Phụ giúp gia đình
Chuẩn bị lên lớp 12, nhưng hè này em Đặng Thị Thùy Linh (HS Trường THPT chuyên Đại học Vinh) vẫn về nhà ở thị xã Cửa Lò dành thời gian phụ bố mẹ bán giày dép. Ngoài ra, buổi tối còn bán nước giải khát ở ngoài bãi biển. Cửa Lò đang vào mùa du lịch, vì thế cả nhà “huy động hết quân số” để phục vụ bán hàng. “Em chủ yếu bán nước mía, nước dừa cho khách ngoài bãi biển. Bán đến khi hết khách thì dọn dẹp, cất bàn ghế, đồ đạc. Có hôm khách đông, muộn nhất là 3 giờ sáng mới nghỉ, còn bình thường thì khoảng 1 giờ – 2 giờ sáng là hết khách. Đây là dịp đông khách nhất trong năm, bố mẹ xoay xở không kịp nên em phải phụ thêm, bận rộn lắm ạ”.
Cửa hàng nước giải khát của gia đình Linh còn có thêm 1 nhân viên nhí - Hoàng Khánh Ngọc, mới hơn 10 tuổi (HS Trường Tiểu học Nghi Thu, Cửa Lò). Được bố mẹ cho phép, em đi bán hàng giúp 2 bác và chị. Ngọc tự hào kể về công việc của mình: “Em học được rất nhiều thứ, từ bán bim bim, dọn bàn, rửa cốc. Lúc trước em nhút nhát lắm nhưng bây giờ tự tin hơn nhiều rồi”.
Không chỉ chị em Linh mà hầu hết những đứa trẻ ở Cửa Lò vào dịp hè đều bận rộn làm việc như thế. Nếu nhà ở gần bãi biển, khu du lịch thì bán hàng giúp bố mẹ. Còn ở những xã phường xa hơn, các em lại tham gia công việc khác dọc cảng cá, hay làng nghề chế biến hải sản.
Mới hơn 4 giờ sáng nhưng cảng Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò) đã đông kín thuyền về. Khu vực này hầu như chỉ có thuyền nhỏ, đánh bắt gần bờ và đi về trong ngày. Vì vậy, sáng sớm nào cũng tấp nập người mua bán. Cá, tôm, mực, ghẹ… nhanh chóng được mua ngay khi vừa rời thuyền, rồi chở về các khu chợ hoặc các xưởng chế biến. Tại một cơ sở chế biến tôm nõn, hàng chục người đang thoăn thoắt bóc vỏ tôm sau khi tôm được hấp chín. Trong đó, có nhiều em nhỏ khoảng 8 – 10 tuổi.
Em Hoàng T. H năm nay 10 tuổi đi bóc vỏ tôm ở đây 3 mùa. Tiền công được tính theo khối lượng tôm nõn được bóc, từ 10 – 15 nghìn/kg. Cô bé nhìn 2 bàn tay đỏ ửng vì hơi nóng từ tôm vừa hấp xong, ngại ngùng nói: Em đi bóc vỏ tôm buổi sáng thôi, lúc thuyền họ mới về, buổi chiều thì nghỉ ở nhà vì cũng không có việc. Mẹ em cho đi làm để dành tiền vào năm học mới mua sách vở, đồ chơi, và quần áo mới đi học.
Bỏ tiền cho con đi làm thêm
Vừa kết thúc năm học, cô con gái học lớp 11 của chị Nguyễn Thị Thu (phường Quán Bàu, TP Vinh) xin mẹ cho đến nhà hàng của dì để làm thêm. “Cháu nói muốn đi làm để được trải nghiệm, nên tôi đồng ý luôn. Ở nhà mẹ cũng mở quán bán đồ ăn sáng nhưng việc không nhiều. Đi làm thêm ở ngoài để biết thực tế kiếm được đồng tiền vất vả thế nào. Ở nhà làm cho mẹ mệt lúc nào thì nghỉ, đói lúc nào thì ăn. Nhưng đi “làm thuê”, đang có khách, nhân viên đói hay mệt cũng chưa được nghỉ mà vẫn phải phục vụ”, chị Thu tâm sự.
Hai năm nay, chị Nguyễn Kiều Trang (TP Vinh, Nghệ An) âm thầm tìm và liên hệ với quán cà phê để gửi con vào làm thêm. “Nhiều quán họ không muốn nhận học sinh vào làm nhân viên, bởi các cháu không có kinh nghiệm, dễ làm rơi vỡ đồ, hoặc phục vụ khách chậm chạp. Hơn nữa chỉ làm thời vụ 1 – 2 tháng, sau đó họ lại phải tuyển nhân viên mới”, chị Trang nói. Vì thế, chị nghĩ cách đặt vấn đề với chủ quán cà phê, xin cho con được làm thêm và tiền công sẽ do chính chị bỏ ra. “Mình phải dặn chủ quán không được nói cho cháu biết, nếu không nó tự ái tìm việc chỗ khác. Tôi muốn con làm việc ở nơi chuyên nghiệp một chút, để mình được yên tâm. Tất nhiên, cháu cũng sẽ phải làm việc vất vả, kỷ luật, thậm chí bị trách phạt như tất cả các nhân viên bình thường khác”, chị Trang chia sẻ.
Sau một mùa hè “thử nghiệm” con chị Trang hào hứng, biết trân trọng số tiền mà mình vất vả kiếm được. Cháu cũng biết sắp xếp thời gian sinh hoạt hợp lý để đi làm đúng giờ. Năm ngoái, sau khi nhận tiền công, cậu bé đã mua một đôi giày mà mình thích nhưng giá hơi đắt, trước đó cháu không dám xin tiền mẹ để mua. Số tiền còn lại, mẹ cho phép được giữ để mua những thứ cần thiết sau này. “Năm nay, cháu cũng đi làm thêm với mục tiêu góp tiền với mẹ mua laptop mới”, chị Trang trao đổi.
Làm thêm ở nhà hàng, quán cà phê, ăn sáng, kể cả quán sửa xe, làm đồ handmade không còn xa lạ với nhiều học sinh Nghệ An trong dịp nghỉ hè. Thay vì cho đi học thêm quá nhiều, các bậc phụ huynh bây giờ cũng ủng hộ, quan tâm đến việc tạo môi trường cho con tự trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp… Bởi có những điều các con không thể học được qua bất cứ một trung tâm nào ngoài việc tự mình va vấp, rút kinh nghiệm trong cuộc sống, công việc của bản thân.