Mới đây, Nguyễn Văn Hưng (Hưng Vlog, ở xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang) bị Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Bắc Giang xử phạt 7,5 triệu đồng vì quay clip "nấu cháo gà nguyên lông" đăng lên YouTube.
Tuy nhiên, trước Hưng Vlog, ý tưởng nấu cháo gà, cháo bồ câu nguyên lông đã được nhiều kênh YouTube như Hữu Bộ, Tiến Black, Quang Linh Vlogs... thực hiện và bị cộng đồng lên án nhưng đến khi tài khoản có lượt xem đông đảo như Hưng Vlog đăng clip này thì sự việc mới thực sự gây chú ý.
Nội dung các clip cũng tương tự nhau: Chủ kênh vlog nấu nồi cháo gia cầm nguyên lông giấu kín, cho nhóm bạn ăn xong rồi mới tiết lộ khiến họ bị sốc.
Có người nôn ọe, chửi bới tục tĩu trong clip rất phản cảm. Nhưng chính những tình tiết này được dựng làm điểm nhấn để câu view cho clip,nnhiều người xem tỏ ra thích thú khi các nhân vật bị chơi khăm.
Trên kênh Vĩnh Vớ Vẩn, sau khi bị lừa ăn món gà nguyên lông hấp sầu riêng, một cô gái nói chủ kênh là "chơi dơ, mất dạy, biến thái, vô liêm sỉ".
Tam Mao TV là kênh Youtube giải trí với hàng triệu lượt xem do anh em Lê Mạnh Cường (SN 1991, tức Mao Đại ca) và Nguyễn Văn Dũng (SN 2000, tức Mao Đệ đệ) thực hiện. Dù không đa dạng nội dung, chỉ xoay quanh các trò đùa cuộc sống thường nhật nhưng kênh của họ lại thu về lượng người theo dõi "khủng".
Đoạn video ăn cháo gà luộc nguyên lông của hai anh em Tam Mao có đến 2,9 triệu lượt xem. Ngoài ra, Tam Mao còn có thêm một video khác là ăn cháo vịt nguyên lông có 2,2 triệu lượt xem. Cả hai anh em gọi cháo này là cháo cho chó nhà ăn.
Clip Cháo gà cả lông của anh em Tam Mao thu hút gần 3 triệu lượt xem.
Đặc biệt, trên kênh Quang Linh Vlogs - Cuộc sống ở châu Phi, chủ kênh còn nấu cháo bồ câu nguyên lông cho một nhóm bạn người châu Phi.
Sau khi tiết lộ con bồ câu nguyên lông, mấy người bạn ngừng ăn, chủ kênh liền giải thích: "Nấu kiểu Việt Nam mà. Bây giờ không ngon nữa à? Để cả con mới ngon". Nhưng ba người kia đều từ chối ăn tiếp.
Nội dung nhảm nhí, không có tính giải trí
Ngoài những clip nấu cháo gà nguyên lông, thời gian qua, trên YouTube không khó để tìm thấy những video mô tả cảnh ăn uống cá sống ghê rợn.
Dù được nhiều kênh YouTube khác nhau đăng tải nhưng nội dung các video hầu hết đều giống nhau, trong đó diễn tả cảnh nấu nướng, ăn uống không chỉ mất vệ sinh mà còn gây cảm giác rùng mình, kinh hãi của các YouTuber Việt được gắn mác “đặc sản” dân tộc như ăn cá sống vừa đánh bắt.
Trên kênh Sa Pa TV có video “Hết hồn với món cá nhảy to bằng bắp chân” ghi lại hình ảnh các thanh niên bắt cá dưới ao và làm món cá nhảy để ăn sống. Trong đó có con cá to bằng một bàn tay, có cả con to như bắp chân khiến nhiều người… buồn nôn. Suốt trong các video, người quay liên tục kêu gọi “anh em nếu thấy thích, thấy hay thì chia sẻ mạnh vào nhé”.
Chỉ cần tìm kiếm từ khóa “ăn sống”, ngay lập tức có hàng chục video với đủ tiêu đề gây sốc để thu hút sự quan tâm, tò mò.
Trên danh nghĩa chia sẻ văn hóa ẩm thực, phần lớn các video trên kênh này là trải nghiệm các món ăn từ thịt động vật hoang dã. Hàng loạt kênh như Ẩm thực Tam Mao, Đời sống Tây Bắc, Sa Pa TV… cũng có video ghi lại quá trình ăn đồ sống tương tự và luôn đạt được lượt xem cao.
Hình ảnh ăn những con cá sống này khiến không ít người ghê sợ về vệ sinh an toàn thực phẩm chưa kể, hình ảnh này đăng tải trên các kênh có lượng người theo dõi khủng sẽ làm méo mó về hình ảnh văn hóa, ẩm thực Việt.
Không những thế, để được nổi tiếng, để câu view kiếm tiền bất chấp quá nhiều vloger làm những video với nội dung phản cảm và đi ngược lại truyền thống như đổ 200 quả trứng lên đầu mẹ chỉ để ăn mừng kênh của bản thân được 20.000 lượt đăng ký, đổ chậu nước mắm lên đầu mẹ... đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ và phản đối của cộng đồng mạng.
Đây là những nội dung nhảm nhí và thiếu suy nghĩ, không nghĩ đến hậu quả sau này. Thậm chí, nhiều ý kiến còn cho rằng cách dàn dựng để làm clip trên là vô nhân tính, suy đồi đạo đức.
Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, bệnh viên Nhi trung ương chia sẻ: “Việc ăn sống kéo theo những hậu quả khôn lường về sức khỏe. Riêng ăn cá sống làm tăng nguy cơ nhiễm sán dây cá, gây nên các triệu chứng như đau bụng, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, tắc ruột, nôn ói ra nhiều thước sán dẫn tới nghẹt thở, thậm chí là còn gây trụy tim mạch. Vì thế, những hình ảnh này lan truyền sẽ đầu độc giới trẻ khi nghĩ rằng việc này được chấp thuận, đồng tình”.
Không những vậy, những cách ăn uống này còn làm xấu hình ảnh văn hóa ẩm thực vùng miền. Tiến sĩ Vũ Thế Long – Tổng thư ký Hội Ẩm thực Hà Nội từng chia sẻ: “Ăn sống là một trải nghiệm trong ẩm thực của người Việt, không riêng gì đồng đào dân tộc thiểu số mà người Kinh cũng có ăn sống.
Nhưng ăn sống một cách văn minh, sạch sẽ chứ không phải bắt bỏ con cua, con cá rồi cho vô miệng. Không thể ăn bừa bãi rồi nói đó là văn hóa. Tôi cho rằng những người đó không biết gì. Hành động đó là tuyên truyền cho một lối sống phản khoa học, phản vệ sinh mà chúng ta phải lên án”.
Diễn viên Nguyễn Trung Kiên cũng chia sẻ: “Gần đây, tôi đã được xem hình ảnh thả 100 con dao xuống sân, thử thách 24 giờ làm động vật, ngủ trong quan tài, làm mù mắt bằng đèn bàn học….
Về lâu dài, nếu những hành động trên tiếp tục xảy ra sẽ kéo văn hóa xem-nghe trên không gian mạng của người Việt đi xuống và cần có sự răn đe mạnh từ pháp luật. Những hình ảnh câu view bất chấp để nổi tiếng này không những phản cảm, đi ngược thuần phong mỹ tục, dễ gây hiểu lầm với người nước ngoài, đầu độc vào suy nghĩ của giới trẻ,…cần được xử lý thật nghiêm”.
Nhà báo Lê Dung, báo Tuổi trẻ Thủ đô cũng nhận định: “Những clip đó không có tính giải trí nào, thậm chí khiến người xem rùng mình với những hành động ghê rợn. Nếu cứ xuất hiện nhiều với số lượng xem khủng sẽ gây ra nhiều hệ lụy với xã hội.
Đã đến lúc cơ quan quản lý văn hóa phải mạnh tay xử lý những kẻ sản xuất, quảng bá loại clip độc hại này. Với việc tuyên truyền cho lối sống phản khoa học, phản vệ sinh, chúng có thể khiến hàng triệu thanh thiếu niên dại dột bắt chước và mang bệnh mang tật.
Tai hại hơn, chúng gây ngộ nhận, tạo nên những nhận thức méo mó đến nguy hiểm về văn hóa vùng miền, văn hóa ẩm thực dân tộc.
Trước khi chờ các cơ quan chức năng vào cuộc, người xem cũng cần chọn lọc thông tin, báo cáo, ngăn chặn từ các nút trên trang để tự mình tránh xa được “độc tố” xấu xâm nhập vào đầu".