vua Gia Long thống nhất sơn hà, Tiến sĩ Nguyễn Gia Cát không ra yết kiến. Ông ví mình với quân sư Gia Cát Lượng nên nhờ đó mà thoát tội.

Tiến sĩ Nguyễn Gia Cát đối đáp khi đi sứ nhà Thanh. Ảnh minh hoạ: IT
Tiến sĩ Nguyễn Gia Cát đối đáp khi đi sứ nhà Thanh. Ảnh minh hoạ: IT

Nguyễn Gia Cát, hiệu Địch Hiên người xã Hoa Cầu, huyện Văn Giang (nay là thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Ông là danh sĩ nổi tiếng đương thời, để lại cho đời tác phẩm y học và văn học vô cùng hiếm có.

Đỗ đạt thời Lê, làm quan triều Nguyễn

Theo tương truyền, thuở nhỏ Nguyễn Gia Cát rất thông minh lanh lợi, nhưng có tính hay đùa nghịch. Một lần, có quan nghè làng bên về vinh quy, đường phải qua làng cậu bé. Gia Cát đang chơi bèn lấy gạch viết ra đường một chữ “Môn” rất to.

Quan nghè thấy thế hỏi, cậu bé trả lời: “Cổng to thì voi ngựa võng lọng mới qua được. Quan nghè không nhớ chữ “đồng khai trùng môn” của Tống Thái Tổ sao?”. Quan nghè hơi ngượng, nhưng bảo ngay: Bé này giỏi thật, ta ra vế đối, đối được sẽ thưởng. Liền ra: Ngói đỏ lợp nghè, lớp trên đè lớp dưới (ý nói nghè vừa là cái nhà vừa là tiến sĩ).

Không nghĩ ngợi, Gia Cát đối luôn: Đá xanh xây cống, hòn dưới nống hòn trên (ý nói cống vừa là cái cống vừa là hương cống (cử nhân) học vị dưới tiến sĩ). Cái hóm hỉnh láu lỉnh của Nguyễn Gia Cát là những chữ như “hòn dưới nống hòn trên” có ý nghĩa răn đe “trên đè dưới”, nhưng nếu không có “dưới nống trên” thì cũng sụp. Nống còn được hiểu là chống lại.

Biết là thơ văn của mình bị một đứa bé tóc còn để chỏm bẻ gãy, nhưng quan nghè cũng đành chịu, gật gù khen vế đối hay và thưởng cho một quan tiền. Gia Cát đem tiền ấy chia luôn cho các bạn chơi đánh đáo.

Nguyễn Gia Cát nổi tiếng với giai thoại trêu ghẹo quan nghè/INT.

Nguyễn Gia Cát nổi tiếng với giai thoại trêu ghẹo quan nghè/INT.

Năm 26 tuổi, Nguyễn Gia Cát thi đỗ tiến sĩ khoa Đinh Mùi, niên hiệu Chiêu Thống 1 (1787) đời Lê Mẫn Đế. Tháng 12 năm 1787, quân Tây Sơn ra Bắc, ông về làng ở ẩn, dạy học không ra làm quan.

Năm 1802, Gia Long lên ngôi, ra Bắc. Ông không đến yết kiến, vua định bắt tội. Ông bảo với các bạn rằng: Có một ông Gia Cát mà lại bị tội, thì lấy ai làm quân sư. Câu nói đến tai Gia Long, ông được mời ra làm quan.

Năm 1803, Nguyễn Gia Cát cùng Lê Quang Định và Lê Chính Lộ đi sứ nhà Thanh. Đến Quảng Tây đoàn của ông gặp sứ bộ Ngô Nhân Tịnh, Trịnh Hoài Đức và Hoàng Ngọc Uẩn đã đi từ năm trước (Nhâm Tuất - 1802) nhưng vì gặp bão nên đi tới trễ, hai phái đoàn đã hợp lại để cùng đi sứ sang nhà Thanh.

Việc này, sử nhà Nguyễn chép: Tháng 4 năm Canh Thân (1800), lấy hàng thần là Nguyễn Gia Cát, tiến sĩ nhà Lê, làm Đốc học hầu Đông Cung (Hoàng tử Cảnh).

Kim Bảng lưu phương đề danh tiến sĩ – Nguyễn Gia Cát đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ năm 1787

Kim Bảng lưu phương đề danh tiến sĩ – Nguyễn Gia Cát đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ năm 1787

Năm 1802 lấy hàm Cần Chánh điện học sĩ sung Ất Phó sứ trong sứ bộ Lê Quang Định qua Trung Quốc cầu phong. Nhà Nguyễn lại cử Binh bộ Thượng thư Lê Quang Định làm chánh sứ; Thiêm sự Lại bộ Lê Chính Lộ và Đông các học sĩ Nguyễn Gia Cát làm phó sứ sang Thanh xin cầu phong và đổi quốc hiệu là Nam Việt.

Khi vào chầu vua Thanh, ông bị hỏi vặn: “Vua nước Nam đặt niên hiệu Gia Long, có phải nhặt lấy trong hai niên hiệu của thiên triều là Gia Khánh và Càn Long không?”. Nguyễn Gia Cát đối đáp trôi chảy khiến vua nhà Thanh rất mực khâm phục. Khi về nước, ông được thăng chức Tả tham tri bộ Lễ, tước Quỳ Giang hầu.

Tác gia thế kỷ 18

“Nước chúng tôi từ Trần, Lê về trước, Nam Bắc chia đôi nhau mà tự quyết lấy được. Nay vua tôi dấy lên từ Gia Định, thành công ở Thăng Long, nên đặt hiệu là Gia Long” – Lời đối đáp của Nguyễn Gia Cát trước lời vặn vẹo của vua nhà Thanh.

Nguyễn Gia Cát nổi tiếng về thơ văn, thường cùng nhóm “Gia Định tam gia” (Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh, Trịnh Hoài Đức) giao du thân thiết.

Tác phẩm của ông có: Hoa trình thi tập và Bi nhu quân phương trích lục. Đặc biệt tác phẩm “Quế Sơn y học yếu chỉ” gồm thơ văn, văn điếu và nền y học nước ta ở Đàng Trong thời chúa Nguyễn.

Các tài liệu đã chứng minh Đốc học Nguyễn Gia Cát chính là người thủ bút biên soạn tác phẩm này, để huấn luyện cho lương y ở Đàng Trong vào khoảng cuối TK 18, có chép tay bộ “Cổ mạch Quốc âm diễn ca” bằng Hán Nôm.

Một số sách về y học của triều Nguyễn cũng có chép bộ mạch này và có nhiều thế hệ y gia Việt Nam rất tâm đắc, trong đó có Nguyễn Đình Chiểu. Lương y Đỗ Phong Thuần đã dịch ra quốc âm in trong “Việt Nam y học thực nghiệm”, xuất bản tại Sài Gòn năm 1956.

Với thủ bút của các quan Đại thần đương triều, đây là pho sách có giá trị và có thể tin tưởng được trong việc nghiên cứu, bổ sung nhiều vấn đề về lịch sử và y học.

Bộ sách có ghi các phần: Phú Thang, phú Mạch, phú Dược, phú Bệnh… không giống với các bộ sách của Trung Quốc như: Y học nhập môn, Phùng thị cẩm Nang, Minh Y chỉ chưởng… Khi đối chiếu với các pho sách của Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông thì nó có nhiều mặt chuyên biệt, đặc thù, ưu điểm riêng.

Đặc biệt sách ghi đầy đủ: Lư San Mạch gồm 3 phần: Lư San cổ mạch quốc âm ca (thơ Lục bát), Bát yếu mạch phú và Bát yếu tổng ngoa, đã bị thất truyền ngay tại Trung Quốc; Nhân thân phú, y thuật phú, phú phương thang, chỉ Nam dược vật quốc âm ca (sách dậy chữ Nôm cho lương y).

Có phân khoa, phân mục, phú thang, phụ khoa, tiểu nhi, thương hàn, ngoại cảm lục dâm và tạp chứng… Một phần nhỏ đã được một số lương y phóng dịch ra Việt ngữ, như: Lư San mạch phú, Lư San Mạch ca, Nhân thân phú. Nhưng hầu hết các sách đã dịch đều có nhiều thiếu sót.

Ngoài y học, Nguyễn Gia Cát còn để lại văn bản khá đặc biệt trong số các tác phẩm văn xuôi tự sự Việt Nam thời Trung đại – “Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập”.

Tên của tác phẩm cho thấy, tác giả đã dựa trên cơ sở một tác phẩm có từ trước để sáng tác, đó là “Việt điện u linh tập” của Lý Tế Xuyên. Mặc dù ông cho rằng, mình chỉ làm một công việc rất nhỏ - tân đính hiệu bình (hiệu đính và bình luận mới), nhưng thực chất đã “hoán cốt” và biến một tác phẩm thần tích thành tác phẩm văn học nghệ thuật.

Nguyễn Gia Cát đã lấy cảm hứng sáng tác để biên soạn lại, khiến cho qui mô tác phẩm của Lý Tế Xuyên được mở rộng. Với bút pháp độc đáo, tạo dựng một khung cảnh hoành tráng về cuộc đấu tranh kiên cường chống xâm lược từ phương Bắc của dân tộc Việt Nam thời Bắc thuộc, qua đó địa linh nhân kiệt Việt Nam trong “Việt điện u linh tập” một lần nữa lại được tái hiện đầy đủ, cụ thể và sinh động.

“Việt điện u linh tập” là sự hòa trộn của cả ba tư tưởng Nho, Lão, Phật, cùng tập quán thờ cúng tổ tiên. Có thể nói, mục đích bao trùm lên toàn bộ tác phẩm là để phục vụ cho việc thờ cúng. Vì điều này mà tác phẩm trở thành sản phẩm văn tự có ảnh hưởng lớn đến dòng văn học tự sự Việt Nam suốt thời trung đại.

Tuy tiếp tục con đường của những người đi trước, nhưng Nguyễn Gia Cát đã bứt lên khỏi công việc “tăng bổ”, “trùng bổ”... và đã lựa chọn cho mình một phương thức khác: Biến đổi một tác phẩm văn học chức năng lễ nghi thành một tác phẩm đậm đà sắc thái văn học nghệ thuật.

Nguyễn Gia Cát chính là tác giả “Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập”.

Nguyễn Gia Cát chính là tác giả “Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập”.

Vụ án “man thần”

Mặc dù có công rất lớn với triều đình nhà Nguyễn, cũng như với nền giáo dục trên cương vị Đốc học – và với nền văn học – y học Việt Nam, song, về sau Nguyễn Gia Cát lại dính vào một vụ án “khai man thần sắc” nên bị bãi chức, giam trong ngục 4 năm.

Theo một số nguồn sử liệu, vào tháng 2 năm Gia Long 3 (1804), các quan ở Bắc Thành tâu xin phong tặng cho thần thiêng các địa phương, sai các làng xã xét hỏi rõ linh tích. Phàm vị nào có công đức với dân, các triều vua đã phong tặng thì làm danh sách tâu lên để xin phong tiếp.

Vua Gia Long sai Nguyễn Gia Cát bàn tâu về việc kê khai này. Gia Cát uỷ cho Thiêm sự Vũ Quý Dĩnh trực tiếp chỉ đạo việc kê khai, sai con là Nguyễn Dực và em vợ là Cống sĩ Tô Văn Dậu phụ giúp.

Lợi dụng cương vị được giao, Vũ Quý Dĩnh làm bản khai giả và sắc giả, phong cho cả ông bà, bố mẹ mình làm phúc thần để được cấp sắc mới. Bọn Nguyễn Dực cũng dựa theo đó làm các sắc giả và khai man về các vị thần, khiến cho việc phong sắc bị nhầm lẫn, đảo lộn.

Mãi đến năm Tân Mùi (1811), vụ việc trên đây mới bị phát giác. Các quan ở Bắc Thành phát hiện được có đến hơn 560 đạo sắc bị làm giả để phong cho các “man thần”. Vua Gia Long nghe lời tâu nổi giận, sai đình thần xét lại.

Điều đáng lưu ý của vụ việc là trong số các “man thần”, có cả Hoàng Ngũ Phúc - đại tướng đã dẫn quân Lê - Trịnh vượt sông Gianh để đánh quân chúa Nguyễn ở Đàng Trong vào năm Giáp Ngọ 1774. Ông bị chết trên đường trở về Đàng Ngoài, đã được nhiều làng xã lập đền thờ.

Đặng Trần Thường - một trong những tâm phúc, có công lớn giúp Nguyễn Ánh - Gia Long gây dựng cơ đồ. Khi còn giữ chức Phó Tổng trấn Bắc Thành, tuy biết việc nhưng vẫn cho qua và cho liệt vào điển thờ.

Đến đây, Nguyễn Gia Cát cứ theo đó mà làm bản tâu xin gia tặng Hoàng Ngũ Phúc làm “Thanh danh văn võ thánh thần đại vương”. Khi việc khai man bị phát giác, Đặng Trần Thường sợ hãi xin chịu tội.

Vụ án rất căng thẳng, sau nhiều lần bàn xét, cuối cùng vua Gia Long quyết định xử Vũ Quý Dĩnh trảm quyết (chém ngay, không xét lại), Đặng Trần Thường và Nguyễn Gia Cát cùng bị trảm giam hậu (bị tội chém nhưng được giam để xét lại án “thu thẩm”). Đến tháng 7 năm Quý Dậu 1813, hai người mới được tha.

Đây là vụ án “khai man thần thánh” duy nhất trong lịch sử thời nhà Nguyễn. Sau khi được tha, Nguyễn Gia Cát về làng mở trường dạy học và mất tại quê nhà năm 1816.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.