Lời ca tiên tri và trường hợp “phụ tử đồng khoa” duy nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam

Thành tích phát liên tiếp 10 đời tiến sĩ của họ Ngô lệnh tộc quả là một điều không dễ lặp lại trong lịch sử khoa bảng Việt Nam.

 Đền thờ họ Ngô Lý Trai ở xã Diễn Châu (Nghệ An) ngày nay.
Đền thờ họ Ngô Lý Trai ở xã Diễn Châu (Nghệ An) ngày nay.
Giai thoại lạ về kỳ tích “phụ tử đồng khoa”

Chuyện kể rằng, sau khi cụ thủy tổ bà của dòng họ Ngô lệnh tộc là Chu Thị Bột thí thóc cho người nghèo đến nỗi khánh kiệt cả gia sản, khi mất chẳng còn gì để lại cho con cháu.

Hai người con là Ngô Ngọc và Ngô Định sớm mồ côi cha mẹ, lại gặp lúc khó khăn không biết phải sống như thế nào. Lúc đó, người anh cả là Ngô Ngọc được người cậu nhận nuôi và cho ăn học tại quê nhà để giữ dòng trưởng. Sau này, cụ đỗ khai khoa, mở đầu cho thành tích “ngũ đại liên trúng” của dòng họ mình.

Người em Ngô Định được cho làm con nuôi một người quê Đông Thành (Nghệ An) khi đó đang ở trong quân ngũ, đóng ở đất Kinh Bắc. Khi người bố nuôi này về hưu có đưa Ngô Định đi theo vào định cư ở đất Lý Trai - Nghệ An (nay thuộc xã Diễn Kỷ, Diễn Châu) lập ra dòng thứ họ Ngô lệnh tộc ở đây và được gọi là họ Ngô Lý Trai. 

Thời bấy giờ, trước cảnh anh em ly biệt, trong dân gian có truyền nhau một bài ca như sau: “Một gốc trăm cành nẩy họ Ngô/Chuyện bà thí thóc để muôn thu/Mất mùa thương kẻ ăn rau cháo/Làm phúc đến lúc dốc bịch bồ/Hai chữ vinh hoa bia miệng dệt/Năm đời liên trúng phấn son tô/Còn trời còn đất còn non nước/Thóc tổ còn nhiều chẳng phải lo”.

Chia sẻ thêm về bài ca tiên tri này, ông Ngô Văn Hảo - Trưởng họ Ngô lệnh tộc - cho biết: “Người ta thường nói đây là bài sấm về dòng họ Ngô thứ hai sau bài sấm của thầy Tàu khi trước. 

Nhưng xét trên mặt khoa học thì tôi cho rằng bài ca này ra đời sau khi họ Ngô chúng tôi đã hiển đạt và nó giống như một lời tổng kết trong dân gian hơn là bài sấm. 

Nhưng có một điều không ngờ tới là sau khi dòng trưởng chúng tôi phát liền 5 đời tiến sĩ thì dòng thứ nối vào phát tiếp 5 đời nữa. Thế mới thấy câu ca “Thóc tổ còn nhiều chẳng phải lo” là ứng vào sự kiện này vậy”.

Sau 5 đời tính từ cụ thủy tổ họ Ngô lệnh tộc, dòng thứ tại Nghệ An bắt đầu có người đỗ đại khoa. Người đỗ khai khoa cho dòng họ Ngô Lý Trai là hai cha con cụ Ngô Trí Tri và Ngô Trí Hòa. 

Khoa thi Nhâm Thìn (1592) đời vua Lê Thế Tông cả hai cha con cụ đều đi thi và cũng đỗ một khoa. Ngô Trí Tri đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, năm đó cụ 51 tuổi. Người con trai là cụ Ngô Trí Hòa đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), năm đó cụ 28 tuổi. 

Lúc vinh quy bái tổ, nhà vua đích thân tặng cho một bức trướng hồng có thêu mười chữ vàng là “Khoa danh thiên hạ hữu, Phụ tử thế gian vô” (Nghĩa là khoa danh trong thiên hạ thì ai cũng có thể có, nhưng hai cha con cùng đỗ một khoa thì thế gian chưa từng có).

Dân gian xứ Nghệ hiện lưu truyền một giai thoại rất thú vị về sự kiện hai cha con đỗ cùng khoa như sau. Chuyện kể rằng, năm đó hai cha con đi thi thì cụ Ngô Trí Hòa đã thuộc làu kinh sử còn cụ Ngô Trí Tri vì tuổi cao nên không nhớ được nhiều. 

Trước khi vào thi, cụ dặn con hãy tìm cách bảo bài cho mình. Khi vào thi, hai cha con cụ may mắn được ngồi khá gần nhau, chỉ cách qua lều của một thí sinh tên Trịnh Cảnh Thụy. 

Trịnh Cảnh Thụy đọc đề xong cũng chỉ nhớ lõm bõm, chưa biết bắt đầu ra sao. Khi cụ Ngô Trí Tri cầu cứu con đưa bài sang thì cụ Ngô Trí Hòa bèn viết một mạch ra cả hai bài, một bài cho mình còn bài kia đưa qua lều ở giữa của Trịnh Cảnh Thụy, nhờ chuyển cho cha.

Trịnh Cảnh Thụy mở bài nháp ra xem, lập tức nhớ ra những chỗ đã học, bèn chép lại những đoạn cốt yếu nhất, xong đưa cho cụ Ngô Trí Tri. Kết quả khoa thi đó, Trịnh Cảnh Thụy và cha con Ngô Trí Tri đều đỗ đại khoa. 

Việc cả ba người cùng đỗ ứng với giấc mộng của Trịnh Cảnh Thụy như sau. Nguyên đêm trước hôm đi thi, người này có nằm mơ thấy mình ngồi giữa hai thúng ngô. 

Sáng ra không biết là điềm báo tốt hay xấu nên rất phân vân. Đến khi sự việc trên xảy ra và khi bảng vàng đề tên mới hiểu được ngọn nguồn của điềm báo trên. Tất nhiên đây chỉ là những câu chuyện lưu truyền trong dân gian chứ không hề được chép trong một nguồn sử liệu chính thống nào.

Giáo sư Lê Văn Lan tại buổi lễ đón nhận kỷ lục Guinness của dòng họ Ngô Lý Trai.
Giáo sư Lê Văn Lan tại buổi lễ đón nhận kỷ lục Guinness của dòng họ Ngô Lý Trai.

Trường hợp đặc biệt nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam

Tính từ khi hai cha con cụ Ngô Trí Tri đỗ khai khoa cho họ Ngô Lý Trai, kể từ đó trong họ liên tiếp có người đỗ đạt, làm quan to trong triều đình. Tộc trưởng họ Ngô Lý Trai, ông Ngô Trí Công cho biết: 

“Cụ Ngô Trí Tri sau khi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân đã làm quan tới chức Giám sát ngự sử đạo Quảng Nam, sau thăng lên làm Tả thị lang bộ Lễ. 

Sau cụ về trí sĩ tại quê nhà, dạy bảo con cháu học hành. Người con trai là cụ Ngô Trí Hòa sau khi đỗ Hoàng giáp năm 1592, ra làm quan với chức Hiến sát sứ Sơn Tây. Năm 1606, cụ làm chánh sứ đi sứ nhà Minh. 

Sau cụ lại có công hộ giá trong vụ Trịnh Thung gây biến năm 1623 nên thăng làm Phú Xuân Hầu, sau lại được xếp vào hàng “khai quốc công thần”, công thần trung hưng của triều Lê trong suốt cả 300 năm. Cụ làm quan tới Thượng thư bộ Hộ kiêm chức Tế tửu Quốc Tử Giám (tương đương chức hiệu trưởng ngày nay)”.

Con trai cụ Ngô Trí Hòa là cụ Ngô Sĩ Vinh (1596 - ?) 51 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi Bính Tuất niên hiệu Phúc Thái (1646) đời vua Lê Chân Tông, làm quan tới chức Tự khanh, khi mất được truy tặng chức Tả thị lang, tước hầu. 

Vì trước cụ có công cứu giá vua nhà Thanh nên khi Thanh Thành Tổ lên ngôi hoàng đế Trung Hoa, có sai người mang ba bức trướng gấm và thơ riêng sang tặng Ngô Sỹ Vinh và phong làm Lưỡng quốc công thần (hiện chưa tra được sự kiện này có được chép trong chính sử hay không). 

Hai người cháu của cụ Ngô Sĩ Vinh là Ngô Công Trạc và Ngô Hưng Giáo cũng đỗ tiến sĩ. Như vậy, dòng họ Ngô Lý Trai cũng trải qua 5 đời và có 5 người đỗ tiến sĩ.

Nhận định về thành tích này, GS Sử học Lê Văn Lan cho biết: “Hai cha con đồng khoa, đồng triều này là người đã nêu bật được cả hai vế của truyền thống khoa cử Việt Nam là hiếu học nhưng phải đỗ đạt, mà phải là đỗ đại khoa. 

Đây là biểu hiện cho đỉnh cao của trí tuệ, mặc dù bị khuôn vào mô hình khoa cử truyền thống nhưng nó vẫn biểu hiện được tất cả các giá trị, phẩm chất tinh thần người Việt lúc bấy giờ. 

Và như vậy, một truyền thống đã được tạo ra từ sự kiện hai cha con đồng khoa, đồng triều (từ thế hệ thứ nhất cho đến ít nhất đời thứ 5 của dòng họ Ngô đó) là đều say sưa, miệt mài, cố công học hành và gắng công thi cử để có được danh vị rất vẻ vang là 5 đời tiến sĩ.

Thành tích ấy không chỉ làm vẻ vang cho dòng họ Ngô ở Diễn Châu mà còn làm vẻ vang cho cả xứ Nghệ nữa”. 

Tác giả Phan Huy Chú trong sách Lịch triều hiến chương loại chí có nhận định về cụ Ngô Trí Hòa và dòng họ Ngô Lý Trai như sau: “Ông học vấn hơn người, chính thuật có thừa, trải khắp trong ngoài đối xử chỗ nào cũng vừa; công lao tiếng tăm rõ rệt. Lại là bậc danh thần của ba triều, cha con đồng khoa, phúc nhà lâu dài, càng là việc xưa nay ít thấy”.

Dòng họ được công nhận kỷ lục Guinness Việt Nam

Tháng 9/2013, dòng họ Ngô ở xã Diễn Kỷ (Diễn Châu) đã tổ chức lễ đón nhận nhận kỷ lục Guinness Việt Nam. Dòng họ này được xác nhận kỷ lục về trường hợp hai cha con cụ Ngô Trí Tri và cụ Ngô Trí Hòa là “phụ tử đồng khoa” (hai cha con cùng đỗ một kỳ thi) duy nhất trong lịch sử khoa bảng ở Việt Nam. Đại diện chính quyền, người trong họ và giới sử học đều có mặt để tham dự sự kiện long trọng này.

Theo laodong.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ